Cuốn Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử (GS Văn Tạo, GS Furuta Moto chủ biên) thể hiện thảm họa lịch sử qua những lời kể nhân chứng. Qua những câu chuyện kể, tính tàn khốc của nạn đói vẫn còn ám ảnh trong tâm trí những người sống sót, của người đời sau.
Ăn cả hạt ngô đãi được từ phân ngựa
Ông Nguyễn Thanh Vân - Nguyên Trưởng ban Nghiên cứu Lịch sử Thái Bình, một người sống qua nạn đói - kể lại nạn đói ở Thái Bình kéo dài trong 7 tháng, từ đầu năm 1945, nghiêm trọng nhất là từ tháng 3 đến tháng 6 và kéo dài đến tháng 7. Theo ông Vân, đói khát khiến người ta ăn bất cứ thứ gì tìm được.
Trong cơn đói, người ta ăn bất cứ thứ gì tìm được, có thể là một con chuột chết, hay một con ốc chết. Ảnh: Võ An Ninh |
Bà Nguyễn Thị Vin (sinh năm 1925, làng Nhũ Tỉnh, huyện Tứ Lộc, tỉnh Hải Dương) kể năm 1945, bà 20 tuổi. Gia đình bà có 5 người, không có thóc gạo ăn. Như nhiều nhà khác trong làng, họ phải kiếm ăn bằng mò cua, bắt ốc, đi đào củ chuối, khoai ngứa, đi cạy rau má, thài lài, rau rệu để nấu thành cháo húp.
Bà Vin kể: “Bố tôi phải ăn thính rang bằng cám, trấu nên bị đi kiết, không có tiền mua thuốc nên bị chết. Mẹ tôi và anh tôi cũng vì đói quá, phải ăn nhiều thứ linh tinh, ăn quá nhiều chuối hột rồi lăn ra chết”.
Cơn đói khiến người ta phải ăn trấu, rồi khi trấu cũng không còn thì họ cậy cả vách đất có trộn trấu để ăn.
“Nhà tôi vách trát đất, ông Thoa đói quá đến lấy đất đem về, tôi không biết lấy làm gì. Ông đem về đập ra lấy trấu rang lên ăn. Gặp nạn đói, trong vườn có cây chuối, cây đu đủ vào lúc lọ mặt người (chập tối) là bị lấy trộm hết. Ngoài đồng, bao nhiêu bờ dứa đều bị đốn hết để ăn…”, ông Nguyễn Bá Lộc (sinh năm 1925, xã Quảng Đại, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) kể.
Theo Giáo sư Văn Tạo viết trong sách, nhiều người đói quá ăn cả những thứ người ta đã nôn ọe ra, ăn cả những hạt ngô đãi được từ cứt ngựa của Nhật.
Cái đói đẩy con người vào sự tha hóa
Muốn tìm sự sống, nhiều người dứt bỏ nhà cửa, quê hương, mồ mả cha ông để ra đi, mong sao kiếm được cái gì ăn, rồi cuối cùng chết gục nơi đầu đường xó chợ.
Như lời ông Nguyễn Thanh Vân (Thái Bình) kể: “Những người còn sống thì kéo nhau ra chợ, đường cái, chợ Bo, thị trấn và các vùng khác, miễn có thể tìm được miếng ăn, nhưng rồi đại bộ phận họ cũng chết tha phương. Họ chết không kịp chôn, ruồi bọ, kiến, chim muông đến rỉa xác thối rữa”.
Xác người chết đói được gom đưa lên xe chở tới những nấm mồ tập thể. Ảnh: Võ An Ninh |
Cái đói không chỉ cướp đi sinh mạng của bao người, mà còn đẩy những người cùng quẫn vào sự tha hóa. Đói khát khiến người ta phải đi ăn trộm, cướp giật đồ ăn. Ông Viên Đình Chan (Thanh Hóa), vì đói mà hai mẹ con phải đi ăn trộm bị lý dịch đánh nặng, tất cả nhà đều bị chết đói.
Ông Nguyễn Văn Hợp đi lĩnh chẩn, chen nhau cướp phần cháo, bị hương kiểm đánh đạp, tẩm dầu vào tay đốt, lết được về đến nhà thì chết. Cả nhà ông đều chết đói. Lại có người đi làm phu xe, đói quá giật một mẩu bánh mì bị Tây đầm, lính cẩm đánh đến chết.
Cái đói khiến người khỏe hơn cướp cả những phần ăn của người đang thoi tóp. Ở Sở Vạn, chùa Tạp Phúc (Thanh Hóa) có phát chẩn, nấu cơm nắm thành cục. Có người nhận được, có người không nhận được, người khỏe cướp cơm người yếu.
Cái đói chôn vùi nhân phẩm con người, làm cho con người mất cả nhân tính. Ông Viên Đình Hữu (Quảng Xương, Thanh Hóa) trước từng làm trai tuần, đã bị lưu manh hóa. Gặp nạn đói, ông Hữu đã quẳng con trai 4 tuổi xuống sông Đơ.
Những cái chết thương tâm
Trong lúc nạn đói xảy ra tới đỉnh điểm, việc chôn cất người chết cũng hết sức qua loa. Ở Quảng Xương, Thanh Hóa, các ông Cao Nhuần Sặng, Trình Văn Tự, Nguyễn Văn Tự cùng cả nhà bị chết vào lúc cao điểm nạn đói, người sống không còn sức chôn, đành kéo sập nhà, vùi ngay tại chỗ.
Ông Nguyễn Thanh Vân (Thái Bình) kể: “Việc chôn người chết đói trông vào những người tuần đinh được thuê. Bụng họ cũng đói meo, sức lực cũng cạn kiệt, chỉ có thể đào hố nông, kéo người chết ào xuống, có người còn sống cũng bị chôn. Ở gần biển, người chôn cào xác xuống biển làm mồi cho cá”.
Những người làm công tác từ thiện đi rửa xương nạn nhân chết đói đưa về nghĩa trang chung. Ảnh: Võ An Ninh |
Ông Nguyễn Công Thức (sinh năm 1922, xóm Trỗ, làng Trung, xã Hưng Dũng, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) kể: "Hồi đó tôi làm thợ lục lộ ở Trường Thi, xây dựng nhà cho chủ Tây. Lúc đó trong thành phố có nhiều người chết đói, Tây dùng xe bò bánh sắt đi nhặt người chết đem chôn ở nhà Săng-ta. Tôi đi làm thấy rất nhiều xác chết trên dọc đường. Có người chết bị diều quạ móc mắt, rỉa thịt, sợ quá".
"Trong làng tôi cũng có nhiều người chết […] Hầu hết người chết chẳng có áo quần gì, chôn trần. Cũng có người được bọc vào tơi, hoặc bì gai, chiếu. Đào sơ rồi chôn. Lúc đầu còn sắp người xuống hố, quét vôi trắng, đắp hai tấm lá cót trở đầu đuôi rồi lấp lại. Về sau, người chết nhiều quá. Chỉ nhặt xác, đổ xuống hố rồi vùi đất lên”.
Những nấm mồ tập thể, những mả chung, những gò thây người chết đói hình thành, mà di tích còn tới ngày nay. Khi nạn đói xảy ra, có những tổ chức từ thiện, nhân đạo hình thành để cứu tế.
Lúc nạn đói dần lui, những tình nguyện viên này đi gom xương người, rửa sạch, phân loại, để ở nghĩa trang, điển hình là nghĩa trang Hợp Thiện (Hà Nội).