Ngày 23/7, hội thảo “Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Toà trọng tài thành lập theo Phụ lục 7 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (Unclos) 1982 diễn ra tại TP HCM.
Về phương diện pháp luật quốc tế, các chuyên gia cho rằng phán quyết của Toà trọng tài đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc có ý nghĩa chính trị, pháp lý, ảnh hưởng và tác động rất lớn đến quan hệ quốc tế, nhất là các quốc gia trong khu vực biển Đông.
Biển Đông hậu phán quyết
Trên cơ sở phân tích những sai lầm cũng như thái độ quay lưng của Trung Quốc đối với phán quyết của tòa trọng tài, GS.TS Hideo Yamagata, Đại học Nahoya (Nhật Bản) cho rằng, Trung Quốc phải nhận tiếng xấu như là một siêu cường không chịu tuân thủ luật pháp quốc tế.
GS Hideo Yamagata cũng khẳng định, phán quyết của Toà trọng tài đã làm rõ một số vấn đề pháp lý chưa ổn định như các mối quan hệ giữa quyền lịch sử và luật biển, tình trạng của các đảo, đá, và các hành động hợp pháp và bất hợp pháp đối với các biện pháp thực thi pháp luật.
Nhiều học giả quốc tế cho rằng, Việt Nam có thể rút ra được nhiều kinh nghiệm và bài học sau vụ Philippines kiện Trung Quốc lên toà án quốc tế. Ảnh: Lê Quân. |
“Nó sẽ được các học giả và các toà án khác trích dẫn để tham khảo và tư vấn. Các quốc gia ngoài Philippines xung quanh biển Đông có thể dựa vào phán quyết để đưa ra các yêu cầu chống lại Trung Quốc”, GS Hideo Yamagata phát biểu.
Tuy nhiên, GS Yamagata cũng lưu ý: “sự vận động của các quốc gia thành viên sẽ có nguy cơ mất đi Trung Quốc như một Bên ký kết của UNCLOS. Cần phải có sự cân bằng giữa công lý và hoà bình trong khu vực”.
Bình luận về điều này, GS Carl Thayer, Học viện quốc phòng Australia, cho rằng, viễn cảnh này khó có thể xảy ra.
“Nếu Trung Quốc rút khỏi UNCLOS, Trung Quốc vẫn bị ràng buộc bởi những cam kết và nghĩa vụ mà nước này đã tham gia trước đó. Nếu Trung Quốc rút khỏi UNCLOS, nước này sẽ có tình trạng giống như Hoa Kỳ. Trung Quốc vẫn thường lớn tiếng chỉ trích cái mà họ cho là thói quen đạo đức giả của Hoa Kỳ trong việc khẳng định những giải thích của mình đối với UNCLOS trong khi Hoa Kỳ không phải là quốc gia thành viên của Công ước”.
GS Carl Thayer cũng dẫn lời một học giả Trung Quốc là TS Guifang Xue cho rằng, lời đồn về việc Trung Quốc rút khỏi UNCLOS chỉ lưu truyền trong phạm vi những người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Về những diễn biến tiếp theo sau phán quyết của Toà trọng tài, GS Thayer cho rằng, trong tương lai sẽ phải thiết lập một cuộc tranh luận trên ba mặt trận: ngoại giao, chính trị và chiến lược quân sự, nhằm đảm bảo rằng các phán quyết của Toà trọng tài được thực thi.
GS Carl Thayer cho rằng khó xảy ra khả năng Trung Quốc rút khỏi UNCLOS. Ảnh: Lê Quân. |
Mặt khác, GS Carl Thayer cũng khuyến khích sự hợp tác giữa các nước có quyền lợi liên quan đến biển Đông để đưa ra các biện pháp xử phạt thông minh hơn nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục chính sách của mình đối với khu vực.
“Ví dụ, các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc vi phạm có thể bị từ chối cho phép nhập cảng. Các nước trung khu vực có thể phát triển một chương trình để báo cáo các tàu đánh cá treo cờ nhà nước có liên quan đến đánh bắt cá bất hợp pháp, phá huỷ môi trường hoặc cướp có vũ trang”, ông Carl Thayer khuyên.
Việt Nam không thể rập khuôn cách tiếp cận Philippines
PGS.TS Jay Batongbacal, Giám đốc Viện các vấn đề hàng hải và luật biển, Đại học Philippines, lưu ý Việt Nam không chỉ đơn giản là rập khuôn cách tiếp cận của Philippines mà phải thiết kế cho riêng mình một bản yêu sách.
Một số nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng việc kiện Trung Quốc ra Toà trọng tài là giải pháp cuối cùng sau khi các biện pháp chính trị, ngoại giao để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông không mang lại kết quả. Ảnh: Lê Quân. |
TS Trần Thăng Long, ĐH Luật TP HCM cũng khẳng định, phán quyết của Toà trọng tài đưa đến những gợi mở pháp lý và những kinh nghiệm quý giá cho Việt Nam trong việc sử dụng các cơ chế tư pháp và sử dụng những luận cứ pháp lý tại các cơ chế này trong tương lại.
Tuy nhiên, TS Long cũng lưu ý rằng, để có thể sử dụng biện pháp này, đòi hỏi các quốc gia cần phải có những tính toán rất cụ thể, chi tiết và cẩn trọng về các nội dung pháp lý. Đồng thời, còn dựa trên cơ sở đánh giá của những vấn đề có liên quan khác như kinh tế, chính trị, ngoại giao, cục diện và diễn biến của tình hình thực tế.
Đồng tình với ý kiến trên, TS Ngô Hữu Phước, Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, Đại học Luật TP HCM cho rằng việc kiện ra Toà trọng tài là giải pháp cuối cùng sau khi đã vận dụng hết các biện pháp chính trị - ngoại giao nhưng không mang lại hiệu quả. Trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục tiến hành các hoạt động xâm phạm đến chủ quyền và quyền tài phán của chúng ta trên Biển Đông.