Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những chiêu lách trần lãi suất của nhà băng

Trần lãi suất ngắn hạn về 8%/năm, những vẫn có nhà băng “vượt rào” với số tiền gửi từ 100 triệu đồng trở lên.

Những chiêu lách trần lãi suất của nhà băng

Trần lãi suất ngắn hạn về 8%/năm, những vẫn có nhà băng “vượt rào” với số tiền gửi từ 100 triệu đồng trở lên.

Gửi số tiền hơn 100 triệu đồng ở ngân hàng nhỏ trên đường Phạm Hùng (Hà Nội), trong 2 tháng, anh Công được ngân hàng này áp dụng lãi suất 8,95%/năm. Mức này, so với trần quy định hiện nay là 8%/năm, đang cao hơn 0,95%. “Vì nhân viên nói là thời gian tới có thể lãi suất sẽ giảm thêm, nên tôi quyết định gửi 2 tháng, sau đó sẽ thăm dò và gửi tiếp”, khách hàng nói trên cho biết.

Nhân viên một ngân hàng cạnh đường Xã Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chỉ áp dụng lãi suất cao hẳn với khách hàng gửi dài hạn phổ biến 12 đến 24 tháng với mức trung bình là 12%/năm - cao hơn các đơn vị khác trong bối cảnh hiện nay. Riêng với các khoản gửi ngắn hạn cho số tiền trên 100 triệu đồng, lãi suất tối đa chỉ 8,5%/năm (cao hơn 0,5% so với trần quy định). “Chúng em cũng muốn neo lãi cao để kéo khách hàng về bên mình, nhưng có một số ngân hàng đang áp dụng cao vọt hơn hẳn, nên không dám dâng cao vì sợ rủi ro và không thể chạy đua với các ngân hàng này”, nhân viên nói trên tiết lộ.

Ngân hàng B. vốn nổi tiếng trên thị trường về việc “đi đêm” lãi suất và áp dụng mức cao, những ngày này, cũng tranh thủ tung ra các mức cao để thu hút khách hàng. Nhân viên nhà băng nói trên cho biết, với khoản tiền gửi từ 200 triệu đồng trong ngắn hạn, mức lãi áp dụng đã cao hơn khoảng 1% so với trần quy định, còn các khoản tính bằng tiền tỷ, lãi còn có thể cao vượt 2% so với trần.

 
 Lãi suất dài hạn trên 1 năm tại các ngân hàng hiện nay phổ biến 10-12%/năm, nhưng ở ngắn hạn, khi Ngân hàng Nhà nước áp trần 8%/năm, vẫn có những nhà băng vi phạm. Ảnh minh họa: Lan Anh.

Hình thức lách trần lãi suất được áp dụng vẫn là ghi mức trần 8%/năm trên sổ tiết kiệm, song ngân hàng trả thêm tiền mặt cho khách hàng. Đây là cách phổ biến được một số nhà băng đang “lách trần” lãi suất áp dụng, nhưng thường chỉ với khách quen hoặc số tiền gửi tính bằng trăm triệu đồng.

Ngoài ra, một cách làm được khá nhiều ngân hàng, trong đó có cả những đơn vị quy mô lớn, áp dụng để “che mắt” dư luận là cho vay cầm cố sổ tiết kiệm hoặc tại mỗi ngân hàng sẽ có tên gọi khác nhau. Trên thực tế, khách hàng gửi chỉ 1-2 tháng, nhưng trong số tiết kiệm ghi kỳ hạn dài (trên 12 tháng) và áp dụng lãi suất dao động 10-11%/năm đối với các khoản trên 100 triệu đồng. Ngân hàng sẽ ký với khách một hợp đồng vay cầm cố sổ tiết kiệm, nếu gửi 1 tháng sẽ vay 11 tháng, 2 tháng vay 10 tháng… và lãi suất cho vay và tiết kiệm sẽ cấn trừ nhau, chẳng hạn nếu lãi vay là 8,95% thì lãi gửi cũng là 8,95%/năm, khách hàng không bị thiệt hại mà còn được lợi một khoản chênh lệch lãi suất cao hơn trần.

Theo nhận định của chuyên gia, việc một số ngân hàng đi chui lãi suất chính là nguyên nhân khiến cho thị trường nhiễu loạn cũng như việc chậm tiến độ của các biện pháp để xử lý những bất ổn của hệ thống, trong đó có nợ xấu. Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, hiện tượng lách trần lãi suất ban đầu xuất hiện ở các ngân hàng nhỏ do không vay được vốn trên thị trường liên ngân hàng nên buộc phải “lao” ra thị trường dân cư vay vốn với lãi suất cao. Ngân hàng lớn, vì muốn giữ chân khách hàng nên cũng theo chân các đơn vị nhỏ và áp dụng lãi suất cao.

“Ngân hàng Nhà nước cần chấn chỉnh lại thị trường liên ngân hàng và tạo ra lòng tin để các đơn vị lớn thấy được ngân hàng nhỏ cũng có khả năng trả nợ. Cách làm có thể áp dụng là Ngân hàng Trung ương bảo lãnh cho các đơn vị nói trên vay ngắn hạn bù đắp thanh khoản. Hoặc nếu không cứu, cần dứt khoát xử lý”, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Viện nghiên cứu Khoa học ngân hàng thì kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần có thông tư quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa các bên trong việc giám sát, xử phạt các đối tượng trong nền kinh tế vi phạm quy định trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Không chỉ ngăn chặn được tình trạng lách trần lãi suất trong huy động, ngay cả khi áp dụng trần lãi suất cho vay, thì quy định nói trên cũng sẽ giúp cho dòng vốn chảy vào các lĩnh vực hiệu quả hơn, tăng cường khả năng của cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước.

Lan Anh

Theo Infonet

Lan Anh

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm