Trong văn hóa phương Tây, số 21 gắn bó mật thiết với may mắn cũng như rủi ro, nắm lấy cơ hội và thử thách vận may. 21 là tổng số điểm trên một quân xúc sắc, là độ tuổi tối thiểu để vào sòng bạc tại Mỹ, và là tên của một số trò đánh bài phổ biến bao gồm blackjack.
Tất cả những đặc trưng ấy có những tương đồng kỳ lạ với một năm 2021 ẩn chứa những biến động khó lường sắp đến. Vận may lớn nhất mà nhân loại mong chờ trong năm 2021 chính là kiểm soát thành công đại dịch Covid-19. Nhưng đồng thời, song hành với nó là những rủi ro tiềm ẩn về y tế, hồi phục kinh tế và ổn định xã hội.
Tạp chí Economist đưa ra dự báo một số vấn đề quốc tế đáng quan tâm trong năm 2021.
Cuộc chiến vì vaccine
Vaccine chống Covid-19 đã được phát triển thành công, những lô hàng đầu tiên đã được đưa ra thị trường tại các nước Âu - Mỹ. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để phân phối công bằng vaccine cho tất cả các quốc gia.
"Ngoại giao vaccine" sẽ song hành với cuộc cạnh tranh giữa các nước để có thể lấy sớm và đủ số vaccine đáp ứng nhu cầu từng quốc gia.
Sẽ có một "cuộc chiến" giữa các nước để sớm giành đủ số vaccine đáp ứng nhu cầu nội địa. Ảnh: AP. |
Hiện nay, Trung Quốc và Nga bắt đầu sử dụng vaccine như cánh tay nối dài nhằm thúc đẩy quyền lực mềm. Trong khi đó, Mỹ và Anh có thể khóa chặt nguồn cung vaccine để đáp ứng nhu cầu trong nước trước khi xuất khẩu ra bên ngoài.
Theo một mô hình của Đại học Northeastern ở Boston, nếu 50 nước giàu mua 2 tỷ liều vaccine có hiệu quả từ 80% trở lên, vaccine có thể giúp ngăn chặn 33% số ca tử vong vì Covid-19. Nếu số vaccine này được phân phối tới các quốc gia khác, số người chết có thể giảm tới 66%.
Nhưng ngay cả khi có đủ nguồn cung, một thách thức khác chính là niềm tin vào chất lượng. Không ít người băn khoăn khi vaccine được phê chuẩn quá gấp gáp. Thăm dò dư luận mới đây cho thấy khoảng 25% người trưởng thành trên toàn cầu từ chối sử dụng vaccine.
Tất cả những vấn đề nói trên đặt ra một chương trình hành động đầy thử thách cho các chính phủ. Các nước vừa phải đồng thời bảo đảm quy trình phê chuẩn vaccine, đầu tư phát triển hệ thống cung cấp vaccine; đồng thời giải thích cho người dân hiểu rõ lợi ích của phối hợp phân phối công bằng và tiêm chủng vaccine trên toàn cầu.
Hồi phục kinh tế không đồng đều
Đại dịch Covid-19 đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái. Khi vaccine được phân phối rộng rãi, các biện pháp phong tỏa được nới lỏng, nền kinh tế thế giới sẽ khởi sắc trở lại. Nhưng tốc độ phục hồi sẽ khác nhau giữa từng quốc gia, khu vực.
Trong nhiều thập kỷ qua, chưa bao giờ sự bất ổn bao trùm kinh tế thế giới như hiện nay. Khả năng hồi phục kinh tế trong năm 2021 phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh và hiệu quả của vaccine, vốn là những yếu tố hiện chưa thể khẳng định.
Thiệt hại do đại dịch Covid-19, cũng như mức độ tác động lâu dài mà dịch bệnh gây ra cho nền kinh tế các nước, hiện chưa thể đo đếm. Tuy nhiên, dịch bệnh rõ ràng đã khiến vô số hoạt động, hợp tác kinh tế đình trệ, một số lượng khổng lồ doanh nghiệp đóng cửa, hàng triệu lao động trên khắp thế giới mất việc làm.
