Đại học Quốc gia Hà Nội tối cuối tuần, thời tiết oi ả, nhưng hàng trăm bạn trẻ vẫn tới chật kín hội trường Sunwah tham dự chương trình “Tuổi trẻ không hối tiếc” và luận bàn về khoa học máy tính cùng tác giả Huyền Chip.
Nhiều bạn trẻ nán lại cuối chương trình, chụp ảnh lưu niệm cùng tác giả Huyền Chip. |
'Đúng, sai không quan trọng, quan trọng ở chỗ Huyền Chip là người truyền cảm hứng'
Ước tính, có khoảng 400 người tới chương trình, trong đó hầu hết là các bạn trẻ, đang là sinh viên tại các trường trên địa bàn Hà Nội. Một số người tham dự là phụ huynh học sinh, những người công tác trong ngành công nghệ thông tin.
Trước khi chương trình diễn ra, Ban tổ chức nhận được gần 300 bản đăng ký tham dự, nhưng số người tới chương trình tối 25/5 vượt ngưỡng ước tính. 18h30 chương trình mới bắt đầu, nhưng nhiều người tới sớm, xếp hàng dài check-in vào sự kiện.
Xuân Quỳnh (22 tuổi, sinh viên Học viện Ngân hàng) là một bạn trẻ có mặt trong buổi giao lưu. Quỳnh kể, khi học lớp 11, cô bị stress vì việc học và chọn trường, chọn nghề. Đọc cuốn Xách ba lô lên và đi, Quỳnh tìm được cảm hứng để học ngoại ngữ. Cuốn sách có tác động tới Quỳnh, cô không chỉ đầu tư cho việc học ngoại ngữ mà còn năng đi ra ngoài nhiều hơn.
Tác giả Huyền Chip (trái) vừa hoàn thành chương trình thạc sĩ về trí tuệ nhân tạo tại Đại học Stanford. |
“Huyền Chip không phải thần tượng, mà là một trong những người truyền cảm hứng với mình. Khi chị ấy bị ném đá, mình thấy quan trọng không phải là việc ấy đúng hay sai, mà điều quan trọng hơn là chị ấy đã truyền cảm hứng tích cực tới mọi người” - Xuân Quỳnh nói.
Theo Quỳnh, cô đến chương trình hơi muộn nên không được đứng gần Huyền, nhưng nghe giọng nói của Huyền Chip, Quỳnh cảm nhận “chị ấy đúng với giọng văn mà chị ấy viết: chân chất, thật thà, mộc mạc”.
Dù tìm được cảm hứng từ cuốn sách Xách ba lô lên và đi, luôn theo dõi nữ tác giả qua trang Facebook, nhưng Quỳnh không có ý định liên hệ với Huyền Chip. Lý do mà Quỳnh đưa ra là: “Mình không thấy có lý do gì để liên hệ với Huyền Chip. Qua sách chị ấy, mình học được nhiều điều. Như vậy là đủ rồi”.
Về cuốn sách mới của Huyền Chip - Tuổi trẻ không hối tiếc, Xuân Quỳnh dù không thích thể loại self-help nhưng vẫn mua sách, bởi “Tên các chương, mục sách này không khác mấy so với những cuốn self-help đưa ra trên thị trường, nhưng đây là sách của Huyền thì mình tin sẽ hay, vì Huyền là người có những trải nghiệm mà không phải ai, không phải tuổi trẻ nào cũng vượt qua. Chẳng mấy ai đi nhiều nơi trên thế giới với số tiền ít ỏi khi còn trẻ như vậy”.
Sách Tuổi trẻ không hối tiếc mới phát hành. |
Cũng giống Xuân Quỳnh, Bảo Ngân (sinh viên K34 khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) biết tới Huyền Chip qua cuốn sách Xách ba lô lên và đi. Gần đây, Ngân theo dõi Huyền Chip qua Facebook. Những bài viết mà Huyền Chip chia sẻ về trải nghiệm, đưa ra những kỹ năng lôi cuốn Ngân.
Bảo Ngân thích nhất những bài viết về kỹ năng quản lý tài chính, những điều nên làm trước tuổi 25 của Huyền. Bởi vậy, Ngân chờ đợi cuốn sách mới ra của Huyền. Theo Ngân, thị trường hiện nay có khá nhiều sách kỹ năng, nhưng cuốn Tuổi trẻ không hối tiếc giúp bạn trẻ biết rõ con đường mình đã chọn, đưa ra những kỹ năng, và là lời động viên bạn trẻ vững bước.
Tuổi trẻ không hối tiếc - Lời khuyên tìm con đường độc lập
Cuốn sách Tuổi trẻ không hối tiếc của Huyền Chip mới phát hành, thuộc thể loại kỹ năng. Sách tổng kết những gì hữu ích mà tác giả đã rút ra trong thời gian qua dựa trên những trải nghiệm du lịch một mình, du học và làm việc ở nước ngoài.
Theo Huyền Chip, những cuốn sách trước đây của cô thường thiên về kết quả (đi rồi, làm rồi và về kể lại chuyến đi ấy), còn cuốn sách này là một quá trình. Trước đây, Huyền rất sợ viết sách kỹ năng, vì ngại những lời khuyên sẽ bị cho là một dạng của dạy đời.
Cho tới khi em trai của Huyền Chip bước vào lớp 12, với rất nhiều câu hỏi đặt ra, cần nhiều kỹ năng để giải quyết. Và Huyền quyết định viết những bài về kỹ năng dành cho người trẻ để chia sẻ với em trai. Các bài viết đăng tải trên Facebook, được nhiều người đón nhận. Kết quả là cuốn sách ra đời.
Là một người coi trọng sự độc lập, Huyền Chip viết cuốn sách với tinh thần đưa ra những kỹ năng để người trẻ vượt qua rào cản gia đình, xã hội, trở nên độc lập, tìm ra con đường của mình và vững tin vào con đường ấy.
Nhiều bạn trẻ đặt câu hỏi giao lưu với tác giả Huyền Chip tại chương trình. |
Theo Huyền Chip, con đường cô đi không chỉ toàn hoa hồng. Cô suýt bị đuổi học hồi cấp ba, từng ngủ ở đồn cảnh sát vì không một xu dính túi, bị người yêu phản bội đến trầm cảm, từng là mục tiêu ném đá của cả triệu người.
Nhưng nếu cho chọn lại, Huyền không chọn con đường khác. Bởi: "tôi đã cháy hết mình để có một tuổi trẻ không hối tiếc. Tôi đã nhận nhiều bài học quý giá, giúp tôi trở thành tôi chứ không phải là hình bóng của những gì người khác áp đặt lên tôi".
Tác giả Huyền Chip tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền, sinh ra và lớn lên ở Hải Hậu, Nam Định. Học xong cấp ba, cô không thi đại học mà dành thời gian đi vòng quanh thế giới. Kết thúc chuyến đi, Huyền Chip quay trở lại trường học.
Cô xuất bản cuốn du ký Xách ba lô lên và đi, được giới trẻ hưởng ứng. Tuy vậy, một số người cho rằng Huyền không thực sự trung thực trong cuốn du ký của mình. Huyền Chip nhận rất nhiều chỉ trích, là tâm điểm truyền thông năm 2013.
Vượt qua khủng hoảng, Huyền Chip nhận học bổng tại Đại học Stanford (Mỹ). Hiện, cô đã hoàn thành chương trình đại học và thạc sĩ, chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo. Cô di chuyển giữa Mỹ, Anh, và Việt Nam, dành thời gian viết lách và làm nghiên cứu.