- Nhìn vào lĩnh vực kinh doanh của bà, người ta thấy chẳng liên quan gì tới nhau: tài chính - ngân hàng, rồi nông nghiệp với sản phẩm sữa, rau quả, gạo sạch, và bây giờ là đầu tư vào giáo dục. Bà có thể chia sẻ gì về điều này?
- Có lẽ cuộc sống gói gọn trong 2 chữ cơ duyên. Làm Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á, một trong những mảng việc chính của chúng tôi là tư vấn doanh nghiệp. Chúng tôi thường hướng họ theo con đường phát triển vì sức khỏe cộng đồng, vì sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Đến năm 2008, thông tin sữa của Trung Quốc nhiễm melamin khiến hàng triệu quả thận trẻ em chảy máu, một bà mẹ có 3 đứa con như tôi cảm thấy day dứt. Khi đó, các con tôi đều đang uống sữa nhập ngoại. Làm sao để các con tôi và trẻ em Việt Nam nói chung có được những sản phẩm sạch, an toàn là câu hỏi khiến tôi trăn trở, thôi thúc tôi đi tìm câu trả lời. Và TH true MILK ra đời từ đó.
Với TH School, điều thôi thúc tôi cũng là tâm thế của một bà mẹ có 2 con du học nước ngoài. Từng theo chân con sang nước bạn học tập, tôi thấm thía nỗi lòng người mẹ phải đánh đổi thời gian quý giá tuổi thơ của con để các con có cơ hội hưởng thụ nền giáo dục tốt nhất. Vì vậy, tôi mong ước và tâm huyết xây dựng một ngôi trường cho con trẻ được giáo dục, phát triển đầy đủ và toàn diện nhất ngay trên mảnh đất quê hương mình.
Thực ra phát triển sản phẩm sữa tươi sạch, nông sản sạch hay giáo dục, thì suy cho tới cùng cũng đều xoay quanh những nhu cầu thiết yếu nhất của con người, vì một Việt Nam khỏe mạnh về thể lực và trí lực.
Cá nhân tôi, quan trọng nhất là được làm những việc mình thích và có giá trị cho cộng đồng.
- Với ngành sữa, bà tham gia thị trường tương đối muộn, khi các doanh nghiệp khác đã có thâm niên và chỗ đứng trên thị trường, nhưng bà được coi là người tạo ra cuộc cách mạng chăn nuôi bò sữa, thay đổi bộ mặt thị trường. Làm thế nào để bà đạt được điều đó?
- Thời điểm TH true MILK nhập cuộc, cũng có người bảo tôi liều, khi có các thương hiệu truyền thống như tượng đài, khiến người yếu bóng vía e ngại. Nhưng tôi nghĩ khác.
Khi nghiên cứu thị trường, tôi đã tìm ra điểm then chốt: Thị trường sữa dạng lỏng rất nhiều loại nhưng chủ yếu là pha lại từ sữa bột nhập khẩu. Tôi nghĩ ngay tới việc sản xuất sữa tươi trong nước, mà phải là sữa tươi sạch, chuẩn quốc tế. Từ đó, trang trại bò sữa lớn nhất châu Á, nhà máy chế biến sữa lớn nhất Đông Nam Á đã thành hình, cho ra đời thương hiệu sữa tươi sạch TH true MILK. Với cách tiếp cận sản xuất theo chuỗi từ đồng cỏ sạch, trang trại sạch đến ly sữa tươi sạch, tôi không có đối thủ.
Giờ đây, tôi có thể tự hào vì đã nâng tỷ lệ sữa nước chế biến từ sữa tươi nguyên chất từ 8% năm 2008 lên 30% năm 2015. Sữa tươi TH hiện được tiêu thụ rộng khắp cả nước.
Hiện trang trại TH tại Nghệ An có hơn 45.000 con bò trên tổng diện tích 8.100 ha. Chúng tôi cũng đã phát triển thành công công nghệ phôi, để có thể nhân giống bò sữa tốt nhất ngay tại Việt Nam, và hi vọng không xa sẽ cung cấp được bò sữa giống cho thị trường trong nước.
- Năm ngoái, bà bắt đầu dự án phát triển đàn bò sữa và cung cấp sữa cho thị trường Nga trị giá giai đoạn đầu cả nửa tỷ USD. Bà có thể chia sẻ thêm về dự án này?
- Ý tưởng kinh doanh sữa tại thị trường Nga đến với tôi cũng tình cờ. Thời điểm đó, qua thông tin thời sự trên báo đài, tôi biết tình hình cấm vận ở Liên bang Nga. Trong khi đó, Nga là thị trường nhập sữa lớn nhất từ Châu Âu, chiếm tới 50%. Tôi nhìn thấy ngay cơ hội của TH, của sữa Việt Nam vươn tầm quốc tế đây rồi.
Hơn nữa, Nga đang có một diện tích lớn đất canh tác nông nghiệp bị bỏ hoang hoặc chưa khai thác hiệu quả, chính sách khuyến khích đầu tư của bạn cũng rất hấp dẫn, lại thêm khá nhiều ưu đãi của chính quyền địa phương về vốn, đất đai và điều kiện đầu tư.
Năm 2016, tôi đã khởi công xây dựng khu trang trại thuộc dự án tổ hợp chăn nuôi bõ sữa và chế biến sữa tại 2 địa phương là Moscow và Kaluga (Liên bang Nga).
Thực ra con số 500 triệu USD chỉ là cho giai đoạn đầu, phát triển đàn bò 45.000 con, tương đương với đàn bò trong nước, trong đó có 21.600 con bò sữa. Giai đoạn 1 của dự án sẽ được triển khai xây dựng 9 cụm trang trại với tổng diện tích 26.400 ha. Theo thiết kế, mỗi cụm có từng khu trang trại đi kèm với cụm chế biến thức ăn.
Tổng mức đầu tư toàn dự án dự kiến là 2,7 tỷ USD. Chúng tôi dự kiến thành lập chuỗi phân phối với 300 cửa hàng TH True Mart trên toàn nước Nga. Nói cách khác, chúng tôi làm sữa tươi sạch từ trang trại tới bàn ăn, từ trồng cỏ nuôi bò chế biến sữa và phân phối tới người tiêu dùng.
Đây là dự án đầu tư lớn nhất của Việt Nam tại Nga tính đến nay, kể cả về quy mô sản xuất lẫn nguồn vốn sử dụng.
- Bà có thể tiết lộ chìa khóa thành công trong việc chinh phục thị trường sữa?
- Cái gì chưa làm được thì học thôi. Nguyên tắc quan trọng nhất của tôi là không mò mẫm tìm giải pháp. Thế giới đã làm rồi, tôi chỉ tìm công nghệ tốt nhất, tiên tiến nhất, đáp ứng nhu cầu của mình, của doanh nghiệp mình để nhập về thôi. Công nghệ cao chính là chìa khóa vàng trong nông nghiệp.
Như khi bắt tay vào làm TH true MILK với việc triển khai dự án bò sữa ở Nghệ An, tôi mua trực tiếp công nghệ của Israel, Đức, New Zealand… thuê nông dân của họ sang làm việc để hướng dẫn cho công nhân dự án. Sau vài năm, hệ thống của TH đã xong phần chuyển giao công nghệ, người lao động có thể làm chủ công nghệ.
Thậm chí, rất nhanh thôi, chúng tôi sẽ cho ra mắt sữa hữu cơ. Sữa hữu cơ TH là một trong những sản phẩm hiếm hoi của Việt Nam được chứng nhận của Mỹ và châu Âu, hai thị trường khắt khe nhất. Nói cách khác, trẻ em Việt Nam có thể được uống sữa với chất lượng tốt như sản phẩm dành cho trẻ con những nước tiên tiến nhất.
Cá nhân tôi, quan trọng nhất là được làm những việc mình thích và có giá trị cho cộng đồng.
Bà Thái Hương
Tương tự, với TH School, tôi mong muốn một hệ tiêu chuẩn quốc tế sẽ được áp dụng khoa học và triệt để, từ chương trình đào tạo đến cơ sở vật chất, từ phương pháp giáo dục đến đội ngũ giáo viên.
Vì thế, trường kết hợp các chương trình đào tạo chuẩn quốc tế, tiên tiến trên thế giới như IPC, IMYC, IGCSE, AS&A level với chương trình Việt Nam học tinh lọc. Học sinh ra trường sẽ được nhận chứng chỉ quốc tế cấp ngay tại Việt Nam.
- Nói về TH School, trong khi nhiều người mơ ước sở hữu đất để kinh doanh bất động sản kiếm lời, doanh nghiệp của bà sở hữu mảnh đất ở vị trí đất kim cương Chùa Bộc (Hà Nội), với diện tích lên tới 20.000m2 nhưng bà lại chọn đầu tư xây trường. Không ít người gọi đó là quyết định điên rồ. Đâu là lý do để bà có quyết định đó?
- (Cười) Nhiều người cũng đặt câu hỏi này. Thực ra không phải cái gì cũng đong đếm bằng tiền. Phương châm kinh doanh của tôi không nhằm tối ưu hoá lợi nhuận mà hướng tới hài hoà lợi ích, hướng tới một doanh nghiệp yêu nước, đóng góp thiết thực cho quốc gia.
