Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những cảnh báo sắc lạnh trước thảm họa khủng bố 11/9

Dù giới chức an ninh và tình báo Mỹ ghi nhận vô số cảnh báo về một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào nước này, Washington vẫn không thể ngăn cuộc khủng bố 11/9/2001 xảy ra.

Khoảnh khắc Trung tâm thương mại thế giới sập đổ sau khi không tặc điều khiển máy bay lao vào tòa nhà. Ảnh: NYC Police
Khoảnh khắc Trung tâm thương mại thế giới sập đổ sau khi không tặc điều khiển máy bay lao vào tòa nhà. Ảnh: NYC Police

24/12/1994: Bốn tên không tặc người Algeria chiếm quyền điều khiển một chiếc máy bay của hãng Air France ở Algiers, Algeria.

6/1/1995: Quân đội Philippines bắt giữ một thủ lĩnh khủng bố cấp cao có tên Abdul Hakim Murad tại Manila. Murad đã khai chi tiết về kế hoạch làm nổ tung máy bay Mỹ trên Thái Bình Dương và cho đâm một chiếc phi cơ chứa đầy thuốc nổ vào một trong hai trụ sở chính của CIA hoặc một tòa nhà chính quyền liên bang.

18/5/1998: Một nhân viên Cục Điều tra Liên bang (FBI) ghi nhận một số người Arab đang tìm các khóa huấn luyện bay ở thành phố Oklahoma, bang Oklahoma. Anh không gửi báo cáo này đến trụ sở chính của FBI.

8/10/1998: Cơ quan Quản lý Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cảnh báo các hãng hàng không và sân bay phải "tỉnh táo cao độ" sau lời đe dọa trả thù của Osama bin Laden vì Mỹ không kích sào huyệt của al-Qaeda ở Afghanistan và Sudan.

8/12/1998: FAA cảnh báo có thể xảy ra không tặc tại một sân bay ở miền đông nước Mỹ.

29/12/1998: FAA phát cảnh báo lần thứ 3, nhắc lại những lời đe dọa của trùm khủng bố bin Laden.

Năm 1999: Tình báo Pháp đưa tên Zacarias Moussaoui (một trong những thủ phạm chính trong vụ tấn công 11/9) vào danh sách những nghi can khủng bố phải theo dõi.

9/1999: Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ đánh giá "al-Qaeda là mối đe dọa khủng bố nghiêm trọng nhất đối với an ninh Mỹ" và cảnh báo al-Qaeda "có thể cho đâm một chiếc máy bay chứa đầy thuốc nổ cao (C-4 và Semtex) vào Lầu Năm Góc, trụ sở của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), hoặc Nhà Trắng".

12/1999: CIA nghe lén các cuộc nói chuyện điện thoại ở Yemen về chi tiết kế hoạch hội nghị quan trọng của al-Qaeda tại Malaysia.

14/12/1999: Cảnh sát Mỹ bắt giữ một tên khủng bố khét tiếng là Ahmed Ressam tại Washington sau khi y nhập cảnh Mỹ từ Canada. Trong chiếc xe của Ressam, các nhà điều tra tìm thấy rất nhiều vật liệu chế tạo bom. Ressam khai nhận y muốn cho nổ tung sân bay quốc tế Los Angeles trong dịp chào mừng thiên niên kỷ mới.

1/2000: Lực lượng tình báo Malaysia giám sát một cuộc họp nghi là của al-Qaeda tại Kuala Lumpur. Malaysia đã chia sẻ thông tin tình báo với CIA.

15/1/2000: CIA theo dõi Nawaf Alhazmi (một trong các phiến quân "cảm tử" đã lọt qua cửa an ninh sân bay trong vụ tấn công 11/9) sau khi y rời hội nghị ở Malaysia đến Los Angeles. Tuy nhiên, CIA không cảnh báo cho cơ quan an ninh quốc gia hay FBI về việc nhập cảnh của Alhazmi vào Mỹ.

9/2000: Tình báo Mỹ bắt đầu đánh chặn hàng loạt thông tin đe dọa chống lại Mỹ, chủ yếu xuất phát ở nước ngoài. Các thông tin ngày càng nhiều vào mùa hè năm 2001.

10/2000: FBI đến Yemen để điều tra các vụ đánh bom tàu USS Cole. Họ dồn sự nghi ngờ vào Tawfiq bin Attash, một trong những đầu sỏ của al-Qaeda, sau khi phân tích những hình ảnh hoạt động của y tại hội nghị al-Qaeda ở Kuala Lumpur.

2001: Zacarias Moussaoui tham gia khóa học đào tạo bay tại trường không quân ở Norman, Oklahoma. Ngôi trường này nằm trong diện nghi vấn của FBI kể từ năm 1998.

Một tòa án Mỹ đã tuyên án Zacarias Moussaoui có tội trong vụ tấn công ngày 11/9. Ảnh: Rex
Một tòa án Mỹ đã tuyên án Zacarias Moussaoui có tội trong vụ tấn công ngày 11/9. Ảnh: Rex

Từ 1/1 đến trước 11/9/2011: FAA ban hành 15 thông tư cảnh báo về mối đe dọa khủng bố và không tặc.

Từ 5/2 đến 29/5/2001: Tòa án tại New York xét xử 4 bị cáo trong các vụ đánh bom hai đại sứ quán Mỹ vào năm 1998. Các bị cáo khai họ nhận lệnh của bin Laden phải học lái máy bay.

6/2001: Đài Al Jazeera phát sóng những băng ghi hình bin Laden đưa ra lời cảnh báo chống lại phương Tây. Cùng tháng này, Văn phòng Lãnh sự tại Bộ Ngoại giao tại Saudi Arabia gia hạn thị thực cho Khalid Almihdhar (một trong những tên không tặc trong vụ 11/9) mà không biết rằng y là đối tượng mà CIA giám sát.

