Thổ dân ở New Zealand giả chết để lừa quân Anh
Trận chiến Gate Pa vào tháng 4/1864 là một phần của Những cuộc chiến tranh New Zealand. Xung đột bùng nổ do đế quốc Anh muốn chiếm đất của người Maori, thổ dân bản địa ở New Zealand, trong thế kỷ 19. Gate Pa là một pháo đài do thổ dân Maori kiểm soát và nằm gần một doanh trại lớn của quân Anh. Ngày 27/4/1864, tướng Duncan Cameron dẫn 1.700 lính và 17 khẩu pháo tấn công pháo đài. Đối thủ của họ là 235 chiến binh Maori dưới sự chỉ huy của một thủ lĩnh mang tên Rawiri Puhirake.
Những thổ dân Maori. Ảnh: blogspot.com |
Trong hai ngày tiếp theo, quân Anh nã pháo như mưa vào pháo đài. Nếu tính trung bình, mỗi chiến binh trong pháo đài phải hứng 136 kg thuốc nổ. Mặc dù chỉ 15 chiến binh thiệt mạng bởi pháo, Puhirake quyết định không bắn trả để tướng Cameron tưởng rằng toàn bộ lực lượng trong pháo đài đã chết, Independent đưa tin.
Sau trận mưa pháo, quả thực tướng Cameron nghĩ toàn bộ thổ dân trong pháo đài tử vong hoặc bị thương. Theo lệnh của ông, vài trăm binh sĩ Anh xông vào pháo đài để kiểm tra. Ẩn nấp trong các hào, hầm và mọi chướng ngại vật khác, chiến binh Maori bất ngờ nã đạn về phía lính Anh. Do chủ quan, lính Anh không kịp trở tay và hứng chịu tổn thất lớn. Lính tiếp viện xông vào thành nhưng cũng chịu chung số phận vì họ không biết chỗ mà các chiến binh Maori ẩn nấp. Cuối cùng toàn bộ lính Anh sống sót chạy ra khỏi pháo đài.
Mặc dù giành thắng lợi và tiêu hao khá lớn sinh lực địch, Puhirake vẫn quyết định rút khỏi pháo đài bởi ông hiểu lực lượng của ông không thể đánh bại quân Anh. Họ lặng lẽ rời khỏi pháo đài vào buổi tối hôm đó và mang theo toàn bộ vũ khí mà lính Anh bỏ lại.
3.000 lính Pakistan bất lực trước 100 binh sĩ Ấn
Một binh sĩ Ấn Độ ngồi trên xe tăng mà lính Pakistan bỏ lại ở chiến trường sau trận đánh. Ảnh: defence.pk |
Trận Longewala là một trong những trận chiến đầu tiên trong Chiến tranh Ấn Độ - Pakistan vào năm 1971. Nó xảy ra vào khoảng 4h sáng ngày 5/12/1971, khi 3.000 binh sĩ, 24 khẩu pháo và 55 xe tăng Pakistan tiến vào lãnh thổ Ấn Độ. Thiếu tá K.S Chandpuri và khoảng 100 binh sĩ (nhiều người trong số đó là pháo binh) phải chặn lực lượng hùng hậu ấy, trong khi họ chỉ có một xe Jeep với một khẩu súng chống tăng. Đơn vị của Chandpuri kiểm soát một đụn cát ở Longewala, một làng nhỏ trong sa mạc Thar. Loạt pháo đầu tiên của lực lượng Pakistan khiến 5 con lạc đà chết.
Dù yếu thế hơn đối phương về số lượng và vũ khí, những binh sĩ Ấn Độ diệt 12 xe tăng của đối phương và đẩy lùi đợt tấn công. Những chiến đấu cơ Ấn Độ hồi ấy quá lạc hậu nên phi công không thể quan sát trong màn đêm. Vì thế, tới tận 11h sáng cùng ngày, các máy bay mới lao tới để hỗ trợ nhóm của Chandpuri. Khi hai phi cơ Ấn Độ xuất hiện, chúng tung hoành thoải mái vì các xe tăng Pakistan không thể ẩn nấp trên sa mạc trống trải. Ngoài ra, tác chiến trên cát cũng là việc khó đối với xe tăng. Lực lượng Pakistan rút về nước vào ngày 6/12, khi họ chỉ còn 8 xe tăng trên trận địa.
47 quân nhân đánh bại 4.000 người
Trận chiến Đèo Sabine thuộc bang Texas diễn ra trong cuộc nội chiến Mỹ. Vào năm 1863, tướng William B. Franklin dẫn một lực lượng của Liên bang miền bắc tấn công đèo Sabine để có thể tiến vào bang Texas bằng đường thủy. Đội quân của Franklin gồm 4.000 lính, 4 chiến hạm, 18 tàu chở quân. Trong khi đó, đối thủ của họ chỉ là 47 binh sĩ thuộc một trung đoàn pháo binh của Liên minh miền nam. Đồn trú tại pháo đài Griffin, họ chịu sự chỉ huy của trung úy Richard Dowling và có 6 khẩu pháo hướng về phía đèo Sabine.