Để ứng phó với tác động toàn diện của đại dịch, nhiều quốc gia tung ra những gói kích thích kinh tế khẩn cấp để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Các nhà kinh tế cảnh báo làn sóng lạm phát và tăng giá hàng hóa sẽ xuất hiện bởi những gói kích thích bơm hàng tỷ USD tiền mặt vào nền kinh tế.
Chính sách của chính quyền Joe Biden sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn tới trật tự thế giới. Ảnh: AP. |
Trật tự thế giới mới
Năm 2021 sẽ khởi đầu với việc Tổng thống Donald Trump rời Nhà Trắng. Tổng thống đắc cử Joe Biden phát nhiều tín hiệu cho thấy chính sách của bộ máy mới sẽ hoàn toàn đổi chiều so với 4 năm qua.
Ông Biden sẽ đảo chiều quyết định rút nước Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới, tái gia nhập Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, hay xây dựng lại quan hệ với Iran để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015.
Chính quyền Biden nhiều khả năng đảo ngược xu hướng thu mình và tự cô lập của Tổng thống Trump, hướng đến khôi phục lại vị trí dẫn dắt của Mỹ tại các cơ chế đa phương, nhằm ngăn chặn ảnh hưởng ngày một gia tăng của Trung Quốc.
Châu Á sẽ duy trì vị trí trung tâm trong cạnh tranh giữa các cường quốc.
Nước Mỹ thời Biden tiếp tục xoay trục, chuyển hướng chú ý từ phương Tây sang phương Đông, với trọng tâm là củng cố mạng lưới đồng minh và đối tác tại châu Á - Thái Bình Dương, và kiềm tỏa sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục nỗ lực mở rộng ảnh hưởng cả tại các diễn đàn đa phương, cũng như thông qua ngoại giao song phương.
Việc duy trì tăng trưởng kinh tế trong năm 2020, so với nền kinh tế lao dốc tại các nước phương Tây, cho phép Bắc Kinh có thêm công cụ để tập hợp lực lượng, triển khai mục tiêu đối ngoại trong những năm tới.
Xung đột Mỹ - Trung sẽ gay gắt hơn
Trong 4 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, Trung Quốc liên tiếp đối mặt những đòn công kích của Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và kinh tế. "Trận quyền anh không có luật lệ" là cách lãnh đạo Trung Quốc miêu tả quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington dưới thời Trump.
Dù gây nhiều tranh cãi, Tổng thống Trump thức tỉnh nước Mỹ trước thách thức từ Trung Quốc. Cứng rắn với Bắc Kinh là một trong số ít chiến lược nhận được sự đồng thuận của lưỡng đảng Cộng hòa - Dân chủ. Chính quyền mới của ông Biden sẽ không thể đảo ngược xu hướng này.
Chính quyền Biden vẫn duy trì sự ưu tiên ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc. Ảnh: US Navy. |
Bắc Kinh sẽ tìm cách xoa dịu quan hệ với Washington sau ngày 20/1/2021, nhưng Trung Quốc không ảo tưởng sự ra đi của ông Trump có thể giúp khôi phục quan hệ song phương về mốc 2016.
Đội ngũ của ông Biden gồm nhiều chuyên gia kinh tế chủ trương theo đuổi các liên minh thương mại tự do như công cụ để đối phó với đường lối trọng thương của Trung Quốc.
Các doanh nghiệp từng kỳ vọng chính quyền Biden nhanh chóng hủy bỏ hàng loạt rào cản thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, kịch bản này khó xảy ra, bởi trừng phạt kinh tế sẽ tiếp tục là công cụ kiềm chế, gây sức ép hiệu quả của Washington đối với Bắc Kinh.
Do vậy, chính quyền Biden sẽ xem xét rất thận trọng trước khi dỡ bỏ rào cản thương mại mà chính quyền Trump triển khai.
