Bắt tay quán ăn moi tiền khách
Chiêu trò đầu tiên phải kể đến là việc nâng giá vé Tết với lý do chiều rỗng. Trung bình, các nhà xe đều đồng loạt nâng mức cước từ 30% - 60%. Riêng với xe đường dài, mức cước tăng phổ biến là 30%-40%. Đơn cử như, giá vé xe của nhà xe T.A chạy tuyến Mỹ Đình - Đắk Lắk đã nâng từ 750.000 đồng/lượt lên thành 1.000.000 đồng/lượt. Nhiều hành khách đi xe đã không khỏi ngỡ ngàng trước cách tăng giá kỳ lạ này, anh Nguyễn Văn Phường (Cư Mgar, Đắk Lắk) bức xúc: “Tết tăng giá thì thông cảm được, hôm nay là mùng 8 rồi, Tết chi nữa mà còn chưa giảm. Định cướp của người ta sao”. Không chỉ nhà xe T.A mà tất cả các nhà xe trên tuyến này đã rủ nhau tăng giá. Giá vé này sẽ được áp dụng đến hết ngày 10/2 (tức 11/1 ÂL).
Đáng lưu ý có trường hợp hành khách lên xe Thọ Lam từ Hà Tĩnh đi Sài Gòn cho biết đã phải trả giá 1,7 triệu cho một chỗ nằm chật chội sau ghế lái, trong khi đó giá vé ngày thường chỉ 700.000 đồng. Sở dĩ nói là chật chội vì khi bị CSGT kiểm tra, chiếc xe này đã chở đến 60/28 hành khách và toàn bộ lối đi giữa đã được chủ xe biến thành chỗ nằm cho hành khách.
Hành khách “được” nằm võng trên xe giường nằm của hãng Thọ Lam. |
Để lừa khách, nhiều nhà xe đã xuống nước, hạ giá vé nếu khách không ăn cơm. Với xe Hà Nội đi Đắk Lắk, nhà xe chỉ thu 750.000 đồng/lượt. Cách giảm giá này như một gói siêu khuyến mại, nhưng phía sau nó là chiêu móc túi trắng trợn của nhà xe.
Anh N.T.L phụ xe cho một xe khách tuyến Hà Nội - Gia Lai - Đắk Lắk cho biết: "Chỉ có những hành khách ít khi đi đường dài mới mắc bẫy này vì khi xe chạy cả chặng đường dài chỉ dừng cho khách 3 lần: 2 lần ăn cơm và 1 lần nghỉ giữa chặng, khách không thể nhịn. Trong khi đó, mỗi nhà xe đều có một vài “quán ruột” của mình. Hành khách lạ vào các quán cơm này sẽ được các chủ quán chăm sóc tận tình với giá cắt cổ. Ví như tại quán cơm có tên Thanh Ngân tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh: Mỗi tô phở gà “2 sợi thịt” có giá 40.000 đồng; suất cơm 3 cọng rau, 2 miếng thịt kho nhỏ giá 40.000 đồng; chai nước lọc bên ngoài bán 5.000 đồng thì được họ bán đồng hạng 10.000 đồng… Cứ thế, họ khéo léo moi tiền của hành khách, rồi chia hoa hồng hàng tháng cho lái xe".
Treo biển giả, bán khách dọc đường
Chiêu này vốn được áp dụng phổ biến nhất trên tuyến có cự ly dưới 300km và đang manh nha xuất hiện trở lại trên xe khách đường dài. Vốn là một người làm vận tải hơn 30 năm, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội ông Bùi Danh Liên cũng đã phải lắc đầu khi trở thành nạn nhân của hành vi treo biển giả, bán khách dọc đường.
Ông Liên kể: "Trong chuyến đi từ Nghệ An ra Hà Nội, tôi lên xe khách treo biển “Vinh - Giáp Bát”. Thế nhưng khi đi gần hết chặng đường ông Liên mới té ngửa: “xe Mỹ Đình”. Hành khách lên nhầm nháo nhào, quát tháo vì nghĩ mình bị lừa, trong khi nhà xe quả quyết sẽ đưa hành khách về đến tận bến xe Giáp Bát. Khi đến giữa cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tài xế bật xi nhan ra hiệu cho một xe khách chạy cùng chiều tuyến Thái Bình - Giáp Bát. Chỉ sau hai cái ám hiệu, hai nhà xe đã bán khách thành công cho nhau. Lời lãi như thế nào chỉ họ mới biết. Còn các thượng đế chỉ phải làm một việc duy nhất là chuyển xe, nhưng rủi gặp phải xe nhiều khách quá thì thượng đế phải ngồi sàn".
Với chiêu này, tuy hành khách không mất thêm tiền, nhưng cũng có thể gặp nhiều rủi ro. Đơn cử như vào những hôm tối trời, mưa gió hay những dịp cuối tuần, ngày lễ, tài xế không tìm được xe để bán thì hành khách sẽ bị bỏ lại giữa đường… Lúc này, ngoài cách gọi người nhà ra đón hoặc thuê xe ôm với giá trên trời, hành khách chỉ có nước đi bộ.
Núp bóng xe hợp đồng, chạy khách đường dài
Ông Trần Quốc Toản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Tĩnh liên tục nói với phóng viên về một chiêu bài mới xuất hiện đó là việc núp bóng xe hợp đồng đón khách đường dài. Trong những đợt Tết Nguyên đán xe trên tuyến cố định thường không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của hành khách, lợi dụng thời điểm này các DN, HTX vận tải móc ngoặc với các công ty du lịch đưa xe vào chạy hợp đồng núp bóng nhà xe.
Xe hợp đồng đưa đón công nhân trở lại làm việc sau Tết lại trưng biển Sài Gòn giống như xe chạy tuyến cố định. |
Ngày 7/2, chốt kiểm tra xe khách tại Km 705 trên tuyến QL1, CSGT Quảng Bình đã kiểm tra xe chạy hợp đồng chở khách mang BKS 53N chạy hướng TP.HCM, tài xế Nguyễn Văn Quyết không xuất trình được GPLX hợp lệ, trên xe chở đủ 45 hành khách nhưng do xe đã cũ nát, chật chội, nên đã có 5 hành khách bỏ ghế, mắc võng lên trần xe nằm ngủ. Anh Trần Văn Quân cho biết: “Mấy anh chị em cùng quê tôi rủ nhau thuê xe để trở lại Sài Gòn làm việc, giá thuê lên đến 85 triệu đồng, tính bình quân mỗi người mất 1,8 triệu lận (đắt hơn 200.000 đồng so với vé xe khách Tết), vậy mà xe chẳng ra xe”.
Cũng ở trong trường hợp tương tự, chị Phan Thị Tính - hành khách đi trên xe du lịch BKS 62B cho biết: “Tôi cùng một số người thuê xe du lịch để vào TP.HCM làm việc. Khi đi trên đường lái xe liên tục bắt thêm hành khách với lý do bù lỗ”.