22/6/2001: FAA tiếp tục ban hành thông tư cảnh báo đe dọa với ngành hàng không Mỹ.

26/6/2001: Bộ Ngoại giao Mỹ phát cảnh báo trên toàn thế giới về những hoạt động khủng bố ở nước ngoài.

5/7/2001: FAA cảnh báo cụ thể về nguy cơ "sử dụng chất nổ trong một nhà ga sân bay". Cùng ngày, tổng thống George W. Bush yêu cầu Cố vấn An ninh quốc gia Condoleezza Rice cung cấp thêm thông tin về xu hướng khủng bố gia tăng và những cuộc trao đổi giữa bọn chúng

6/7/2001: Đội chống khủng bố của Hội đồng An ninh Quốc gia tổ chức cuộc họp bàn về khả năng các cuộc tấn công xảy ra ở châu Âu và Trung Đông.

10/7/2001: Nhân viên FBI Kenneth Williams tường thuật về hoạt động đào tạo của người Arab tại một ngôi trường đào tạo bay, với nhận định họ có thể là thành viên al-Qaeda. Ông Williams yêu cầu kiểm tra toàn diện danh tính của những người gốc Trung Đông đang học lái máy bay trên nước Mỹ.

7/2001: CIA cảnh báo Nhà Trắng rằng khủng bố có thể tấn công tổng thống George W. Bush trong Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Genoa, Italy.

Đài truyền hình Al Jazeera phát sóng những lời cảnh báo của trùm khủng bố Osama bin Laden sẽ tấn công nước Mỹ. Ảnh: RT
Đài truyền hình Al Jazeera phát sóng những lời cảnh báo của trùm khủng bố Osama bin Laden sẽ tấn công nước Mỹ. Ảnh: RT

28/7/2001: Lực lượng an ninh Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã bắt giữ tên Djamel Beghal vì mang hộ chiếu giả. Qua thẩm vấn, y khai nhận về vai trò của mình trong al-Qaeda và kế hoạch đánh bom đại sứ quán Mỹ ở Paris.

31/7/2001: FAA cảnh báo các hãng hàng rằng "khủng bố đang lên kế hoạch và tập luyện cho những vụ không tặc"

6/8/2001: Tổng thống George W. Bush đọc báo cáo của CIA về al-Qaeda và khả năng không tặc. Washington ngay lập tức gửi cảnh báo này đến các đại sứ quán và phái đoàn Mỹ ở nước ngoài.

15/8/2001: Học viện đào tạo hàng không quốc tế Pan Am ở Minnesota thông báo với FBI về nghi ngờ của họ đối với tên Zacarias Moussaoui. Y đã trả một khoản tiền lớn cho trường vì muốn học lái máy bay phản lực loại lớn, dù y rất ít kinh nghiệm điều khiển máy bay.

16/8/2001: FAA cảnh báo về "vũ khí ngụy trang" và đề nghị giới chức sân bay cùng các hãng hàng không phải đề phòng khủng bố có thể sử dụng những vật dụng thông thường như điện thoại di động làm vũ khí.

17/8/2001: FBI thẩm vấn Zacarias Moussaoui vì y lưu lại nước Mỹ quá 90 ngày so với hạn thị thực.

23/8/2001: Giám đốc CIA, George Tenet, lo ngại al-Qaeda sắp sửa tấn công và ra lệnh truy tìm những địa điểm có thể trở thành mục tiêu. CIA cũng gửi thông báo khẩn cấp đến FBI, Bộ Ngoại giao, hải quan về lo ngại đối với hai thủ lĩnh khủng bố Nawaf Alhazmi và Khalid Almihdhar. Sau khi hay tin Almihdhar trở lại nước Mỹ từ ngày 4/7, FBI bắt đầu chiến dịch truy lùng y.

Tên Khalid Almihdhar, một trong những tên không tặc, đi qua cửa an ninh tại sân bay quốc tế Dulles ở Chantilly, Virginia, ngày 11/9. Ảnh: AP
Tên Khalid Almihdhar, một trong những tên không tặc, đi qua cửa an ninh tại sân bay quốc tế Dulles ở Chantilly, Virginia, ngày 11/9. Ảnh: AP

4/9/2001: Các cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống George W. Bush phê duyệt dự thảo kế hoạch chống lại al-Qaeda, bao gồm cung cấp 200 triệu USD trang bị vũ khí cho những lực lượng đối đầu với phiến quân Taliban. Đội cố vấn gửi dự thảo cho tổng thống Bush vào ngày 10/9, nhưng ông đang đi vắng nên không xem kế hoạch.

10/9/2001: Cơ quan An ninh Nội địa (NSA) chặn được thông tin liên lạc từ Afghanistan đến Saudi Arabia. Trong đó, một người nói "ngày mai chính là lúc kết thúc đếm ngược", và một người khác nói "trận đấu bắt đầu vào ngày mai". Tuy nhiên, NSA không dịch hai thông điệp này cho đến sau ngày 12/9.

11/9/2001: 4 chiếc máy bay chở khách bị 19 tên không tặc khống chế để lao vào hai tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York và trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ. Một trong những chiếc phi cơ rơi ở bang Pennsylvania. Hơn 3.000 người thiệt mạng trong vụ khủng bố tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ.

Ký ức kinh hoàng về vụ khủng bố 11/9/2001

"Trong những ngày đầu tiên, chúng tôi nghĩ rằng đội cứu hộ sẽ tìm thấy người còn sống mắc kẹt trong đống đổ nát, nhưng phép lạ đã không bao giờ đến", một phóng viên nói.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm