Mỗi người một câu chuyện khác nhau, có người đến với nghề vì đam mê, và cũng có người bén duyên với lĩnh vực nhiều thử thách này một cách tình cờ.
Thành công trong “lãnh địa” của nam giới
Gặp Denise Ramos de Oliveira sau khi cô vừa kết thúc một chuyến bay của Bamboo Airways, một nữ phi công đến từ Brazil với mái tóc vàng óng, vẻ đẹp nữ tính và nụ cười tươi tắn trên môi, ít người nghĩ rằng cô gái này đang theo đuổi nghề “làm chủ bầu trời”, vốn có những yêu cầu nghề nghiệp khắc nghiệt.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình ở miền nam Brazil, không ai trong gia đình làm trong ngành hàng không, Denise kể rằng cô biết mình phù hợp với nghề phi công khi làm thử một bài đánh giá hướng nghiệp năm 17 tuổi: “Vào những năm 2000, khi Brazil chỉ có một vài phi công nữ, tôi thậm chí không biết rằng phụ nữ có thể làm phi công”.
Đang làm việc tại Bamboo Airways, Denise Ramos de Oliveira tự hào là một trong số ít “bóng hồng” trên buồng lái máy bay, nơi từng được coi là “lãnh địa” riêng của nam giới.
Denise Ramos de Oliveira tự hào là một trong số ít “bóng hồng” trên buồng lái máy bay Bamboo Airways. |
Khi được hỏi về khó khăn trong công việc, chị cho biết, để có điều khiển thuần thục chiếc máy bay khổng lồ trên bầu trời, phi công buộc phải trải qua những tháng ngày luyện tập gian khổ, tôi rèn tính chính xác cao và “tinh thần thép”. “Học đã khó, tuy nhiên khi thực sự đi bay, thách thức lại ngày càng khó gấp bội”, Denise cho biết.
Tuy vậy, khi nghề đã “ăn sâu” vào máu, nữ phi công này tâm sự: “Làm phi công rất bận rộn và vất vả, nhưng tôi rất tự hào vì đã theo thành công đam mê chạm tới bầu trời và mang lại những chuyến bay an toàn cho mọi người”, chị Denise nói.
Không bao giờ từ bỏ ước mơ
Là tiếp viên người Thái Lan ở Bamboo Airways, Praemai Bailee chuẩn bị tham gia tổ bay trên chuyến bay từ Hà Nội đến TP HCM. Cô cho biết: “Tiếp viên là công việc mơ ước của tôi khi còn trẻ và tôi không để giấc mơ của mình chỉ mãi là mơ ước. Tôi chính thức trở thành tiếp viên hàng không vào năm 2019, khi chuẩn bị bước sang tuổi 30. Ai đó nói rằng có lẽ tôi đã quá già để trở thành tiếp viên hàng không, nhưng đó không phải là những gì tôi nghĩ”.
“Khi gia nhập đội ngũ tiếp viên hàng không của Bamboo Airways, tôi đã bước vào quá trình huấn luyện khắt khe, đòi hỏi quyết tâm và bản lĩnh”, Bailee nói.
Praemai Bailee là tiếp viên người Thái Lan đang làm việc ở Bamboo Airways. |
“Tôi đã phải tập luyện rất nhiều, từ những động tác nhỏ như làm quen cách sử dụng khay phục vụ, rót nước phục vụ hành khách. Giờ đây, sau quá trình tập luyện, tôi có thể dễ dàng học cách thả lỏng cơ thể, miệng luôn mỉm cười, động tác nhẹ nhàng, uyển chuyển…”, Bailee nói thêm.
Chị Dương Thị Ngọc Mai - Tiếp viên trưởng của Bamboo Airways nhận định, do đặc thù ngành, sự chuyên nghiệp không chỉ đến từ kiến thức về an toàn hàng không, vẻ đẹp ngoại hình, mà còn đến từ những chi tiết rất nhỏ như: Cách đi, đứng, cách nở nụ cười, cho đến các nghiệp vụ như sơ cứu hành khách…
Tuy nhiên, chị cho rằng, phụ nữ thường có sự mềm mại, dẻo dai và khéo léo bẩm sinh, đồng thời phụ nữ luôn được yêu thương và thông cảm nhiều hơn nên khá thích hợp với nghề tiếp viên hàng không.
