Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhức nhối chuyện 'ăn chia' tiền thuế

Một bộ phận cán bộ thuế vòi vĩnh, thông đồng với hộ kinh doanh để chung chia tiền thuế, đặc biệt là thuế khoá, là thực trạng nhức nhối, cần phải có một loạt giải pháp ngăn chặn.

Đó là khẳng định của ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thứ trưởng Bộ Tài chính, khi trả lời Tuổi Trẻ về kết quả điều tra xã hội vừa được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển cộng đồng (CECODES), thành viên của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, công bố, cho thấy cán bộ thuế “ăn vặt”, thậm chí “ăn” lớn.

Tiền thuế nếu được thu đúng, thu đủ, không bị cắt xén sẽ góp phần nâng cao phúc lợi của người dân - Ảnh: Chí Quốc
Tiền thuế nếu được thu đúng, thu đủ, không bị cắt xén sẽ góp phần nâng cao phúc lợi của người dân. Ảnh: Chí Quốc.

Ông Tuấn nói: “Nguyên nhân cơ bản là quy định tính thuế đối với hộ kinh doanh còn phức tạp, chưa thực chất, công tác công khai mức thuế còn hình thức, vai trò giám sát, kiểm tra của Hội đồng Nhân dân các cấp... chưa được tạo điều kiện thực hiện. Vai trò trách nhiệm của người nộp thuế còn hạn chế.

Mặt khác, chưa quy định rõ trách nhiệm, nội dung kiểm tra của cục thuế đối với chi cục thuế và đội thuế, trong lĩnh vực quản lý thuế đối với khu vực ngoài quốc doanh...”.

- Cán bộ thuế vòi vĩnh, thông đồng với hộ kinh doanh để chung chia tiền thuế gần như ai cũng biết, đến nay Bộ Tài chính đã có giải pháp để ngăn chặn chưa?

- Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có nhìn nhận thẳng thắn về tình trạng “cán bộ thuế ăn vặt”, đồng thời chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, để từng bước khắc phục có hiệu quả, nhằm phòng chống tiêu cực trong đội ngũ cán bộ thuế, vừa chống thất thu ngân sách, vừa đảm bảo môi trường đầu tư thuận lợi cho người dân.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 12/2015, trong đó có sửa đổi cơ chế quản lý thuế đối với hộ kinh doanh. Hướng dẫn nghị định này, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 92/2015, để xử lý một loạt tồn tại trong ngành thuế vừa nêu.

Trước hết, theo Thông tư 92/2015, chúng tôi quy định sẽ đơn giản hóa, minh bạch hóa việc khai thuế, tính thuế. Trước đây, xác định thuế khoán cho hộ kinh doanh trên cơ sở các yếu tố: doanh thu, bản khai các chi phí, các khoản được trừ không phải chịu thuế... Nay chỉ việc khai doanh thu và số thuế phải nộp, được xác định theo tỷ lệ cụ thể trên doanh thu.

Quy định này sẽ giúp người dân dễ thực hiện, đồng thời dễ kiểm tra, giám sát cơ quan thuế. Nghị định cũng quy định rõ nếu người nộp thuế kinh doanh thường xuyên thì được ổn định mức thuế khoán trong cả năm, chỉ bị điều chỉnh doanh thu khi doanh thu tháng bình quân tăng 50% so với doanh thu đã kê khai. Đó là đơn giản hóa khai thuế, tính thuế.

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - Ảnh: Lê Thanh
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn. Ảnh: Lê Thanh.

- Trong điều tra vừa được VCCI công bố, nhiều chủ hộ kinh doanh không rõ cách tính thuế, mức thuế là do cán bộ thuế bắt dân nộp. Việc áp dụng các quy định thuế đang có tùy tiện?

- Đây là một thực tế. Chúng tôi đã nắm được và trong thông tư mới đã quy định yêu cầu công khai toàn bộ về doanh số, mức thuế của từng hộ dân nộp thuế khoán. Sẽ công khai từ kê khai của người nộp thuế, phê duyệt của cơ quan thuế... Quy định nêu rõ sẽ phải công khai ở chợ (tại cửa ban quản lý chợ), ở phố là tại UBND phường, xã...

Với những chợ, phố có dưới 200 hộ kinh doanh, cơ quan thuế có trách nhiệm in và phát cho từng hộ (bao gồm cả hộ kinh doanh nộp thuế và hộ chưa đến ngưỡng phải nộp thuế). Đối với chợ, đường phố có trên 200 hộ kinh doanh trở lên, cơ quan thuế in và phát mức doanh thu, mức thuế cho từng hộ kinh doanh theo nhóm ngành hàng.

Ngoài ra sẽ công khai toàn bộ thông tin trên lên cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế, để mọi người dân đều có thể biết mức thuế của từng hộ kinh doanh trên phạm vi cả nước.

- Báo cáo cũng chỉ rõ không “chi” cho cán bộ thuế thì khó mà làm ăn. Công khai có thể giảm gian lận, nhưng có đủ để ngăn chặn việc một bộ phận cán bộ thuế chung chia tiền thuế?