Chọn đầu tư giáo dục ở ngay đất kim cương Chùa Bộc, Hà Nội, bà Thái Hương lí giải bởi bà xây dựng ngôi trường bằng trái tim và tấm lòng của người mẹ. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Trong kinh doanh, lợi nhuận dễ làm người ta mờ mắt mà nếu không có cái tâm làm trụ người ta rất dễ làm hại cộng đồng. Với tôi, từ TH true MILK đến TH School, lợi nhuận lớn hơn rất nhiều: là sức khỏe, là trí tuệ cộng đồng. Nếu không vì lợi ích chung, lớn hơn của khách hàng, của xã hội, thì doanh nghiệp có lãi nghìn tỷ cũng nên hổ thẹn.
Đúng là với 20.000m2 đất ở vị trí đắc địa Chùa Bộc, có nhiều cách để kiếm tiền thu lợi nhanh, thay vì đầu tư cho giáo dục. Nhưng tôi xây dựng ngôi trường này bằng trái tim và tấm lòng của người mẹ.
Với TH true MILK và nông sản sạch, chúng tôi muốn có một thế hệ mạnh khỏe về thể chất và với ngôi trường như TH School, đó là ước mơ về một thế hệ khỏe mạnh về trí lực, có thể cạnh tranh toàn cầu.
Bà Thái Hương
Ngôi trường là mong ước nhân văn của một người mẹ luôn muốn làm những điều tốt đẹp nhất để con được phát triển đầy đủ và toàn diện ngay trên mảnh đất quê hương mình. Đó là mong ước đầy trách nhiệm của một người Việt Nam yêu nước muốn mang hạnh phúc đích thực cho con trẻ bằng sự truyền thụ nền giáo dục tiên tiến của thế giới và tinh hoa giáo dục Việt Nam.
Khát vọng của tôi là đưa nền giáo dục tiên tiến thế giới về Việt Nam, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng quốc tế, để những đứa trẻ như con trai tôi không phải xa mẹ, ra nước ngoài học tập.
- Với bà, gia đình và những đứa con có vẻ đóng vai trò rất lớn trong các quyết định kinh doanh?
- Đúng thế. Các con là một trong những thứ tạo nên nguồn năng lượng lớn của tôi. Như tôi đã chia sẻ, việc đắm đuối với con là một nguyên nhân sâu xa khiến tôi không e ngại bắt tay vào làm sữa tươi sạch, dù khi ấy, tôi không biết một chút gì về lĩnh vực này. Tương tự, việc không muốn một lần nữa phải gửi con học xứ người khi con còn nhỏkhiến tôi đầu tư vào giáo dục.
- Đắm đuối vì con nhưng ở thương trường, một lúc bà đóng nhiều vai ở nhiều doanh nghiệp: Ngân hàng Bắc Á, tập đoàn TH… Bà cân bằng thế nào giữa các ưu tiên ấy?
- Cuộc đời làm mẹ của tôi chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là khi các con dưới 13 tuổi, kể cả có đi công tác xa, tôi rất ít khi ngủ lại mà cố gắng về nhà để… tối thay đồ, tắm cho con và sáng tự tay mặc áo, quàng khăn đỏ cho con. Khi các con ngủ thì tôi trở lại với công việc làm doanh nhân. Hành trình của tôi lúc nào cũng vội vã, để chuyển vai doanh nhân và người mẹ. Nhân viên của tôi vẫn đùa rằng họ sống trong thời chiến thần tốc.
Giai đoạn thứ hai, khi các con lớn thì tôi cũng có thêm thời gian cho công việc. Nhưng tôi vẫn thu xếp để học bài cùng cậu út đều đặn. Tuy nhiên, nửa đêm về sáng, khi có việc quan trọng hoặc một ý tưởng mới vụt đến, tôi vẫn thường chọn cách ra lệnh hoặc chia sẻ với nhân viên theo kiểu đó.
- Lời khuyên nào cho các nữ giới tham gia thương trường?
- Khi người phụ nữ đứng trên cương vị là doanh nhân thì phải làm hai nhiệm vụ rất nặng nề là nhiệm vụ gia đình và sự nghiệp. Phụ nữ kinh doanh cũng có lợi thế riêng, vì mình biết rõ gia đình mình cần gì, con cái mình cần gì. Mình đầu tư, hết lòng cho sản phẩm ấy như chăm sóc những đưa con của mình, thì sản phẩm ấy sẽ có được chỗ đứng.
Giới tính nữ cũng là ưu thế khi chúng tôi mang trái tim của người mẹ, với những sản phẩm đậm tính nhân văn. Sản phẩm nhân văn, hướng tới sức khỏe và sự bền vững trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao luôn có vị trí riêng.
Quan trọng nhất là phải biết ước mơ và chủ động, dốc lòng cho ước mơ ấy!