Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những áp lực trên vai nhà giáo

Nghề nào cũng chịu những áp lực, nhưng có lẽ nghề giáo có những áp lực riêng mà những nghề khác không có.

Một là áp lực về chuyên môn. Nghề giáo là nghề nói và viết. Muốn có cái để nói và viết thì phải tự mình nạp vào kiến thức. Thời này kiến thức lại rất phong phú đa dạng, phải cập nhật thường xuyên. Sinh viên, học sinh luôn tiếp cận những nguồn thông tin mới; người dạy học không cầu tiến dễ dàng lạc hậu trước giới trẻ. Có kiến thức rồi, phải biết phương pháp truyền đạt, biết cách nói và viết để người học tiếp thu đúng ý mình. Một số thầy cô giáo rất uyên bác, nhưng dạy học không thành công vì không chú ý đến người tiếp nhận, chỉ thông tin một chiều mà không khuyến khích đối thoại, không làm “bà đỡ” cho sự sáng tạo.

Hai là áp lực về đạo đức. Ranh giới về đạo đức mà nhà giáo không thể vượt qua nghiêm ngặt hơn các nghề nghiệp khác. Có những vi phạm nơi nghề nghiệp khác, xã hội có thể bỏ qua, nhưng với nhà giáo, người ta lại không tha thứ. Thậm chí có thể nói khủng hoảng về đạo đức nơi nhà giáo báo hiệu sự khủng hoảng về đạo đức của cả xã hội.

Đạo đức giả là điều tối kỵ đối với nhà giáo. Điều nghịch lý hiện nay là xã hội luôn đòi hỏi cao ở nhà giáo nhưng lại ít tạo điều kiện để nhà giáo làm tròn sứ mạng của mình. Thậm chí có những biểu hiện làm tổn thương danh dự nhà giáo. Thí dụ rõ nhất gần đây là một số địa phương kiểm tra gắt gao việc nhà giáo dạy thêm như người có tội.

Ba là áp lực về chính trị. Nhà giáo không phải là cán bộ tuyên huấn nhưng trong lớp học không được nói điều gì vi phạm đến chính trị. Đặc biệt, đối với nhà giáo dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn, áp lực này lại càng lớn. Trong thực tế, không phải lúc nào chính trị cũng thống nhất với khoa học và cả hai đều vận động, thay đổi theo thời đại.

Thế hệ trẻ thường đặt câu hỏi về những vấn đề nóng bỏng của đất nước. Người thầy giáo phải trả lời như thế nào để vừa tạo niềm tin vào chân lý nơi giới trẻ, vừa bảo đảm những quy định của tổ chức, điều đó không đơn giản. Những người quản lý cần hiểu đây cũng là một vấn nạn về sư phạm để thông cảm với khó khăn của nhà giáo.

Bốn là áp lực về kinh tế. Ai cũng thấy rằng trong những nghề lao động trí óc hiện nay, giáo chức là giới khó khăn nhất, thu nhập bình quân thấp nhất. Không phủ nhận rằng vẫn có những nhà giáo khá giả nhờ dạy luyện thi, nhờ mở trường tư,… nhưng đây là một tỉ lệ rất nhỏ. Không nên nhìn vào số ít đó mà suy đoán ra sự “ăn nên làm ra” của nhà giáo.

Trong xã hội có những người giàu lên nhanh chóng mà không lý giải được nguồn gốc tài sản là hiện tượng bất bình thường. Trong nghề giáo, nếu giàu lên bằng con đường hành nghề chứ không phải nhờ tiềm lực gia đình sẵn có, cũng là chuyện hiếm có, không bình thường. Các chính sách đối với nhà giáo không phải nhắm vào thiểu số rất ít đó mà phải căn cứ trên đa số thầm lặng đang kiên trì chịu đựng những khó khăn thiếu thốn không đáng có để theo đuổi nghề nghiệp.

Dư luận xã hội chia sẻ những biện pháp hành chính nhằm chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm, một tình trạng được báo động đã lâu, không chỉ làm thương tổn đến sức khỏe và tinh thần thế hệ trẻ, mà còn ảnh hưởng đến đạo đức nhà giáo và làm sút giảm uy tín của ngành giáo dục trước mắt nhìn xã hội. Nhưng liệu có thể khắc phục tình trạng ấy bằng những chỉ thị trên giấy tờ hay những biện pháp hành chính mà thôi?

Uoc vong cho hoc duong anh 1

Nghề giáo có những áp lực riêng mà những nghề khác không có. Nguồn: Tiền phong.

Năm là áp lực về cách ứng xử. Đây chỉ là ứng xử trong sinh hoạt, lối sống, chứ chưa thuộc phạm trù đạo đức. Dù vậy, nhà giáo vẫn chịu sự “giám sát” chặt chẽ của xã hội hơn người khác. Người kỹ sư có thể ăn mặc luộm thuộm một chút, nhà kinh doanh có thể ăn mặc diêm dúa một chút, nhưng nhà giáo thì không thể. Đối tác mà người giám đốc công ty làm việc một ngày có thể là năm, bảy người, nhiều lắm là vài chục người.

Còn “đối tác” mà thầy cô giáo làm việc hàng ngày luôn luôn là năm, bảy chục người, có khi hàng trăm người. Ngần ấy cặp mắt, đôi tai “theo dõi” nhà giáo, chỉ cần một câu nói nhịu, một cử chỉ không phù hợp là thành sự cố. Nhà giáo mà đi ăn nhậu với học trò rồi để học trò trả tiền, hiện tượng đó tuy chưa đến mức vi phạm đạo đức, nhưng là một ứng xử không đàng hoàng, tiếc thay, ngày nay diễn ra khá nhiều ở các lớp tại chức.

Một câu hỏi đặt ra: Làm nghề giáo chịu nhiều áp lực như vậy mà sao vẫn có nhiều người bám trụ với nghề? Câu trả lời là trong thực tế vẫn có những người yêu nghề, tìm thấy những giá trị tinh thần và sự đền bù cho những thua thiệt của mình. Cũng không loại trừ một số người lỡ chọn nhầm nghề, nay không có điều kiện đổi nghề nữa. Và tất nhiên, nếu xã hội không thay đổi quan niệm và chính sách đối với nhà giáo, thì khi nhận ra những áp lực nặng nề đó, sẽ không còn nhiều người giỏi giang, tâm huyết dũng cảm bước vào nghề giáo.

Huỳnh Như Phương / NXB Phụ nữ Việt Nam

SÁCH HAY