Bức ảnh Bắc Nam sum họp do Võ An Khánh chụp năm 1975 tại huyện Hồng Vân - Bạc Liêu, nhân dịp các bà mẹ miền Bắc và miền Nam gặp nhau nhân dịp thống nhất đất nư |
Là người gắn bó cuộc đời mình với Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, nhà văn Trầm Hương có dịp tiếp cận nhiều tài liệu, nhân chứng lịch sử, qua đó thấu cảm với số phận của những người phụ nữ trong chiến tranh, mà theo bà đó là những người luôn chịu những hệ lụy nặng nề.
Sách Sen hồng trong bão táp. |
Bên cạnh đó, với việc tự coi mình là người gánh trên đôi vai mình trách nhiệm của người kết nối những người trong quá khứ và hiện tại, giữa chiến tranh và hòa bình, nhà văn Trầm Hương còn không ngừng đi tìm những người phụ nữ, hoặc những số phận bị lãng quên sau chiến tranh để viết nên những câu chuyện chân thật, sống động bằng sự rung cảm mãnh liệt.
Trong tập truyện ký Sen hồng trong bão táp (2 tập), NXB Phụ nữ Việt Nam, 2015, nhà văn Trầm Hương đã tái hiện chân dung những bà mẹ Nam Bộ đẹp như những đóa sen hồng, nhưng kiên cường, rực rỡ, vượt qua bão táp của cuộc chiến tranh.
Đó là mẹ Nguyễn Thị Nho, bí danh Nguyễn Thị Một, nguyên Chánh Văn phòng Xứ ủy Nam Bộ (trong bài Tổ quốc và các con, gia tài của mẹ), với lẽ sống cao đẹp, lòng vị tha, chân thành, lòng kiên định không thế lực nào lay chuyển được.
Trong hai cuộc trường chinh giữ nước của dân tộc, mẹ đã “chân cứng đá mềm” vượt Trường Sơn, xuyên qua cánh rừng miền Đông Nam Bộ đầy biệt kích, thú dữ; giấu nỗi đau của người vợ xa chồng, người mẹ xa con; bao lần đứng trước bờ vực hiểm nguy, cái chết; vượt qua muôn vàn cực hình khốc liệt trong các trại giam, nhà tù của đế quốc….
Mẹ Nguyễn Thị Một. Ảnh tư liệu |
Đó là mẹ Nguyễn Thị Ngọc Ngân, người luôn lắc đầu từ chối kể chuyện về mình. Mẹ từng giữ chức vụ Hội phó Phụ nữ tương trợ liên xã Phong trào Đông Dương Đại hội, từng chịu cảnh tù đày, gia đình ly tán sau khởi nghĩa Nam kỳ (bài Số phận một người mẹ).
Đó là mẹ Bí (tên thật là Đỗ Thị Bích), nguyên Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (bài Mẹ Bí), người luôn nở nụ cười trong sáng, tràn ngập lạc quan, dù đã đi qua tận cùng nỗi đau khổ.
Thời Pháp, mẹ phải gửi lại những năm tháng thanh xuân của cuộc đời ở Trại giam Phú Lâm và Hóc Môn. Trong những năm đấu tranh đòi chính quyền Ngô Đình Diệm thi hành hiệp định Genève, mẹ lại bị địch bắt khi đang mang thai. Lần này, địch tra tấn mẹ dã man.
Mẹ đã phải vượt qua những ngày khốc liệt này với một lòng can đảm, ý chí chiến đấu phi thường, vừa cố gắng bảo vệ đứa con trong bụng, vừa giữ vững khí tiết của một người cộng sản.
Và đứa con sinh ra trong lao tù với muôn vàn khó khăn thiếu thốn, đã cũng mẹ đi qua những nhà lao Tân Hiệp, Côn Đảo, Phú Lợi…
Đó là mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè (bài Vẻ đẹp sâu thẳm của một người mẹ), nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Thương binh và Xã hội của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam có 3 người con hy sinh vì Tổ quốc.
Người con trai đầu tiên tên là Nguyễn Huỳnh Sanh, công tác tại Ban tuyên huấn Mặt trân Dân tộc giải phóng miền Tây Nam Bộ, đã ngã xuống tại cửa ngõ Sài Gòn ngày 12/12/1968 trong đợt Tổng tấn công mùa Xuân năm 1968.
Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè thời trẻ. Ảnh tư liệu. |
Người con thứ 2 tên là Nguyễn Huỳnh Tài, từng là cán bộ giáo dục miền Tây Nam Bộ hy sinh trong một trận đấu ác liệt tại xã Vĩnh Hòa Hưng, Kiên Giang vào năm 1967.
Người con thứ 3 tên là Nguyễn Huỳnh Đại, gia nhập bộ đội năm 1967 và ngã xuống tại Vĩnh Long vào tháng 3/1968.
Đó là mẹ Lê Thị Cầu, người mẹ dấn thân, với tình yêu Tổ quốc vô điều kiện, nhưng lại mang trên vai gánh nặng khi hòa bình lập lại (Lòng ái quốc và tình mẫu tử).
Mẹ có 6 người con nhập ngũ khi chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra. Những năm tháng phục vụ chiến trường K cùng di chứng chất độc màu da cam đã lấy đi sinh lực và tương lai của các con mẹ.
Đó là mẹ Đoàn Thị Nhỏ, nguyên ủy viên Ban Chấp hành phụ nữ Giải phóng Củ Chi, người từng ôm con vào một trận đánh, trong cuộc Tổng tấn công mùa Xuân năm 1968 (bài Năm ấy, có người mẹ ôm con vào trận).
Đó là mẹ Phan Thị Mai, bị kẻ thù bắn gãy nát hai chân, hai tay và xương má, trải qua ba lần cưa chân vẫn tiếp tục đánh giặc (bài Mẹ hái hoa hoa bưởi về gội tóc cho con đây).
Đó là mẹ Nguyễn Thị Kim Mến, người miền Nam tập kết ra Bắc, giấu những giọt lệ, gửi con lại cho ông bác vào một mùa đông buốt giá, vượt Trường Sơn trở về quê hương chiến đấu (Người mẹ vượt Trường Sơn)...
Với ngòi bút đa cảm, nữ tính, giàu xúc cảm, chân dung các người mẹ Nam Bộ hiện lên như những đóa sen hồng qua từng tác phẩm của nhà văn Trầm Hương. Tác phẩm này không chỉ góp phần lưu giữ mà còn truyền dẫn truyền thống anh hùng, những phẩm chất cao đẹp của những người mẹ, người phụ nữ Việt Nam đến với các thế hệ tiếp theo.