Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Thị trường bán lẻ nói chung và ngành điện máy nói riêng luôn trong guồng đào thải khốc liệt. Chỉ trong một thập kỷ qua, gần chục doanh nghiệp lớn đã phải ngậm ngủi rời thị trường.

Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) vừa chính thức “khai tử” chuỗi điện máy Trần Anh nổi tiếng một thời với lý do tái cơ cấu để tối ưu chi phí vận hành. Đây không phải thông tin quá bất ngờ bởi thực tế chuỗi điện máy này đã không còn tồn tại thương hiệu từ lâu.

Tuy vậy, trước Trần Anh, trong vòng một thập kỷ gần đây, ngành bán lẻ điện máy trong nước đã chứng kiến không ít đại gia "ngã ngựa" và phải ngậm ngùi rời cuộc chơi.

“Cái chết” của các chuỗi điện máy

Hơn một thập kỷ trước, tháng 6/2011, thị trường Việt Nam đã chứng kiến vụ phá sản của thương hiệu WonderBuy, chỉ sau một năm công ty này đi vào hoạt động.

Ban lãnh đạo Công ty CP Điện máy, máy tính, viễn thông Hợp Nhất - đơn vị sở hữu thương hiệu WonderBuy - lúc đó cho biết siêu thị đã thua lỗ hơn 50 tỷ đồng gồm tiền thuê mặt bằng, tiền hàng hóa của các nhà cung cấp.

Ngược về quá khứ năm 2010, siêu thị điện máy đầu tiên của WonderBuy rầm rộ khai trương trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 1, TP.HCM) với kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng, bán hơn 70.000 chủng loại hàng điện máy và nội thất.

WonderBuy còn gây chú ý khi chạy quảng cáo hàng loạt chương trình khuyến mại lớn, cũng là siêu thị điện máy tiên phong với phong cách bán hàng kiểu Mỹ, mạnh tay áp dụng chính sách hoàn tiền sau vài năm sử dụng sản phẩm.

Với chính sách này, lãnh đạo Công ty Hợp Nhất muốn xây dựng thương hiệu WonderBuy thành "đế chế" bán lẻ điện máy tại các thành phố lớn và vùng kinh tế trọng điểm trong nước.

Mục tiêu đặt ra là trong 5 năm sẽ phát triển công ty thành nhà bán lẻ hàng điện tử lớn và chuyên nghiệp nhất Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm, giấc mơ này đã tan thành mây khói, WonderBuy phải nộp đơn xin phá sản.

dong cua anh 1

Trước khi bị Thế Giới Di Động giải thể, thương hiệu điện máy Trần Anh đã bị "xóa sổ" khỏi thị trường từ lâu. Ảnh: Hồng Phúc.

Nhưng WonderBuy không cô đơn quá lâu, chỉ sau đó 1 năm, chuỗi điện máy Best Carings cũng đã phải đóng cửa siêu thị cuối cùng để lặng lẽ rời bỏ thị trường.

Xuất hiện vào cuối năm 2004, Best Carings là chuỗi siêu thị điện máy nhượng quyền đầu tiên có mặt tại Việt Nam, dưới sự hợp tác của Công ty Tiếp thị Bến Thành (Tara) và tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Best Denki.

Cũng giống WonderBuy, Best Carings tập trung vào các chương trình khuyến mại khủng khi bán hàng trả góp không lãi suất hoặc lãi suất thấp dưới 1% khiến không ít đối thủ cạnh tranh khi đó phải choáng váng.

Doanh nghiệp này từng lọt top 500 nhà bán lẻ lớn nhất Đông Nam Á - Thái Bình Dương năm 2008-2009 và lọt top 10 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam năm 2009-2010.

Đang có quá trình phát triển ấn tượng nhưng tới năm 2010, Best Carings đột ngột chuyển nhượng cho chủ mới để quay sang phát triển mảng bán sỉ. Kể từ thời điểm này, tình hình kinh doanh của chuỗi đi xuống nhanh chóng, hàng không bán được, các chương trình khuyến mãi "khủng" giảm dần và sức cạnh tranh thua xa đối thủ.

Công ty rơi vào cảnh nợ tiền lương nhân viên, tiền thuê mặt bằng, tiền hàng của các đơn vị cung cấp. Best Carings phải liên tiếp đóng các điểm bán. Tới cuối năm 2012, thương hiệu này chính thức bị “khai tử”.

Tháng 9/2013, tức chỉ 1 năm sau khi Best Carings ngừng hoạt động, thị trường điện máy TP.HCM lại có thêm 1 tên tuổi nữa rời "cuộc chơi". Lần này là chuỗi siêu thị điện máy HomeOne thuộc Công ty CP Dịch vụ bán lẻ Tiên Phong. Cuối quý II đến đầu tháng 9/2013, HomeOne cùng lúc đóng cửa cả 3 địa chỉ gồm trụ sở chính cùng 2 chi nhánh bán hàng.

