Kể từ khi Hà Nội áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, hàng loạt chốt kiểm soát dịch được dựng lên trên địa bàn thành phố. Thành viên Hội phụ nữ phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) thay phiên nhau đi chợ, nấu cơm để đem tặng các cán bộ trực chốt. |
Gia đình anh Ngô Tiến Dũng (sinh sống tại phường Vĩnh Phúc) nhận làm bếp ăn. Tùy vào số suất ăn, mỗi ngày, có khoảng 2-4 người tham gia nấu. |
Hiện nay, trên địa bàn phường có 10 chốt gồm công an, dân quân ứng trực, tương đương với khoảng 30-40 suất ăn/ngày. |
Gian bếp nhỏ chừng 10 m2 tại nhà anh Dũng trở nên tất bật kể từ khi giãn cách. "Gia đình tôi làm nghề nấu cỗ, vì dịch bệnh đã nghỉ làm. Giờ thấy mọi người vất vả, tôi xung phong trở thành đầu bếp để được góp sức mình", anh Dũng nói. |
Thực đơn mỗi ngày đều phong phú và được thay đổi thường xuyên như bò hầm khoai tây, chân giò luộc, rau củ... Nguồn thực phẩm được mua từ siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch hoặc đôi khi là người dân đem tặng. |
Riêng phần cơm được bọc cẩn thận vào giấy bạc nên khi mang đến chốt, cơm vẫn còn nóng hổi. |
Chị Ngô Thùy Linh (Chủ tịch Hội phụ nữ phường Vĩnh Phúc) cho biết ngoài nguồn kinh phí từ phường, bếp ăn còn nhận được ủng hộ của người dân trong khu vực, nhà hảo tâm, thầy cô giáo. |
"Chúng tôi mong các cán bộ làm việc vất vả ngày đêm có thể nhận được những phần cơm ngon và sạch như ở nhà do chính tay người mẹ, người chị, người em nấu", chị Thùy Linh chia sẻ trước khi lên đường đưa cơm tới các chốt trực. |
11h45, bếp ăn chia thành các nhóm nhỏ đi giao cơm tới những điểm chốt đã được hẹn trước. |
"Chào chị Linh, hôm nay chúng em được ăn món gì thế", "A, cơm ngon tới rồi"... một cán bộ vui mừng khi nhìn thầy chị Linh đưa cơm tới. |
Tranh thủ ăn cơm trong thời gian nghỉ ngắn ngủi giữa trưa hè nắng nóng, anh Đỗ Thành Đô (phải), Đội trưởng đội dân quân phường Vĩnh Phúc, chia sẻ: "Nắng nóng, anh em ai cũng mệt. Thật may có những suất cơm ngon, canh ngọt mọi người đem tặng. Chúng tôi ai cũng ăn hết". |