Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những chợ cũ nổi tiếng Hà thành ế khách sau khi 'lên đời'

Sau khi phá dỡ để xây trung tâm thương mại, một số khu chợ nổi tiếng sầm uất của Hà Nội trở nên ế khách khiến tiểu thương thua lỗ, tố khổ, còn người dân thì tiếc nuối.

Chợ Việt Hưng trước kia nổi tiếng sầm uất, đông khách nhất nhì ở huyện Gia Lâm và quận Long Biên (Hà Nội). Một số chủ hàng kỳ cựu từ thời chợ cũ kể lại, chợ ngày xưa tuy ọp ẹp, người bán vất vả khi chạy trời mưa, nắng nhưng buôn bán lại dễ, thu nhập cao. Từ ngày "lên đời" thành trung tâm thương mại với hệ thống cầu thang máy, đèn đóm, điện nước hiện đại, ki ốt khang trang nơi đây bỗng dưng mất nhiều khách.
Tầng 1 tập trung nhiều ki ốt. Các tiểu thương chịu khó mở cửa bán hàng hơn cả. Tại đây có khoảng hơn chục hàng giày dép, kính thời trang, mũ nón còn trụ lại nhưng chủ đông hơn khách. Các sạp hàng mở cửa từ sáng tới tối nhưng lượt khách đến với mỗi quầy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chị Linh, chủ hiệu túi xách cho biết, hầu hết khách chỉ ngắm nghía, vào thử hàng rồi lại đi ra, không buồn trả giá.
Nhiều quầy hàng có vị trí đẹp ngay cửa ra vào vẫn ế ẩm. Tới giữa trưa chủ hàng vẫn không buồn mở bán. Hàng vàng, bạc, đồ điện tử điện lạnh có giá trị lớn "chết dí" tại chỗ, đã lâu không có khách ngó ngàng.
Dù mới 9h sáng nhưng do ế khách nên các chị em buôn bán trong chợ rủ nhau nhặt rau chuẩn bị cho bữa trưa và tranh thủ trò chuyện cho đỡ buồn.
Chị Minh Ngọc (chủ quầy hàng quần áo, vải vóc) chia sẻ, các quầy hàng ở đây không khác gì "cá mắc cạn". Cách đây khoảng 5 năm, khi chợ cũ bị phá dỡ để xây trung tâm thương mại, các chủ hàng muốn giữ chỗ bán quen phải bỏ tiền ra mua ki ốt với giá 10 triệu đồng/m2 cho hợp đồng 30 năm. Không chỉ vậy, mỗi tháng, các loại phí dịch vụ điện nước, an ninh, môi trường, thuế... cũng mất thêm vài triệu. Tiền điện giá cao (4.500 đồng/số), phí an ninh cũng tính theo diện tích quầy, to thì 350.000 đồng/ tháng, nhỏ 8m2 cũng mất hơn 200.000 đồng/ tháng. "Chi phí quá cao mà hàng thì ế ẩm nên hầu như không có thu nhập", chị Ngọc than thở. Hàng quần áo phải cập nhật mẫu mốt thường xuyên nhưng do kinh doanh thua lỗ nên hầu hết các hộ bán quần áo tại đây chỉ mở cửa buôn bán cầm chừng, theo thói quen vì đã chót đóng tiền thuê ki ốt tới 30 năm.
Sau thời gian dài buôn bán thua lỗ, hàng loạt chủ quầy quyết định đóng cửa để đỡ tốn tiền điện đồng thời rao bán ki ốt nhằm tháo vốn, tìm hướng kinh doanh khác.
Tầng 3 chợ Việt Hưng cách đây vài tháng vẫn còn lác đác quầy quần áo mở hàng nhưng hiện nay tất cả đều đóng cửa và được rao bán với giá rẻ. Một chủ quầy cho biết, anh bán lại ki ốt với giá rẻ nhưng rao cả mấy tháng nay vẫn không có lấy một cuộc điện thoại hỏi thuê.
Thang cuốn phải ngừng hoạt động để tiết kiệm điện.
Quá ế ẩm, Ban quản lý chợ Việt Hưng rao cho thuê mặt bằng tầng 4, 5, 6 từ nhiều tháng nay nhưng hiện 3 tầng trên vẫn trống không.
Vị trí đắc địa hơn chợ Việt Hưng là trung tâm thương mại Hàng Da (Cửa Đông, Hoàn Kiếm, Hà Nội)  xây dựng năm 2010. Với tổng diện tích 3.700m2, có 5 tầng nổi và 2 tầng hầm, mặt tiền rộng 180m, trung tâm thương mại này nằm trong khu phố cổ sầm uất, từng nổi tiếng là khu chợ đông khách nhất, nhì của Hà Nội, thu hút nhiều khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, từ khi thành trung tâm thương mại, địa chỉ này bỗng bị khách thờ ơ.
Một chủ quầy rượu nằm ngay tầng 1 đang mải mê chơi game trên iPad, người khác thảnh thơi nằm nghe nhạc ngay trước quầy gần cửa vào. Anh cho biết, trước là chợ thì đông, vừa bán vừa la cũng đắt hàng. "Giờ lên đời, chỉ béo chủ hàng, ngồi máy lạnh, ki ốt sạch sẽ, sạch luôn cả khách, cả ngày chả phải làm gì", anh nói. Chị Hồng Minh (Đường Thành, Hà Nội) là một trong số ít khách hàng đang dạo chợ, ngắm đồ. Chị chia sẻ, chợ Hàng Da trước đây tuy không sang trọng, có thể không hiện đại, sạch sẽ như bây giờ nhưng chính những nét đặc trưng ấy lại giúp chợ cũ đắt khách chứ không vắng hoe như hiện nay.
Tầng 2 chuyên buôn bán quần áo nhưng tới cuối giờ trưa cũng chỉ có một vài hàng mở bán khi có khách gọi, còn lại các chủ hàng đều đóng cửa.
Buôn bán ế ẩm, nhiều chủ quầy rao nhượng lại hoặc cho thuê ki ốt.
Khu chợ cũ sầm uất ngày nào giờ thành trung tâm thương mại khang trang, hiện đại với nhiều mặt hàng xa xỉ nhưng... ế khách.

