Vừa qua, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM đã tổ chức buổi giao lưu với TS Nguyễn Duy Chính xoay quanh những bí mật về triều đại vua Quang Trung.
Là người nghiên cứu sử học lâu năm, TS Nguyễn Duy Chính đã viết nhiều cuốn sách về thời đại Tây Sơn. Sách ông viết chứa đựng khối lượng tài liệu lớn, phân tích sâu sắc với những luận cứ, chứng minh đầy sức thuyết phục.
Những kiến thức về triều đại Tây Sơn được ông thu thập, đối chiếu với các tài liệu quý, đặc biệt là khối tư liệu đồ sộ từ kho tàng thư tịch Trung Hoa có liên quan đến sử Việt như Thượng dụ, Tấu triệp, Đáng án, Thực lục…
Tiến sĩ Nguyễn Duy Chính (ở giữa) trong buổi giao lưu. Ảnh: Thanh Tín. |
Trong buổi giao lưu, tác giả cuốn Đại Việt quốc thư đã giải đáp những thắc mắc của người đọc về những thông tin gây tranh cãi liên quan đến vua Quang Trung.
Ví dụ, liên quan đến sự kiện phái đoàn vua Quang Trung sang Trung Quốc chúc thọ vua Càn Long vào năm Canh Tuất 1790. Theo sử nhà Nguyễn chép, đây là vị vua giả do Quang Trung cử đi để đánh lừa nhà Thanh. Trong khi đó, TS Nguyễn Duy Chính khẳng định, người đến gặp vua Càn Long năm đó chính là vua Quang Trung.
Ngoài ra, một chi tiết chính sử khác được ông tiết lộ trong buổi giao lưu. Đó là phái đoàn cầu viện của nhà Tây Sơn với nhà Thanh để chống chúa Nguyễn đã bị bắt giữ và giam ở Quảng Châu.
Trước những quan điểm trái chiều về vấn đề mà TS Nguyễn Duy Chinh đưa ra, TS Nguyễn Thị Hậu cho rằng việc nghiên cứu lịch sử ở mỗi giai đoạn đều phải nhìn từ các góc độ khác nhau. "Điều quan trọng là phải nhận ra những quy luật lịch sử vận động trong thời kỳ đấy. Và TS Nguyễn Duy Chính đã làm tốt điều này", nữ tiến sĩ khảo cổ khẳng định.
TS ký tặng sách cho độc giả. Ảnh: Thanh Tín. |
TS Nguyễn Duy Chính chia sẻ, ông tiếc vì không biết được nhiều thứ tiếng khác như Lào, Miến Điện, Thái Lan… để có thể khai thác thêm được nhiều nguồn tư liệu hơn. Ông hy vọng thế hệ trẻ sẽ tiếp nối, đi tìm những sự thật còn đang lẩn khuất và nhìn một vấn đề xa hơn với nhiều góc độ khác nhau.
TS Nguyễn Duy Chính đang sống ở Mỹ. Từ tháng 9/2015 đến nay, ông đã ra mắt nhiều tác phẩm biên khảo, dịch thuật và tiểu luận lịch sử, văn hóa như Thanh – Việt nghị hòa: Tiến trình công nhận triều đại Quang Trung, Việt – Thanh chiến dịch, Giở lại một nghi án lịch sử “Giả vương nhập cận - có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không?”, Phái đoàn Đại Việt và lễ Bát tuần khánh thọ của vua Thanh Cao Tông, Đại Việt quốc thư, Núi xanh nay vẫn đó, Vó ngựa và cánh cung...