Tranh về cuộc chiến trên đèo Sabine vào năm 1863. Ảnh: pixelparadox.com |
Quân đông gấp 20 lần đối thủ vỡ trận vì mải ăn
Trong thế kỷ 16, Nhật Bản chìm trong nội chiến bởi sự tranh giành đất của nhiều lãnh chúa. Oda, một gia tộc quân phiệt tương đối yếu thời bấy giờ, chịu sự chỉ đạo của Oda Nobunaga, một thanh niên liều lĩnh và luôn thực hiện những hành động bất ngờ. Thậm chí nhiều người còn lo ngại anh có vấn đề về thần kinh.
Vào năm 1560, Imagawa Yoshimoto – thành viên thuộc gia tộc Imagawa – muốn chiếm Tokyo. Để tới Tokyo, họ phải vượt qua vùng Owari do gia tộc Oda kiểm soát. Khi ấy gia tộc Oda chỉ có 2.000 binh sĩ, trong khi lực lượng của gia tộc Imagawa lên tới 20.000-40.000 người. Nhiều tướng khuyên Nobunaga đầu hàng vì lực lượng của đối phương quá mạnh, nhưng anh từ chối. Sau khi đặt rất nhiều rượu trong các pháo đài, Nobunaga đưa toàn bộ lực lượng tới pháo đài Zenshoji vào ngày 11/6/1560, Nobunaga yêu cầu thuộc hạ chế tạo một đội quân giả bằng người nộm.
Khi tới pháo đài, Yoshimoto tỏ ra coi thường lực lượng yếu hơn của đối thủ nên cho phép binh sĩ mang rượu mà họ cướp trong những pháo đài bỏ trống của gia tộc Oda để mở đại tiệc.
Ngày 22/6/1560, khi thấy kẻ thù hoàn toàn không phòng bị, Nobunaga ra lệnh hành động. Chiến binh của anh lặng lẽ rời pháo đài và lao xuống từ những quả đồi để tiếp cận trại của đối phương. Hôm ấy sấm nổ rền trên trời nên phe Imagawa không thể phát hiện sự di chuyển của các chiến binh nhà Oda. Sau hiệu lệnh của Nobunaga, lực lượng của anh lao vào đối phương. Thuộc hạ của Yoshimoto chạy tán loạn vì không kịp trở tay, khiến chủ tướng của họ không được bảo vệ. Thế nhưng Yoshimoto lại nghĩ sự náo loạn chỉ là vụ ẩu đả giữa những tên lính say rượu nên vẫn giữ nguyên vị trí. Chiến binh của nhà Oda giết Yoshimoto khi ông còn chưa hiểu tình hình. Lực lượng của nhà Oda giành thắng lợi trong vòng hai giờ.
Đẩy lùi đối phương nhờ liều mạng
Trong Chiến tranh 1812 giữa Mỹ và Anh, phía Mỹ từng nhiều lần cố phá vỡ tuyến phòng thủ của Anh và Canada ở tỉnh Hạ Canada (khu vực mà người dân nói tiếng Pháp) để họ có thể tiến vào Montreal. Hồi tháng 2/1814, thiếu tướng James Wilkinson chỉ huy 4.000 binh sĩ và 11 khẩu pháo để tấn công Montreal. Vào đầu buổi chiều hôm 30/3/1814, đội quân Mỹ phải vượt qua một cầu bắc qua song Lacoole để tấn công lính Anh trong nhà máy Lacolle. Lúc ấy 180 binh sĩ Anh đồn trú trong nhà máy và 160 lính bộ binh Canada đóng quân gần đó.
Quân Mỹ chỉ có thể bắn 3 trong số 11 khẩu pháo vào vị trí của đối phương. Quá trình não pháo diễn ra trong nhiều giờ, song hầu như không gây thiệt hại lớn cho quân Anh, bởi họ ẩn náu trong nhà máy bằng đá.
Mặc dù lực lượng chỉ bằng 1/12 so với kẻ thù, nhưng do hết đạn nên thiếu tá Richard Handcock – sĩ quan chỉ huy nhóm lính Anh – ra lệnh cho binh sĩ xông lên để chiếm pháo của quân Mỹ. Đợt tấn công đầu tiên thất bại, song Hancock vẫn xua lính xông lên lần thứ hai chứ không chờ lực lượng tiếp viện. Trong đợt tấn công thứ hai, khoảng 550 lính Anh và Canada lao về phía quân Mỹ. Họ cướp được toàn bộ pháo của địch rồi chạy về ngay. Tới 6h chiều cùng ngày, tướng Wilkinson ra lệnh rút lui vì không còn pháo để bắn.
Dù chiếm ưu thế với lực lượng đông gấp bội và hỏa lực mạnh hơn, phía Mỹ chịu tổn thất nặng hơn với 254 người chết hoặc bị thương, trong khi con số này của quân Anh là 61.