Cách không xa chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam nằm ngay đầu đường Lê Duẩn (Hà Nội) cũng là nơi từng nổi tiếng đông khách nhiều chục năm trước. Chợ Cửa Nam được nâng cấp thành trung tâm thương mại với tổng vốn đầu tư lên tới 280 tỷ đồng, gồm 13 tầng nổi, 4 tầng hầm, diện tích sử dụng hơn 10.000 m2, đưa vào sử dụng từ tháng 7/2010. Nhìn từ ngoài vào, nhiều người dễ tưởng đây là tòa nhà với nhiều văn phòng, dịch vụ cao cấp.

Cô Nguyễn Thanh Xuân bán hàng hoa bên đường kể lại: "Ngày xưa khi còn chợ, không chỉ người dân sinh sống quanh chợ mà khách ở xa cũng tới mua rất đông vì đồ tươi ngon, có nhiều đặc sản, giá cả lại hợp lý. Nhưng từ khi chợ bị phá đi, chuyển thành trung tâm thương mại, cô không còn thói quen vào chợ nữa mà thức ăn mua hàng ngày đều của các hàng rong qua đường. Nghe nói ở tầng 1 vẫn có bán rau quả nhưng cô thấy chẳng có ai vào mua". Tại tầng 1, hàng rau quả, thực phẩm vắng hoe.
Một nhân viên tại đây cho biết, tình trạng ế ẩm diễn ra cả tuần chứ không phân biệt ngày thường hay ngày nghỉ. Các kệ hàng bỏ trống vì không có khách mua.
Chợ Cửa Nam ngày nào giờ chỉ còn lại tầng 1 được biết là bán rau quả nhưng không có khách. Từ tầng 2 trở lên là các văn phòng cho thuê.

Diệp Sa - Duy Hiếu

Bạn có thể quan tâm