|
Nếu bà Nguyễn Thị Hồng là Phó thống đốc nữ duy nhất trong “dàn” lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước, thì bà chủ SeaBank Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Ngân hàng Đông Nam Á - lại là “nữ tướng” đầu tiên lập ngân hàng tư nhân tại Việt Nam. Bà một tay lèo lái nhà băng này phát triển ổn định trong suốt gần một thập kỷ.
Bà Đặng Thu Thuỷ - Thành viên HĐQT Ngân hàng Á Châu - là “bóng hồng” sau hai người đàn ông quyền lực ở nhà băng này. Bà là người tham gia sáng lập, đóng vai trò như một “nội tướng” quản trị các vấn đề nội bộ.
Trong ngành tiêu dùng, bà Mai Kiều Liên được coi là “linh hồn” của đế chế Vinamilk. Phó tổng giám đốc Biti’s Lai Khiêm với tuyên ngôn “con chim phải hót, chiếc lá phải xanh” cũng được cho là nữ tướng quyền lực ở ngành hàng này.
8/3 năm nay, Zing.vn giới thiệu đến độc giả loạt bài về những “bóng hồng đặc biệt” như vậy.
1. Người giữ "quyền lực mềm" đặc biệt trong ngành tiền tệ
Khoảng 2 năm trở lại đây, hầu hết cuộc họp quan trọng của Ngân hàng Nhà nước được tổ chức tại trụ sở cơ quan này đều có sự xuất hiện của Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng. Bà là Phó thống đốc nữ duy nhất trong dàn lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước trong nhiệm kỳ hiện tại.
Được bổ nhiệm chức vụ tháng 8/2014, bà Hồng có gần 3 năm trong vai trò Phó thống đốc. Trước đó, bà từng đảm nhiệm nhiều vị trí chuyên môn, như Trưởng phòng Cán cân thanh toán quốc tế, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ.
Làm "phó tướng" trong dàn lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước, bà Hồng được biết đến là người phát ngôn, đặc biệt với các vấn đề liên quan đến điều hành tiền tệ, tỷ giá.
Tháng 8/2014, trong lễ trao quyết định bổ nhiệm, nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết việc bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hồng không chỉ là niềm vui với cá nhân bà, mà còn là niềm vui của Ngân hàng Nhà nước. Bởi quyết định này “giúp” cho Ngân hàng Nhà nước có lãnh đạo nữ trong dàn lãnh đạo.
Đặc biệt hơn nữa, tân phó thống đốc nữ cũng là nhân vật giúp Ngân hàng Nhà nước có đầy đủ 6 phó thống đốc như phê duyệt của các cơ quan Trung ương.
Bà Nguyễn Thị Hồng là nữ lãnh đạo duy nhất trong dàn lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước nhiệm kỳ hiện tại. Đồ hoạ: Phượng Nguyễn. |
Ông cũng nhấn mạnh về “phó tướng”, với nhận định bà Hồng là người “có phẩm chất đạo đức và chuyên môn tốt”.
Gần đây, bà cũng là chính trị gia duy nhất mang hàm “thứ trưởng” (phó thống đốc tương đương hàm thứ trưởng- PV) có tên trong danh sách 50 phụ nữ quyền lực nhất Việt Nam do Forbes Việt Nam bình chọn.
Tiêu chí đánh giá đối với danh sách này dựa trên nhiều vấn đề như ảnh hưởng tài chính, tầm và độ ảnh hưởng tích cực, mức độ xuất hiện trên truyền thông...
Đối với các chính trị gia, trong đó có Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng, tiêu chí đánh giá dựa trên tầm ảnh hưởng của vị trí lãnh đạo đảm nhận, kèm với thành tích, tầm ảnh hưởng trong và ngoài lĩnh vực đang hoạt động, tần suất được nhắc trên báo chí, mạng xã hội.
"Cân bằng giữa công việc - gia đình càng là thách thức, áp lực".
Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng
Một nhà báo kỳ cựu theo dõi lĩnh vực tài chính nhận định sự xuất hiện của “nữ phó tướng” trong dàn lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước làm cho các hoạt động của cơ quan này được “mềm hoá”.
Anh bày tỏ trước đây, phần lớn các cuộc họp của cơ quan này đều do lãnh đạo nam chủ trì, diễn ra khuôn cứng.
Còn trong cảm nhận của một số nhà báo khác, phó thống đốc là người cởi mở.
“Chị có thể ngồi cùng hàng ghế với giới truyền thông để trả lời các vấn đề dư luận quan tâm. Chị cũng có thể chia sẻ cởi mở, thẳng thắn các vấn đề quan tâm thường nhật của phụ nữ, như thời trang, mỹ phẩm”, một nữ phóng viên chia sẻ.
Và… quyền lực rắn!
Điểm sáng điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2016 là tỷ giá. Đây là đánh giá của tư lệnh ngành - Thống đốc Lê Minh Hưng - trong hội nghị Chính phủ diễn ra cách đây khoảng 2 tháng.
Nhận định này cũng được sự đồng tình của Chính phủ. Điểm trùng hợp là các phát ngôn liên quan đến tỷ giá tại Ngân hàng Nhà nước trong suốt năm vừa qua phần lớn được đưa ra bởi bà Hồng. Bà cũng được mặc định chính là “người phát ngôn” của Ngân hàng Nhà nước.
Nói với Zing.vn, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ sự cảm thông với các cán bộ, nhân viên trực tiếp làm phần việc này. Khi cơ chế tỷ giá trung tâm được áp dụng từ đầu năm 2016, việc cập nhật số liệu diễn ra có phần vất vả hơn.
“Thị trường hoạt động có chênh lệch múi giờ nên cán bộ, nhân viên phải đến từ 6h hoặc sớm hơn, để đặt nguồn, đặt lệnh và tính toán cụ thể mới công bố. Việc cập nhật vất vả hơn rất nhiều”, bà bày tỏ.
Chia sẻ về những người phụ nữ hoạt động trong ngành ngân hàng, bà cho biết nữ chịu nhiều áp lực hơn so với nam giới. Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, các chị em còn phải làm tốt thiên chức riêng là sinh con, chăm sóc gia đình.
“Việc cân bằng giữa công việc - gia đình càng là thách thức, áp lực”, bà nêu quan điểm.
Năm nay 49 tuổi, bà Nguyễn Thị Hồng được biết đến là nữ Phó thống đốc thứ hai trong nhiều năm gần đây. Nữ Phó thống đốc đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước là bà Dương Thu Hương, từ năm 1997 đến 2007. Bà Hương cũng xuất thân từ Vụ Chính sách tiền tệ.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính có nhiều năm làm việc trong ngành, nhận định bà Nguyễn Thị Hồng là người có chuyên môn, "am hiểu các vấn đề về tiền tệ, tỷ giá, do xuất thân từ Vụ chính sách tiền tệ", đồng thời có khả năng hùng biện, như chuyên gia, do từng làm chuyên môn.
Theo đánh giá của ông Hiếu, bà Hồng giống như "Janet Yellen của Việt Nam" bởi bà Hồng cũng giống như Janet Yellen có chuyên môn ổn, phát ngôn dễ hiểu và được giới ngân hàng đặt niềm tin.
Việc duy trì nữ thống đốc trong dàn lãnh đạo cao cấp được chuyên gia này đánh giá là động thái tích cực, cho thấy tư duy của các lãnh đạo đã thay đổi nhiều.
"Văn hóa Á Đông thường đề cao nam giới, nhưng Việt Nam cũng nên đi chung xu hướng của thế giới là để những người phụ nữ trong dàn lãnh đạo, đóng vai trò trong bộ máy điều hành.
Phụ nữ có đủ khả năng lãnh đạo trong ngành ngân hàng, trong đó có ngân hàng Trung ương", ông khẳng định.