Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sách làm nhiều bao nhiêu, hay bao nhiêu, đích đến vẫn là có người đọc

Người làm xuất bản chia sẻ về quy trình thực hiện một cuốn sách, câu chuyện nghề, chuyện viết lách... Đồng thời họ gửi gắm mong muốn bạn đọc yêu thích sách nhiều hơn.

xuat ban anh 1

Anh Trần Đình Ba - Biên tập viên NXB Tổng hợp TP.HCM chia sẻ về hậu trường làm sách. Ảnh: Thanh Trần.

Sách không chỉ là một xấp giấy mang theo những con chữ để truyền tải đến người đọc, mà trước đó, nó còn cả một cuộc đời từ lúc được thai nghén ý tưởng cho đến khi đặt trên kệ sách.

Câu chuyện nghề xuất bản sách qua lăng kính các tác giả, biên tập viên đã được chia sẻ đến độc giả trong một chương trình do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM phối hợp với với Đại học FPT tổ chức tuần qua. Đây là một hoạt động hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 2023.

Hiểu được rằng mỗi cuốn sách cầm trên tay là kết quả của nhiều công đoạn kiểm định, góp ý, “làm đẹp”... độc giả không những thêm quý trọng công sức của những người làm sách, mà qua đó còn có thêm cảm hứng, kinh nghiệm trong việc lựa chọn, đánh giá, tiếp thu kiến thức từ sách.

Đằng sau những trang sách

Ở mỗi đơn vị xuất bản sách đều có những câu chuyện nghề nghiệp thú vị khác nhau. Nhưng nhìn chung, khi một bản thảo được gửi đến nhà xuất bản, nó sẽ thẩm định chất lượng dựa trên các tiêu chí như: nội dung, ngôn ngữ và sự phù hợp với thị hiếu, thị trường nhắm đến một đối tượng độc giả nhất định - một tiêu chí quyết định liệu một bản thảo có đến được tay người đọc hay không.

Bên cạnh đó, theo tác giả Trần Đình Ba (hiện là biên tập viên tại Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM), nội dung cũng cần tuân thủ luật xuất bản và luật bản quyền tại Việt Nam. Sau đó, bản thảo sẽ được chuyển đến khâu biên tập, rồi đến dàn trang, đọc bông, thiết kế bìa.

Cuối cùng, tác phẩm hoàn chỉnh sẽ được chuyển lên các cấp cao hơn như phó giám đốc, tổng biên tập, giám đốc nhà xuất bản rồi chuyển qua công đoạn in ấn, đóng sách. Ngoài ra, ngay cả khi cuốn sách đã được hoàn thành cũng chưa thể đi thẳng ra nhà sách được mà phải chờ giấy phép phát hành của Cục Xuất bản, In và Phát hành.

xuat ban anh 2

(Từ trái sang) Các tác giả Hồ Huy Sơn, Trần Đình Ba, Hồ Yên Thục và họa sĩ Linh Vũ. Ảnh: BTC.

“Để một bản thảo trở thành một cuốn sách rất vất vả. Có nhiều bản thảo sai nhiều hoặc phải tra cứu nhiều, phải so sánh, đối chiếu, tham khảo tài liệu. Giữa tác giả và biên tập viên cũng có lúc phải có sự tranh luận, đôi khi tranh luận đến mức trở thành tranh cãi, in xong quyển sách là giận nhau luôn. Nhưng khi thông cảm được với nhau có khi lại gắn bó từ đó và làm việc rất dễ”, tác giả - biên tập viên Trần Đình Ba chia sẻ.

“Có một khác biệt rất lớn từ khi còn trẻ đến bây giờ. Trước đây tôi nghĩ rằng tác giả là rất quan trọng vì phải có tác giả mới có bản thảo để ra sách. Tuy nhiên, sau này tôi nhận ra rằng tùy thời điểm mà tác giả chỉ là một phần trong một quy trình rất nhiều người tham gia”, cây bút Hồ Huy Sơn - tác giả của những tựa sách Mây vẫn bay trên bầu trời thành phố, Một cảnh không có trên phim - kể về quá trình viết sách của mình.

Niềm vui của người làm xuất bản

Bên cạnh việc cho ra những tác phẩm tốt thì việc làm sao để một cuốn sách được nhiều độc giả đón nhận là mối quan tâm chính của những người làm xuất bản. Chính vì thế, họ không ngừng dõi theo nhu cầu của thị trường, thị hiếu của khán giả hiện đại để đưa những tác phẩm đến gần hơn với độc giả.

Tác giả Hồ Yên Thục của bộ sách Nhật ký cô giáo cho rằng một bìa sách đẹp cũng có thể thay đổi số phận của một cuốn sách. Trong khi đó, họa sĩ Đoàn Quang Linh Vũ (hiện là chuyên viên thiết kế tại Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM) cho rằng bìa sách đẹp và nội dung hay là mục tiêu người làm sách theo đuổi.

xuat ban anh 3

Với những người làm sách, niềm vui là khi những tác phẩm được đón nhận và lan tỏa được tình yêu sách đến bạn đọc. Ảnh: BTC.

“Bìa sách đẹp là một yếu tố quan trọng để độc giả khi bước vào nhà sách có thể ngay lập tức chú ý, khiến cho độc giả quan tâm hơn. Đẹp và hay là ưu tiên số một, nhưng cái được quan tâm hơn vẫn là nội dung hay. Chẳng hạn, những cuốn sách cũ ngày xưa được thiết kế không đẹp, vẽ cũng không đẹp, nhưng nội dung hay, độc đáo là điều khiến độc giả quan tâm và săn lùng, tìm mua”, họa sĩ Linh Vũ nói.

Trong khi một số độc giả bày tỏ làn sóng công nghệ và thói quen tiêu dùng mới sẽ “giết chết” sách giấy, thì những người làm sách lại tỏ ra khá cởi mở trước nhu cầu chuyển đổi này bởi dù dưới hình thức nào, họ đều vui khi tác phẩm tâm huyết của mình đến được với độc giả.

“Hiện tại chuyện sách giấy hay ebook không quan trọng, quan trọng là mình có đọc và tùy theo nhu cầu, sở thích để tìm đến loại hình phù hợp. Quan trọng là mình thu được điều gì từ cuốn sách mình đọc. Đó là một nguồn động viên rất lớn đối với tác giả và những người làm sách”, nhà văn, nhà báo Hồ Huy Sơn chia sẻ.

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, tác giả, biên tập viên Trần Đình Ba cho biết niềm vui của những người làm xuất bản không gì hơn là được thấy nhiều sự kiện về sách được tổ chức. Trong đó, quan trọng hơn hết là những chương trình, sự kiện lan tỏa, tôn vinh văn hóa đọc.

“Vì xét cho cùng, sách làm ra nhiều bao nhiêu, hay bao nhiêu thì đích đến cần nhất, vẫn là được độc giả đón nhận, tìm đọc”, anh nói.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Từ ngày 21/4, Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Văn hóa đọc trong lịch sử, truyền thống dân tộc

Không chỉ quan tâm đến lĩnh vực xuất bản, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là hoạt động toàn diện hướng tới xuất bản, xây dựng, lan tỏa văn hóa đọc sâu rộng.

TP.HCM chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc với gần 100 hoạt động

Tại TP.HCM, Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ hai - năm 2023 được tổ chức trên khắp các quận, huyện nhằm tôn vinh những người làm sách và nâng cao văn hóa đọc.

Thanh Trần

Bạn có thể quan tâm