Chị Dương Thị Ngọc Mai - Tiếp viên trưởng của Bamboo Airways cho biết câu “thần chú” của đoàn tiếp viên là “chú tâm phục vụ”. |
Chị cũng cho biết thêm, tại Bamboo Airways, câu “thần chú” của đoàn tiếp viên là “chú tâm phục vụ”. Điều này hình thành cho các bạn tiếp viên thói quen và tinh thần tự giác, dùng cái tâm của mình để phục vụ từng vị khách bằng sự trân trọng.
“Để gói gọn nghề nghiệp của mình trong ba từ, tôi sẽ dùng 3 từ chiêu đãi viên. Trong đó, chúng tôi 'chiêu đãi' hành khách những dịch vụ hơn cả mong đợi của họ”, chị Mai cho biết.
Chỉ yếu về “cơ bắp”
Sinh năm 1981, hiện là Trưởng đại diện sân bay Tân Sơn Nhất của Bamboo Airways, chị Võ Hồ Anh Thy cho biết lý do chị vào ngành là vì đam mê: “Tôi tham gia ngành hàng không từ những ngày chưa tốt nghiệp đại học, nên cơ duyên vào ngành có lẽ gói gọn ở 2 chữ 'đam mê'. Hồi đó cứ thấy các cô tiếp viên xinh đẹp trong bộ đồng phục, tôi đã ước ao một ngày nào đó cũng làm việc trong ngành hàng không như họ”.
Có lẽ nhờ trái tim yêu nghề, nên dù lịch trực kín cả tuần, chị Thy vẫn giữ được vẻ nhanh nhẹn, miệng nói tay làm, gương mặt sáng rực rỡ khi nói về công việc.
Chị Võ Hồ Anh Thy - Trưởng đại diện sân bay Tân Sơn Nhất của Bamboo Airways. |
Vất vả là như vậy, nhưng những “bóng hồng” này không nghĩ bản thân là “phái yếu”, bởi cuộc sống hiện đại đã chứng minh, dù là phụ nữ, mỗi người hoàn toàn có quyền trở nên mạnh mẽ, độc lập và tỏa sáng trong công việc mình lựa chọn.
“Tôi cho rằng phụ nữ chỉ yếu về 'cơ bắp', còn lại, những điểm mạnh như chí khí, trí tuệ, sự kiên trì và dẻo dai vốn dĩ luôn tồn tại, nên tôi nghĩ rằng 'phụ nữ thép' chúng tôi mạnh mẽ không kém bất kỳ người đàn ông nào”, chị Thy cho biết.
Đồng tình với quan điểm của chị Thy, chị Vân Anh - hiện là Trưởng đại diện của Bamboo Airways tại Sân bay quốc tế Nội Bài, cho biết: “Trong công việc tiếp xúc với khách hàng, đôi khi phụ nữ lại mềm mỏng và có tính thuyết phục hơn, vất vả thì công việc nào cũng có một khía cạnh vất vả chứ không riêng gì ngành dịch vụ mặt đất”.
Để phân chia mối quan tâm hài hòa giữa công việc và gia đình là một hành trình cần nhiều nỗ lực. Với chị Vân Anh, đôi khi những điều giúp chị lấy lại cân bằng trong cuộc sống lại là những sáng tạo của ông xã. “Lúc mới đi làm, mình cứ ngồi miệt mài ở văn phòng với công việc. Khi về tới nhà đã trễ, nên tôi lại làm biếng không ăn tối. Thế là 'anh bạn cùng nhà' nghĩ ra một chiêu là nhất quyết không ăn cơm trước, mà chờ mình về mới ăn. Lúc đó, mình mới nghĩ ra tại sao mình không mang máy tính về nhà làm, trong lúc các bạn nhỏ học mình vẫn có thể tranh thủ làm nốt, lại vẫn có thể cùng cả nhà ăn tối”, chị Vân Anh nhớ lại.
Nhắn nhủ phụ nữ trong ngày 8/3, chị Thy nói: “Phụ nữ hãy sống cho mình, làm điều mình thích, yêu người mình yêu, dám sống và dám chịu trách nhiệm với quyết định của mình và những người xung quanh. Mặt khác, hãy luôn khiến bản thân tự tin qua hình thức bên ngoài, kiến thức bên trong, công việc luôn làm từ tâm và cảm nhận từ tim”.
Bình luận