Chính quyền ông Biden sẽ tiếp tục kêu gọi duy trì ưu thế vượt trội của Mỹ trước Trung Quốc trong các công nghệ nền tảng tương lai, từ trí tuệ nhân tạo cho tới máy tính lượng tử.
Chính quyền Biden sẽ xử lý vấn đề Đài Loan thận trọng hơn, tiếp tục bảo đảm cam kết về an ninh của Washington để răn đe ý định của Bắc Kinh về sử dụng vũ lực để thống nhất.
Tuy nhiên, Nhà Trắng dưới thời ông Biden cũng phải bảo đảm với Bắc Kinh rằng Mỹ tiếp tục tuân thủ chính sách "Một Trung Quốc".
Mặc dù vậy, đội ngũ của tổng thống đắc cử Biden cho thấy chính quyền mới muốn cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ đi theo con đường trật tự hơn, ít mang tính ý thức hệ hơn, và mang lại nhiều thách thức hơn cho Trung Quốc.
Thay đổi lớn so với thời Trump là chính quyền ông Biden có thể đề nghị Bắc Kinh hỗ trợ xử lý những cuộc khủng hoảng toàn cầu, như biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19, hay vấn đề Triều Tiên và Iran.
Những thay đổi khác
Các doanh nghiệp công nghệ sẽ tiếp tục là đối tượng của cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn. Không chỉ gặp sức ép từ các chính phủ, giới doanh nghiệp công nghệ cũng đứng trước đòi hỏi từ nhân sự nội bộ và người sử dụng.
Điều này buộc họ phải có cách tiếp cận rõ ràng về biến đổi khí hậu hay công bằng xã hội.
Đại dịch Covid-19 làm thay đổi hành vi sử dụng công nghệ của người dân toàn cầu. Công nghệ giờ đây được ứng dụng trong mọi mặt cuộc sống xã hội, từ hội nghị trực tuyến, học tập và làm việc từ xa, cho tới thương mại điện tử.
Khi dịch bệnh dần qua đi, những xu thế này sẽ cho thấy chúng tiếp tục phát triển và phổ biến hơn, hay thế giới sẽ trở về với trạng thái trước 2020.
Thói quen du lịch của người dân toàn cầu thay đổi. Ảnh: AFP. |
Du lịch toàn cầu là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh. Hoạt động du lịch đã thay đổi để thích nghi với bối cảnh mới, khi các quốc gia đóng cửa biên giới hoặc hạn chế xuất nhập cảnh.
Trong năm 2021, du lịch nội địa sẽ trở thành cứu tinh và đóng vai trò quan trọng thúc đẩy ngành công nghiệp không khói.
Bởi nhu cầu du lịch và giao thông hàng không suy giảm, các hãng sản xuất máy bay, hãng hàng không, khách sạn sẽ phải vật lộn để duy trì hoạt động. Thách thức tương tự cũng chờ đợi các trường đại học phương Tây, vốn thu lợi lớn nhờ sinh viên quốc tế.
Năm 2021 cũng là cơ hội để các quốc gia hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tổng thống đắc cử Biden tuyên bố sẽ đưa nước Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã công bố kế hoạch cắt giảm phát thải khí nhà kính để đáp ứng các mục tiêu phát triển thiên nhiên kỷ của Liên Hợp Quốc.
Hội nghị lần thứ 26 của các quốc gia thành viên Công ước Paris đã được lùi thời gian tổ chức từ năm 2020 sang tháng 11/2021. Đây sẽ là sự kiện kiểm chứng quyết tâm của các quốc gia trong ứng phó biến đổi khí hậu.
Sau sự bùng phát của Covid-19, một số chuyên gia sẽ tận dụng cơ hội để thu hút sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách với những rủi ro tiềm ẩn nhưng chưa được quan tâm đúng mức, như tình trạng kháng kháng sinh hay nguy cơ khủng bố hạt nhân.