Một trường hợp đáng tiếc khác là chuỗi siêu thị điện máy Topcare. Xuất hiện ở Hà Nội từ năm 2008, chuỗi siêu thị điện máy này thuộc quyền sở hữu của Công ty CP Đầu tư và Thương mại Ngôi Sao Châu Á.

Giai đoạn 2009-2013 là thời kỳ hoàng kim của Topcare khi công ty liên tục mở rộng điểm bán. Tuy nhiên, sang tới năm 2014, Topcare bắt đầu phải đối mặt với nhiều khó khăn khi kết quả kinh doanh không khả quan và phải ghi nợ từ các nhà cung cấp.

Nợ cũ không trả được, nợ mới phát sinh, nhà phân phối này không thể tiếp tục cập nhật hàng hóa từ các hãng cả về số lượng và chất lượng. Tình trạng này kéo dài khiến hệ thống bán hàng của Topcare đình trệ. Tới đầu năm 2015, Topcare phải ngậm ngùi thông báo đóng cửa toàn bộ siêu thị tại Hà Nội.

Hậu thuẫn từ các "đại gia" là không đủ

Sau những WonderBuy, Best Carings, HomeOne, Topcare thì thị trường bán lẻ điện máy Việt Nam cũng chứng kiến hàng loạt tên tuổi lớn, được hậu thuẫn bởi các tập đoàn kinh tế lớn, phải rời bỏ thị trường như Viễn Thông A, Việt Long hay VinPro.

Viễn Thông A được thành lập vào tháng 11/1997, là một trong những chuỗi bán lẻ điện thoại đời đầu tại Việt Nam. Ở giai đoạn hoàng kim, Viễn Thông A từng có 240 cửa hàng trên toàn quốc, bao gồm cửa hàng độc lập và mô hình "shop-in-shop" trong hệ thống siêu thị BigC, CoopMart cùng 100 trung tâm bảo hành.

Chuỗi bán lẻ điện tử này cũng từng có nhiều năm nằm trong Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương, theo xếp hạng của Retail Asia và Euromonitor. Đầu năm 2017, lãnh đạo công ty có kế hoạch tái cơ cấu và tìm kiếm nhà đầu tư để mở rộng kinh doanh.

dong cua anh 2

VinPro cũng không trụ được quá lâu trên thị trường điện máy dù được hậu thuẫn bởi Vingroup. Ảnh: An Vũ.

Tới tháng 11/2018, Vingroup xác nhận chính thức hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ chuỗi bán lẻ thiết bị công nghệ Viễn Thông A. Cũng trong quý IV/2018, Viễn Thông A hợp nhất với VinPro, hệ thống bán lẻ điện tử, điện máy được thành lập vào tháng 3/2015 của Vingroup. Tính đến tháng 9/2019, hệ thống hợp nhất của cả 2 thương hiệu có 242 cửa hàng.

Trong giai đoạn giữa năm 2019, Vingroup dần xóa bỏ thương hiệu Viễn Thông A để đẩy mạnh nhận diện cho thương hiệu VinPro. Tuy nhiên, điện máy VinPro cũng không trụ lại thị trường quá lâu.

Cuối năm 2019, Vingroup chính thức tuyên bố rút lui khỏi mảng bán lẻ và giải thể toàn bộ hệ thống siêu thị điện máy VinPro. Cùng với việc giải thể VinPro, các cửa hàng của Viễn Thông A trên cả nước lần lượt được thu dọn để trả lại mặt bằng.

Trường hợp thất bại của siêu thị điện máy Việt Long thuộc Công ty CP Thương mại Điện máy Việt Long cũng khiến nhiều người tiêu dùng tiếc nuối. Việt Long từng nổi lên là một trong những thương hiệu lớn bậc nhất tại thị trường Hà Nội.

Tại thời điểm phát triển nhất, Việt Long sở hữu một loạt siêu thị tại các vị trí đắc địa trung tâm Thủ đô. Tuy nhiên, sau 11 năm, đến năm 2013, tình hình kinh doanh của Việt Long liên tục lao dốc, chuỗi dần phải đóng cửa các điểm bán rồi còn bị ngân hàng siết nợ.

Đến đầu năm 2014, điểm bán cuối cùng của siêu thị điện máy Việt Long tại số 80 Ngô Gia Tự (Hà Nội) do phía ngân hàng tiếp quản đã đứng ra tổ chức kinh doanh để giải phóng nguồn hàng nhằm siết nợ cũng đánh dấu đoạn kết của hệ thống điện máy lâu năm này.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Bài liên quan

Hồng Nhung

Bạn có thể quan tâm