Luật sư (LS) Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định sau phiên tòa, công luận đã đặt ra nhiều vấn đề còn khúc mắc, chưa nhận được sự giải quyết thỏa đáng của cơ quan có thẩm quyền. Như việc vì sao truy tố và xét xử tội Buôn lậu mà không phải là tội Buôn bán hàng giả, số tiền 7,5 tỷ đồng lãnh đạo công ty VN Pharma khai nhận dùng để chi “hoa hồng” là cho những ai...
Thuốc giả hay thuốc kém chất lượng?
Theo LS Hà Hải, vì tính chất quan trọng của ngành dược nên từ lâu các nhà làm luật đã đề ra những định nghĩa, quy chuẩn rõ ràng, chặt chẽ, đồng thời dự liệu rất kỹ về quá trình sản xuất, lưu hành các loại thuốc.
Cụ thể, theo Luật Dược 2016, một trong các trường hợp được xác định là thuốc giả khi thuốc này “được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nước xuất xứ”.
Luật Dược 2005 quy định một trong các trường hợp thuốc giả là “mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác”.
Theo những định nghĩa này, H-Capita bị làm giả các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc, do đó là “thuốc giả” chứ không chỉ là “thuốc kém chất lượng” như cáo trạng nêu.
Phiên tòa sơ thẩm ngày 25/8 tuyên án nguyên Tổng giám đốc công ty VN Pharma Nguyễn Minh Hùng 12 năm tù. Ảnh: Chi Mai. |
TS Vũ Thị Thúy, giảng viên Khoa Hình sự, Đại học Luật TP.HCM, cũng chỉ ra điểm mâu thuẫn và không phù hợp thực tế của bản kết luận giám định thuốc H-Capita.
Theo kết luận giám định số 31/KLGĐ-BYT ngày 22/4/2015, lô thuốc H-Capita 500 mg Caplet “không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”. Ngoài ra lô thuốc này còn có tạp chất vượt quá lượng cho phép.
Căn cứ điểm C khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, thuốc giả gồm thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.
“Xét quy định này, đáng lẽ H-Capita phải được kết luận là “hàng giả”. Tuy nhiên, kết quả giám định lại cho rằng đây là hàng “kém chất lượng”. Tôi cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng cần trưng cầu giám định lại”, bà Thúy nói.
Vì sao các bị cáo thoát khung án tử hình?
TS Vũ Thị Thúy cho rằng theo quy định tại Điều 153 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999, “hàng giả” không thuộc đối tượng tác động của tội buôn lậu nên trường hợp này các đối tượng phải cấu thành tội Buôn bán hàng giả theo Điều 157.
Xét tổng quát, trong BLHS năm 1999 (sửa đổi năm 2009), tội Buôn bán hàng giả có khung hình phạt cao nhất là tử hình còn tội Buôn lậu có khung hình phạt cao nhất là chung thân.
Tuy nhiên, trong vụ án này, nếu các bị cáo có bị xét xử về tội Buôn bán hàng giả với tình tiết tăng nặng là phạm tội có tổ chức thì cũng chỉ chịu mức án cao nhất là 12 năm tù (căn cứ khoản 2 Điều 157).
Lý do là vì thuốc chưa đưa ra thị trường, không thể xét các yếu tố tăng nặng như phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng để áp dụng các khung hình phạt cao hơn.
Trên thực tế, các bị cáo bị xét xử khung hình phạt nhẹ nhất theo khoản 4 Điều 153 quy định về tội buôn lậu do có các tình tiết giảm nhẹ.
Có sót người, lọt tội?
Một vấn đề khiến dư luận bức xúc đó là việc vì sao chỉ xử lý hình sự giám đốc hai công ty và một số nhân viên có liên quan trực tiếp mà không điều tra vai trò của cơ quan chịu trách nhiệm trong việc kiểm duyệt hồ sơ, đó là Cục quản lý Dược của Bộ Y tế.
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Kỳ Hoa. |
LS Hải nhận định rằng: “Tòa án đã có kiến nghị điều tra thêm nhưng tôi cho rằng đây là cách xử lý chậm và bất đắc dĩ vì đáng lẽ cơ quan điều tra và VKS đã phải làm rõ vấn đề này từ trước rồi”.
7,5 tỷ "bôi trơn" cho ai?
LS Hà Hải cũng đồng thời bày tỏ thắc mắc vì sao cơ quan điều tra không có động thái xử lý số tiền này. Theo ông, đây là tài sản có được do hành vi phạm tội, không những thế còn có thể được xem là vật chứng của vụ án, do đó đáng lẽ nên được truy thu và xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo ông Hà Hải, một điều đáng tiếc của phiên tòa đó là TAND TP.HCM chỉ thực hiện một phần quyền lực của mình, đó là xét xử vụ án theo đúng cáo trạng VKS nêu.
Theo quy định của pháp luật, trong quá trình xét xử, tòa án nếu thấy có vấn đề oan sai, sót người lọt tội thì hoàn toàn có quyền trả hồ sơ vụ án, đề nghị điều tra lại. Tuy nhiên trong vụ này TAND TP.HCM chỉ làm được một phần đó là kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ trách nhiệm của Cục, của Bộ và số tiền "hoa hồng" 7,5 tỷ.
Bên cạnh đó, luật sư Hà Hải cũng bàn luận về tình tiết tòa án cho rằng 9.300 hộp thuốc H-Capita chưa được tung ra thị trường, chưa gây hậu quả nghiệm trọng nên xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo.
Theo ông Hà Hải, hành vi giả mạo tài liệu của các bị cáo đã cấu thành về mặt hình thức, tức ngay thời điểm thực hiện hành vi đã được xem là phạm tội, không cần phải gây hậu quả mới bị kết tội.
Các nhà làm luật đã đề ra những quy phạm điều chỉnh hành vi, trong đó có những hành vi cấu thành về mặt hình thức, có những hành vi cấu thành về mặt nội dung. Sở dĩ trường hợp này thuộc hành vi cấu thành về mặt hình thức là vì việc làm giả, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm là cực kỳ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Vì vậy cần thiết phải xử lý triệt để ngay khi các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội để răn đe kẻ khác.
“Cho nên không thể nào có quan niệm vì ngăn chặn kịp thời, chưa cho số thuốc ấy lưu hành ra thị trường nên các bị cáo được giảm nhẹ hình phạt. Làm như vậy là trái ý chí các nhà làm luật, trái quan điểm chung của các nhà nghiên cứu luật”, ông Hà Hải nói.
Một số điều luật định nghĩa về 'thuốc giả'
Theo TS Vũ Thị Thúy, do hành vi phạm tội của các bị cáo được thực hiện từ năm 2012 đến năm 2014 nên khi xét xử phải áp dụng Luật Dược năm 2005, không áp dụng Luật Dược năm 2016.
Luật Dược 2005 quy định:
Điều 23: Thuốc kém chất lượng là thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
Điều 24: Thuốc giả là sản phẩm được sản xuất dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo, thuộc một trong những trường hợp sau đây:
a) Không có dược chất;
b) Có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đã đăng ký;
c) Có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn;
d) Mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác.
Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định:
Khoản 8 Điều 3:
“Hàng giả” gồm:
c) Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
đ) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;
e) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa.