Những bí mật động trời được Apple tiết lộ tại tòa
Không phải kết quả của vụ kiện, mà chính là những sự thật được Apple vén màn tại tòa án mới khiến người dùng đặc biệt quan tâm.
Vụ kiện lớn nhất trong lịch sử làng công nghệ đã kết thúc sau 3 tuần xét xử. Samsung bị xử thua do vi phạm 6 trên tổng số 7 bằng sáng chế mà Apple cáo buộc, và phải bồi thường 1,05 tỉ USD. Trong suốt quá trình xét xử, hãng công nghệ có trụ sở tại Cupertino đã hé lộ những thông tin tuyệt mật mà nếu không nói ra, hẳn người dùng không thể hình dung được, Apple đã đầu tư kĩ lưỡng cho iPhone hay iPad như thế nào.
Ý tưởng 'điên rồ'
Sau thành công ngoài mong đợi của iPod, câu hỏi được đặt ra là Apple sẽ làm gì tiếp theo. Có rất nhiều ý tưởng đã đến với “bộ sậu” của Apple, Phó chủ tịch phụ trách marketing Phil Schiller tiết lộ. Những ý tưởng đó bao gồm sản xuất camera, xe hơi và nhiều thứ "điên rồ" khác.
Email của Eddy Cue gửi Tim Cook
Mặc dù Steve Jobs đã từng bác bỏ ý định sản xuất một chiếc iPad kích thước 7 inch trước công chúng, nhưng theo email của Eddy Cue, Phó chủ tịch phụ trách phần mềm Internet và dịch vụ của Apple gửi Tim Cook hồi tháng 1/2011, Jobs lại rất hào hứng với ý tưởng nói trên.
Dự án 'Purple Project'
Vào năm 2004, Jobs yêu cầu Scott Forstall, Phó chủ tịch phụ trách phát triển hệ điều hành iOS, thành lập một đội thiết kế giao diện của iPhone. Khi được tuyển dụng vào dự án này, các kỹ sư của Apple sẽ được nghe những câu đại loại như: “Đây là một dự án bí mật và tôi không thể nói cho bạn đó là dự án gì. Chỉ biết rằng, bạn sẽ phải làm việc vào buổi tối và cả cuối tuần trong một vài năm”.
Bảo mật
Apple nổi tiếng về vấn đề bảo mật, nhưng với những người làm việc trong dự án “Purple Project”, tính bảo mật còn được đẩy lên cao gấp bội. Những người này phải làm việc tại một khu vực riêng biệt, camera được gắn khắp nơi. Quy định đầu tiên của nơi được gọi là “Fight Club” này là bạn không bao giờ được nhắc đến nó.
Các mẫu thử của iPhone
Một số bản mẫu của iPhone. |
Apple từng phác thảo hàng loạt các bản mẫu của chiếc iPhone trước khi cho ra mắt sản phẩm này vào năm 2007. Nó bao gồm các bản mẫu iPhone 8 cạnh, iPhone lấy cảm hứng từ iPod Mini, và nhiều mẫu khác, nhưng cuối cùng hãng quyết định chọn hình dạng của chiếc iPhone thế hệ đầu vì theo nhà thiết kế Stringer, nó là bản mẫu đẹp nhất và cá tính nhất so với các sản phẩm đã có mặt trên thị trường.
Chiếc bàn làm bếp
Điều này có thể khiến nhiều người bất ngờ, nhưng khi thiết kế sản phẩm, các kỹ sư trong phòng thiết kế của Apple thường ngồi thành từng nhóm khoảng 15-16 người quanh một chiếc bàn làm bếp. Theo Apple, nó tạo cảm giác như thể họ đang làm việc trong một gia đình. Tuy nhiên, để hoàn thành chỉ một nút bấm trên iPhone, bản mẫu của sản phẩm này có thể phải qua tay khoảng 50 người trước khi chính thức được phê duyệt.
Hầu hết người dùng iPhone đều mua vỏ case
Một tiết lộ hết sức thú vị nhưng cũng phần nào cho thấy, người dùng iPhone nâng niu sản phẩm của mình như thế nào. Theo một nghiên cứu thị trường từ Apple, 78% người dùng iPhone từng mua vỏ case để bảo vệ sản phẩm này.
Không nhận phản hồi từ người dùng
Trong khi nhiều công ty khác thường tiến hành các cuộc khảo sát để đánh giá chất lượng sản phẩm, Apple lại đi theo hướng ngược lại. “Chúng tôi không bao giờ tìm gặp và hỏi khách hàng rằng họ muốn tính năng gì ở sản phẩm kế tiếp. Đó là việc mà chúng tôi phải tự làm”, Phó chủ tịch Schiller cho biết.
Chi phí marketing sản phẩm
Nhiều người cho rằng, Apple không mất nhiều chi phí để marketing sản phẩm, nhưng thực tế không phải vậy. Khi ra mắt iPhone, hãng này đã bỏ ra 97,8 triệu USD để quảng cáo iPhone tại Mỹ trong năm 2008. Với iPad, số tiền mà hãng này bỏ ra cũng lên đến 149,5 triệu USD vào năm 2010, khi chiếc iPad lần đầu tiên ra mắt.
Các bản mẫu iPad
Bản mẫu iPad có chân đế từng được Apple nghiên cứu sản xuất. |
Giống như iPhone, iPad cũng đã được chăm chút kỹ lưỡng trước khi ra mắt. Tại tòa án, Apple đã đưa ra hàng loạt các bản mẫu iPad, trong đó có những bản mẫu với thiết kế cực dày và không có phím home vật lý.
Thành Duy
Theo Infonet.vn