Năm 2020 đang dần khép lại và cũng là lúc thích hợp nhất để “thanh lọc” điện thoại của bạn, bao gồm việc xoá bớt những ứng dụng không thực sự cần thiết để tập trung hơn vào những vấn đề quan trọng khác.
Bài viết dưới đây gợi ý cho chúng ta những ứng dụng không cần thiết, có thể bỏ đi, để chào đón một năm 2021 nhiều ý nghĩa và lành mạnh hơn.
Ứng dụng gây nghiện
Công bằng mà nói, ngành công nghệ đã có một năm đầy khó khăn. Các công ty kỹ thuật số hưởng lợi nhiều hơn nhờ giãn cách xã hội nhưng cũng chịu nhiều sự soi xét của chính phủ các nước.
Một số người còn cho rằng các công ty này đang trở thành “một điếu thuốc lá khổng lồ”.
Việc gắn nhãn “điếu thuốc lá” không hoàn toàn phù hợp với tất cả ứng dụng nhưng với Facebook thì có. CEO của Salesforce, công ty phần mềm của Mỹ có trụ sở tại San Francisco, Marc Benioff, từng gọi Facebook là loại thuốc lá mới của xã hội.
Thậm chí, một cựu nhân viên của Facebook cũng cho rằng trang mạng xã hội này có hại cho cộng đồng và hiện tại, Uỷ ban Thương mại Liên bang của Mỹ (FTC) cũng đang điều tra nền tảng này.
Bài viết không nói rằng tất cả chúng ta nên xoá ứng dụng này vì trên thực tế, Facebook vẫn mang lại lợi ích cho một số người. Tuy nhiên, nếu bạn đăng nhập vào Facebook ngày này qua ngày khác chỉ để đăng hoặc đọc những nội dung khiến bản thân buồn bực, đố kỵ và chán nản, hãy dừng sử dụng Facebook và các ứng dụng tương tự khác.
Suy cho cùng, thời gian và tinh thần của chúng ta là hữu hạn và giá trị nhất.
Facebook là ứng dụng có thể gây nghiện nếu sử dụng quá nhiều. Ảnh: Money crashers. |
Ứng dụng "đầu độc" bạn bằng nội dung tiêu cực
Hiện tượng “Doomscrolling” trở nên phổ biến trong năm 2020. Cụm từ này thể hiện việc chúng ta tiếp nhận quá nhiều thông tin tiêu cực từ các trang mạng xã hội, lâu dần ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần mà đôi khi bản thân không hề hay biết.
Những ứng dụng đang vô tình hoặc cố ý khuyến khích thông tin tiêu cực bao gồm Facebook, Twitter, Redit và vô số nền tảng khác. Bất kỳ ứng dụng cung cấp các bài đăng tiêu cực đến người dùng đều phải chịu trách nhiệm cho vấn đề này.
Tất nhiên, không ứng dụng nào được tạo ra cho mục đích tiêu cực nhưng cách mà các nền tảng chọn “tấn công” dồn dập người dùng bằng những thông tin tiêu cực, thay vì thông báo trước đến họ, thực sự đáng lên án.
Vì vậy, nếu bạn cảm thấy bản thân đang bị "đầu độc" quá nhiều bởi sự tiêu cực thông qua bất kỳ ứng dụng nào, hãy xoá chúng.
Ứng dụng chia sẽ dữ liệu người dùng
Quyền riêng tư là một chủ đề lớn ở mọi thời điểm, các công ty công nghệ tên tuổi vẫn đang từng ngày xây dựng hệ thống bảo mật cho sản phẩm của họ. Tuy nhiên, các ứng dụng nhỏ thì lại không.
Một số ứng dụng không phổ biến luôn muốn thu thập nhiều thông tin khách hàng nhất có thể. Những thông tin này sẽ được bán cho các nhà quảng cáo, nhà môi giới dữ liệu, chính phủ hoặc bất kỳ ai đồng ý mua chúng.
Rò rỉ thông tin là vấn đề bạn nên cân nhắc khi sử dụng ứng dụng. Ảnh: Paranet Solutions. |
Hàng trăm ứng dụng từng bị báo cáo về việc chia sẻ trái phép thông tin người dùng bao gồm các ứng dụng hẹn hò như Grindr, OkCupid, Tinder, các ứng dụng về sức khoẻ phụ nữ như BabyCenter, Clue, Flo, My Calendar, Ovia, các ứng dụng trang điểm như Perfect365 và các ứng dụng email như Edison Mail, CleanFox và Slice.
Điểm chung của các ứng dụng này là cho phép sử dụng miễn phí và kiếm lợi từ việc chia sẻ dữ liệu người dùng. Nếu bạn phát hiện bất kỳ ứng dụng nào đang chia sẻ thông tin trái với mong muốn của bạn, hãy đừng ngần ngại mà xoá chúng.
Ứng dụng có tính phí mà bạn ít khi dùng
Cuối cùng, giãn cách xã hội đã khiến nhiều người đăng ký nhiều dịch vụ hơn mà đôi khi, họ không sử dụng đến. Một số người có thói quen sử dụng thử miễn phí một vài ứng dụng, sau đó, chuyển sang chế độ trả phí và quên hẳn chúng.
Đó là lý do tại sao bạn nên kiểm tra lại tất cả ứng dụng trên điện thoại của mình để chắc chắn rằng bạn đang không trả phí cho các ứng dụng ít khi dùng đến.
Một số ứng dụng cần lưu ý là các ứng dụng phát trực tuyến như Disney Plus, Netflix, Hulu, Crunchyroll, ứng dụng tin tức như Apple News Plus, Evernote, Microsoft 365 (Microsoft Office),Todoist và các ứng dụng hẹn hò như Hinge, Match.
Nếu bạn vẫn đang đăng ký các ứng dụng này nhưng hầu như không bao giờ sử dụng đến, hãy hủy đăng ký và xóa chúng.