Đầu tháng 9 vừa qua, bệnh nhân Nguyễn Thị Hồng Ngọc (23 tuổi, phường Vinh Tân, TP Vinh, Nghệ An) đã tử vong sau 50 ngày cấp cứu ở bệnh viện Bạch Mai. Trước đó, bệnh nhân này chỉ bị cảm cúm và được gia đình đưa đến chữa trị tại nhà một y tá về hưu.
Cụ thể, sau 9 ngày được y tá này điều trị bằng cách truyền nước pha lẫn kháng sinh, bệnh tình của chị Ngọc này càng nặng hơn. Đến lúc chị Ngọc kiệt sức không đi được, phù nề, khó thở, tức ngực, y tá này mới cho gia đình đưa vào bệnh viện thành phố Vinh để cấp cứu.
Mẹ chị Ngọc đau đớn trước cái chết của con gái. Ảnh: Phạm Hòa. |
Qua thăm khám, bác sĩ kết luận, do truyền quá nhiều nước và điều trị kháng sinh không đúng với bệnh lý nên chị Ngọc bị nhiễm độc trong máu, dịch tràn phổi, tim phình to, nội tạng có dấu hiệu từ từ phân hủy. Sau 50 ngày cấp cứu, chị Ngọc đã không thể qua khỏi và qua đời.
Trước đó, đầu năm 2014, bệnh nhân Võ Văn Dự (26 tuổi, ngụ xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, Cà Mau) cũng đã tử vong ngay sau khi được truyền nước biển vào người.
Cụ thể, sau khi truyền nước được vài phút, anh Dự bị sốc và chết ngay tại chỗ. Các bác sĩ cho biết trước khi tử vong anh Dự có truyền dung dịch Natri Clorua 9‰ (có tiêm dịch truyền kali).
Tương tự, giữa tháng 8 vừa qua, ông Chu Đình Thành (43 tuổi, trú xã Ngọc Phụng, Thường Xuân, Thanh Hóa) thấy người mệt mỏi, ông đã đến một phòng khám tư gần nhà. Truyền gần hết 2 chai nước, ông Thành rơi vào tình trạng hôn mê và tử vong sau khoảng 20 phút. Kết quả giải phẫu tử thi ghi nhận, trong phổi nạn nhân có rất nhiều nước.
Theo các bác sĩ, dịch truyền có nhiều loại tùy theo tác dụng, trong đó phổ biến là loại cung cấp đường, muối và chất điện giải như glucose 5%, 10%; cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng...
Trao đổi với Zing.vn, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, không phải bệnh nào cũng được phép truyền dịch. Tùy theo loại bệnh và tình trạng cấp cứu mà bác sĩ có chỉ định dùng loại dịch truyền nào cho phù hợp và đặc biệt.
“Dịch truyền là dạng thuốc cần thiết trong trường hợp bệnh nặng cần cấp cứu hoặc trong trường hợp người bệnh không thể uống thuốc. Tuy nhiên, dùng loại dịch truyền nào phải tùy vào từng trường hợp cụ thể, liều lượng truyền phải cân nhắc tính toán cho từng người và có sự theo dõi của thầy thuốc”, bác sĩ Cấp nói.
Bác sĩ Cấp phân tích, với các trường hợp bệnh nhân nhẹ thì không nói làm gì, nhưng với bệnh nhân có diễn biến bệnh nặng cần phải đến các cơ sở y tế, bệnh viện để khám. Thường việc truyền dịch chỉ ở các cơ sở y tế có điều kiện làm cấp cứu mới được phép thực hiện. Dù tỷ lệ sốc do truyền dịch chỉ 3/10.000 ca nhưng vẫn phải thật cẩn trọng.
“Quan điểm của tôi là chỉ nên truyền dịch khi không thể ăn được uống được, chứ còn ăn được uống được không tội gì chọn giải pháp là truyền nước”, bác sĩ Cấp khẳng định.
Về những biến chứng nguy hiểm của truyền dịch, bác sĩ Cấp cho hay, với bất cứ dịch truyền nào, đều có thể có các tai biến như nhiễm trùng hoặc việc đưa vào cơ thể một lượng nước lớn sẽ có thể gây rối loạn về chuyển hóa, gây các hiện tượng phù ở tim, thận…
Đặc biệt, dịch truyền có thể gây phản ứng toàn thân khi cơ thể không “chịu” như hiện tượng sốt run hoặc gây sốc… Đó là lý do, khi truyền dịch dứt khoát phải đến các cơ sở y tế có đủ điều kiện làm cấp cứu để các bác sĩ theo dõi chặt chẽ.
Sốt, mệt mỏi không phải là một bệnh mà chỉ là triệu chứng của rất nhiều bệnh. Chính vì thế, trước khi quyết định việc tiêm, truyền cho bệnh nhân, bác sĩ phải trả lời được câu hỏi: mệt, sốt là do bệnh gì và bệnh ấy có phải truyền dịch hay không? PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội).