Ngày 7/10, gia đình bà Trần Thị Điệp (phường Vinh Tân, TP Vinh, Nghệ An) cho rằng, con gái Nguyễn Thị Hồng Ngọc (23 tuổi) chết oan do điều trị cảm cúm tại nhà bà Trần Thị Tâm (66 tuổi, ở cùng phường). Trong khi thông tin này đang gây bức xúc dư luận thì bà Tâm lại vắng nhà do đang nằm viện điều trị.
Chia sẻ với Zing.vn hôm 8/10, ông Phan Bá Năm (71 tuổi, chồng bà Tâm) cho biết, có thể trả lời thay vợ vì ông cũng nắm khá rõ sự việc.
Theo lời ông Năm, vợ ông là y tá quân đội về hưu năm 1990 nên thỉnh thoảng điều trị, cấp thuốc cho người dân nhưng không đặt biển hiệu hay mở quầy thuốc. Mỗi khi có người gọi, bà vẫn đi chữa bệnh. Tuy nhiên, gần đây ông không cho bà đi nữa mà chỉ ở nhà phục vụ người thân, ai cần thì đến nhờ.
“Bà Điệp cũng là người thân thích, cùng khối với nhau. Hôm 12/7, họ đưa cháu Ngọc đến nhờ vợ tôi khám, điều trị với triệu chứng sốt cao, ỉa chảy, có dấu hiệu cảm cúm. Do vừa đi mổ u mỡ từ bệnh viện TP Vinh về, sức khỏe yếu nên vợ tôi khuyên bà Điệp đưa cháu đi viện. Bà ấy không nghe mà năn nỉ vợ tôi khám, chữa bệnh cho cháu”, ông Năm nói.
Di ảnh của Nguyễn Thị Hồng Ngọc. |
Sau 3 ngày điều trị, theo lời ông Năm, Ngọc bắt đầu khỏe lại nhưng bà Tâm phát hiện cô bị bệnh tim nên truyền thêm lọ thuốc trợ tim. Bà Tâm tiếp tục khuyên nên đưa Ngọc đi bệnh viện nhưng lần này "cả gia đình bà Điệp kéo đến nhà xin cho cháu ở lại điều trị và khẳng định nếu có mệnh hệ gì thì họ cũng không trách".
Điều trị thêm 2 ngày nữa, hôm 17/7, vợ chồng bà Điệp đưa Ngọc đến bệnh viện Thái An (TP Vinh) khám, xét nghiệm, chụp phim và được chẩn đoán bị phế quản.
“Dù xác định được bệnh nhưng họ vẫn không cho cháu vào viện mà tiếp tục đưa về nhà tôi nhờ điều trị tiếp. Ngày 20/7, vợ tôi nhất quyết yêu cầu họ đưa Ngọc nhập viện thì họ mới chịu nghe. Bệnh nhân có dấu hiệu sức khỏe yếu nhưng vẫn đi lại bình thường, tuyệt đối không bị sưng nề chân tay như bà Điệp nói”, ông Năm cho biết.
Sau hơn 1 tháng chuyển từ bệnh viện TP Vinh lên bệnh viện tỉnh Nghệ An rồi ra Hà Nội, Nguyễn Thị Hồng Ngọc đã tử vong hôm 8/9.
Thừa nhận vợ mình không có giấy phép hành nghề, ông Năm biện hộ "chỉ điều trị cho người thân". Tuy nhiên, nhiều người dân trong khối Yên Giang cho hay, khi ốm họ thường đến nhà bà Tâm để điều trị.
Rồi ông Năm khẳng định vợ mình không liên quan đến cái chết của Ngọc và sẽ không chịu trách nhiệm. “Họ điều trị tại nhà tôi đã lâu, sau đó chuyển đi nơi khác điều trị được gần 2 tháng rồi thì làm sao nói tử vong là do thuốc của vợ tôi được. Điều đó là vô lý và không thể xảy ra”, chồng bà Tâm nói thêm.
Bà Điệp vô cùng đau đớn trước cái chết của con. |
Trong khi đó, gia đình nạn nhân cho rằng, thông tin ông Năm đưa ra hoàn toàn vu khống. “Họ không khuyên tôi đưa cháu đi viện mà cố tình giữ lại điều trị để lấy tiền để rồi con tôi phải chết oan”, bà Điệp nói trong nước mắt.
Người mẹ này cũng cho biết, sắp tới sẽ yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ sự việc và có thể sẽ khởi kiện. Nhưng bà cũng thừa nhận vì cả tin, phó thác mạng sống con gái cho bà Tâm nên mới dẫn đến hậu quả như vậy.
"Giá như tôi đưa cháu đi bệnh viện thì đâu đến nỗi như thế. Nó mới đi làm ngoài Hà Nội mới được mấy ngày thì bị cảm sốt nên tôi khuyên con về nhà điều trị cho khỏi rồi hãy ra làm lại. Nào ngờ Ngọc lại chết oan như vậy", bà lại nức nở.
Ông Nguyễn Hoàng Mạnh, Chủ tịch UBND phường Vinh Tân nói, chưa nhận được đơn trình báo từ phía bị hại mà chỉ mới nghe thông tin từ người dân phản ánh. Chính quyền đã giao cho Trạm Y tế phường kiểm tra và phát hiện bà Tâm không có giấy phép hành nghề, cũng không phải là y, bác sĩ.