Để cạnh tranh, các doanh nghiệp phải liên tục mở rộng chuỗi hệ thống để giành giật thị phần, đi kèm với đó là cuộc chạy đua giảm giá, khuyến mại để thu hút sự chú ý của khách hàng.
Tuy nhiên, cuộc chiến về giá lại lại tạo ra áp lực rất lớn lên nguồn vốn, cũng như bào mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp. Trong khi đó, do đây là mặt hàng tiêu dùng dài hạn, nên doanh số tại các siêu thị điện máy khó có thể tăng trưởng đột biến.
Do môi trường cạnh tranh quá khắc nghiệt mà trong vòng 5,6 năm trở lại đây, thị trường điện máy trong nước đã chứng kiến sự ra đời, phát triển và rồi lụi tàn của rất nhiều tên tuổi lớn.
WonderBuy: Chết vì chi phí mặt bằng
Hệ thống siêu thị điện máy “bán hàng kiểu Mỹ” WonderBuy, thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Điện máy - Máy tính - Viễn thông Hợp Nhất, bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 6/2010. Được biết, siêu thị này có kinh phí đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng, bán hơn 70.000 chủng loại hàng điện máy và nội thất.
Để thu hút khách hàng, siêu thị này đã ra mắt chương trình bán hàng kiểu Mỹ, bằng cách hoàn tiền sau vài năm sử dụng sản phẩm. Ví dụ, khách mua máy laptop, PC nguyên chiếc hoặc hàng kỹ thuật số trên 3 triệu đồng sẽ nhận lại 30% tiền sau 3 năm dùng.
Tuy nhiên, khách hàng chưa kịp hưởng "khuyến mại kiểu Mỹ" này thì đến tháng 6/2011, tức là chỉ sau 1 năm chính thức đi vào hoạt động, WonderBuy đã phải tuyên bố phá sản, do lỗ đến 52 tỷ đồng.
Theo ông Phan Thanh Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần điện máy - máy tính - viễn thông Hợp Nhất, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc phá sản là do tiền thuê mặt bằng quá cao.
Được biết, WonderBuy thuê mặt bằng với giá 25 USD/m2/tháng. Mỗi tháng siêu thị này phải trả 2,5 tỷ đồng tiền thuê mặt bằng.
Vào cuối tháng 5/2011, do không có khả năng chi trả khoản tiền thuê mặt bằng nên chủ nhà, theo hợp đồng đã gia hạn mười ngày để WonderBuy xoay xở, nhưng vì không xoay xở được, nên thu lại mặt bằng.
Best Carings - Chiến lược sai lầm
Ra đời từ cuối năm 12/2004, Best Carings là chuỗi siêu thị điện máy nhượng quyền đầu tiên tại Việt Nam, là kết quả hợp tác của công ty tiếp thị Bến Thành (Tara) với tập đoàn bán lẻ Best Denki (Nhật).
Những năm 2009-2010 trở về trước, Best Carings được biết đến nhà kinh doanh mặt hàng điện tử, điện máy sôi động bậc nhất của Hà Nội, từng có tên trong “Top 500 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Châu Á - Thái Bình Dương” 2009, 2010; Top 10 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam năm 2009-2010…
Tuy nhiên đến năm 2010, Tara quyết định chuyển nhượng Best Carings cho chủ mới, quay lại lĩnh vực phân phối sỉ. Cũng từ đó siêu thị này bắt đầu đi xuống, hàng không bán được, các chương trình khuyến mãi giảm dần và sức cạnh tranh giảm sút nghiêm trọng. Best Carings bắt đầu nợ lương nhân viên, nợ tiền thuê mặt bằng và lần lượt đóng cửa từng siêu thị một và lặng lẽ rút khỏi thị trường điện máy.
HomeOne - Thua lỗ kéo dài
HomeOne, thuộc quản lý của Công ty Cổ phần dịch vụ bán lẻ Tiên Phong, là một hệ thống bán lẻ khá lớn trên địa bàn TP HCM. Lúc toàn thịnh, hệ thống này hoạt động trên 1 website bán hàng trực tuyến và có đến 3 trung tâm mua sắm lớn ở khu vực trung tâm (quận 1) và các quận ven (đường Đồng Nai, quận 10 và đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp).
Khi mới thành lập, HomeOne có số vốn khoảng 200 tỷ đồng, nhưng chỉ sau 2 năm kinh doanh, doanh nghiệp đã gần như kiệt sức và phải ngừng hoạt động khi nợ tiền thuê mặt bằng, tiền lương nhân viên lên tới hàng tỷ đồng do kinh doanh thua lỗ.
Việt Long - Sử dụng vốn vay quá lớn.
Ngay từ năm 2002, siêu thị điện máy Việt Long của Công ty Cổ phần Thương mại Điện máy Việt Long, đã nổi lên là một trong những thương hiệu lớn bậc nhất tại thị trường Hà Nội, được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Tuy nhiên, sau 11 năm hoạt động, đến năm 2013, Việt Long liên tục lao dốc, kiệt quệ, sử dụng vốn vay ngân hàng quá lớn, không có khả năng trả nợ đúng hạn, dẫn đến tình trạng bị ngân hàng siết nợ.
Topcare - Bí ẩn chưa lời đáp
Mới đây nhất, ngày 23/1/2015, đại gia bán lẻ điện máy Topcare bất ngờ đóng cửa một loạt 6 siêu thị tại Hà Nội, gây hoang mang cho chính nhân viên, khách hàng và cả các đối tác gắn bó lâu năm với thương hiệu này.
Theo một nhà cung cấp của Topcare, bắt đầu từ cuối năm 2014, Topcare đã cho thấy nhiều dấu hiệu gặp nhiều khó khăn về vốn, với nhiều khoản nợ quá hạn.
Mặc dù có nhiều lời đồn đoán liên quan đến việc đóng cửa đột ngột của Topcare, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có sự lên tiếng chính thức từ phía lãnh đạo doanh nghiệp.