Hình thức phát đồ ăn miễn phí để quảng bá thương hiệu, sản phẩm không mới trên thế giới. Tại Việt Nam, chiêu này từ lâu cũng đã được một số doanh nghiệp áp dụng. Hiệu quả nhìn thấy là rất nhiều người tham gia, biết đến chương trình, đồng nghĩa với biết tiếng thương hiệu. Tuy nhiên, cách này cũng gặp không ít ý kiến trái chiều.
Năm 2013, một cửa hàng sushi trên phố Đoàn Trần Nghiệp (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã quảng cáo bằng cách phát đồ ăn miễn phí. Chương trình diễn ra một ngày dự kiến phát 460 suất buffet Nhật Bản cho khách. Tuy nhiên, hàng nghìn người đã chen lấn, xô đẩy khiến đồ ăn chuẩn bị không đủ để phát cho lượng khách quá lớn.
Gần đây, một thương hiệu đồ ăn nhanh tại TP HCM cũng tổ chức phát đồ ăn miễn phí cho người dân, với giá trị suất ăn khoảng 75.000 - 105.000 đồng.
Thời điểm diễn ra chương trình, hàng nghìn người đã đổ dồn về nhà hàng gây ùn tắc giao thông. Đến trưa hôm sau, cửa hàng này lại tiếp tục tặng đồ chơi bằng cách tung từ sân thượng cửa hàng xuống đường. Hàng trăm người lại chen nhau ùa vào mong nhặt được những món quà này.
Khách đi xe 2 bánh chen chúc chờ nhận suất ăn miễn phí của một thương hiệu thức ăn nhanh tại TP HCM. Ảnh: Zen Nguyễn. |
Các chiêu marketing sau khi kết thúc đều nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Phần lớn ủng hộ chương trình nhưng lại không đồng tình về cách thực hiện.
Chị Nguyễn Hồng Anh (quận 1, TP HCM) chia sẻ: “Việc phát đồ ăn miễn phí cho người dân, nhất là người nghèo rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, cửa hàng nên chia thành nhiều điểm phát quà sao cho khoa học. Người dân sẽ không phải xếp hàng, phơi nắng, tránh tình trạng chen chúc, tắc đường”.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, mục đích của các chương trình là tốt. Song doanh nghiệp nên cân nhắc cách thực hiện để người được nhận quà cảm thấy thỏa mãn. "Có thể ở những quốc gia, nền văn hóa khác, việc làm nói trên đem lại niềm vui nhưng với văn hóa Việt Nam, nên điều chỉnh", một độc giả của Zing.vn cho ý kiến.
Có cách nghĩ tích cực, anh Trần Văn Thiệu (quận Gò Vấp, TP HCM) khẳng định, việc doanh nghiệp quảng bá, khuyến mãi bằng phát đồ ăn miễn phí là hoàn toàn đáng tuyên dương. Nếu hiệu ứng không tốt, doanh nghiệp đáng trách một phần thì những người tham gia với ý thức kém, văn hóa kém đáng trách chín phần.
"Nhìn hình ảnh nhiều người có điều kiện, đi xe tay ga, xách túi đắt tiền cũng 'bon chen' với người đạp xích lô, trẻ em, người bán hàng rong. Ai có điều kiện nên chỉ đến xem ca nhạc và nhường suất ăn miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn", anh Thiệu nói.
Nhiều ý kiến trái chiều về chiêu marketing của các cửa hàng bằng đồ ăn miễn phí khi để lại hình ảnh người tham gia chen lấn, xô đẩy. |
Theo chị Phương, nhân viên marketing một khách sạn ở Hà Nội, việc các cửa hàng quảng cáo thương hiệu bằng đồ ăn miễn phí là cách truyền thông nhân văn. Tuy nhiên, có thể do không lường được số lượng người tham gia nên mới có cảnh người dân chờ đợi, chen chúc, thậm chí bỏ về làm ảnh hưởng đến mục đích ban đầu.
“Các cửa hàng có thể thu hẹp đối tượng được ăn miễn phí là người nghèo. Đặc biệt, trường hợp cửa hàng đồ ăn nhanh, ban tổ chức nên tăng số nhân viên, chia thành các điểm, linh hoạt trong việc phát quà thay vì thả từ trên xuống”, chị Phương gợi ý.
Theo ông Trần Chiến Bình, Giám đốc Công ty Truyền thông TeamworkPR, cách làm quảng cáo bằng việc phát đồ ăn miễn phí vừa khoa học, vừa hiệu quả. Chiêu marketing này từng được các thương hiệu kinh doanh đồ ăn trong nước và thế giới áp dụng từ lâu. Mục đích là tạo sự trải nghiệm của khách hàng đối với sản phẩm và độ nhận biết về thương hiệu. Tuy nhiên, theo ông Bình, trong trường hợp này “ý tưởng tốt nhưng cách thực hiện chưa tốt”.
“Việc phát đồ ăn miễn phí sẽ được nhiều người nhắc đến để khen ngợi. Nhưng về mặt truyền thông, thương hiệu sẽ không có lợi. Hình ảnh gắn liền với thương hiệu như hàng nghìn khách hàng đứng chờ dưới trời nắng, chen chúc, xô đẩy, thiếu đồ ăn… rõ ràng không đẹp. Những hình ảnh này sẽ tồn tại rất rất lâu trên Internet. Và mỗi khi cần, cư dân mạng lại sử dụng chúng để minh họa”, ông chia sẻ thêm.