- Hiện quy định chưa rõ mục tiêu, yêu cầu về cơ quan thuế cấp trên kiểm soát cấp dưới. Quyền quyết định về mức thuế đều nằm ở chỗ đội trưởng, cán bộ và chi cục trưởng.

Do đó, quy định mới bổ sung yêu cầu tăng giám sát từ đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc, Hội đồng nhân dân các cấp, nhất là cấp xã phường, trong việc xác định mức thuế đối với hộ kinh doanh trên địa bàn. Theo đó, các cục thuế, chi cục thuế phải có trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân, đoàn thể, Mặt trận... toàn bộ thông tin công khai để phục vụ công tác giám sát.

Đồng thời, thông tư bổ sung quy định mà trước đây chưa có, chưa rõ trách nhiệm của cục thuế, đó là trong quá trình thực hiện phải kiểm tra thực tế theo nguyên tắc quản lý rủi ro. Một năm cơ quan thuế phải kiểm tra 15% số hộ nộp thuế.

Một bảng tuyên truyền về Thuế ở chợ Tây Lộc, thành phố Huế - Ảnh: Ngọc Hiển
Một bảng tuyên truyền về Thuế ở chợ Tây Lộc, thành phố Huế. Ảnh: Ngọc Hiển.

- Nếu để cán bộ thuế tiếp xúc trực tiếp với hộ kinh doanh thì tình trạng vòi vĩnh, thông đồng vẫn diễn ra và khó có thể ngăn chặn được, thưa ông?

- Trong thời gian tới, việc đổi mới phương thức nộp thuế đối với hộ kinh doanh cũng sẽ được thực hiện. Theo đó, Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Thuế tổ chức thí điểm ở Hà Nội, TP HCM và một số địa phương, về việc cơ quan thuế thực hiện ủy nhiệm thu thuế, thay vì qua cán bộ xã, phường... như hiện nay.

Theo đó, sẽ yêu cầu ngành thuế ký hợp đồng với các doanh nghiệp đang có nguồn nhân lực đến từng hộ dân thu tiền, để vừa tiết kiệm nhân lực xã hội, vừa giảm tiếp xúc của cán bộ thuế. Người dân vừa có thể nộp bằng phương thức điện tử, vừa có thể nộp tại địa điểm kinh doanh, họ có thể vừa nộp tiền điện thoại, tiền điện và tiện thể nộp luôn tiền thuế.

- Một bộ phận người kinh doanh thông đồng với cán bộ thuế để chung chia, do chỉ muốn yên ổn để làm ăn, nhưng tiêu cực của cán bộ thuế ít được phát hiện?

- Việc chung chia là một thực tế. Qua thanh tra, kiểm tra thì cán bộ thuế phát hiện có cái chưa đúng của hộ kinh doanh, và cố gắng xử lý sao cho “hai bên đều có lợi”, nghĩa là cái lợi đó cùng nhau chia. Bản chất là như vậy. Rõ ràng hai “ông” đều sai, và chỉ ngân sách là bị thiệt hại.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ Tài chính cương quyết và từng bước giải quyết. Ngoài những giải pháp trên, đặc biệt là thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, cán bộ cấp trên với cấp dưới trong cơ quan thuế, tới đây sẽ thực hiện chế độ luân phiên, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác định kỳ không quá 2-3 năm đối với những vị trí đến khâu tiếp nhận, kiểm tra, xác định mức thuế đối với hộ kinh doanh.

Nguồn: trích báo cáo do CECODES và MCG điều tra hơn 500 hộ kinh doanh tại tám tỉnh thành trên cả nước - Đồ họa: Tấn Đạt
Nguồn: Trích báo cáo do CECODES và MCG điều tra hơn 500 hộ kinh doanh tại 8 tỉnh thành trên cả nước. Đồ họa: Tấn Đạt.

Cùng với đó là tăng cường giải quyết khiếu nại. Cơ quan thuế phải thực hiện đúng quy định Nghị quyết 19 về việc cơ quan thuế thực hiện giải quyết khiếu nại đúng quy định. Sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra của các cục thuế với các chi cục. Thông qua việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, sẽ phát hiện sai phạm của cán bộ thuế. Chúng tôi kiên quyết xử lý sai phạm và sẽ công khai sai phạm.

- Nhiều ý kiến cho rằng, ngành thuế nên tập trung quản lý thuế đối với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, chứ không nên thu thuế đối với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, quan điểm của ông thế nào?

- Hiện nay, hộ kinh doanh phải có điểm bán hàng cố định thì mới thu thuế. Đối với những hộ có doanh thu dưới 100 triệu đồng một năm như các tiểu thương bán rau thì không thu. Các hộ kinh doanh thực tế chỉ đóng góp 2% số thu nội địa. Quan điểm của tôi là nên khoan thư sức dân ở khu vực này, và tập trung vào thu thuế giá trị gia tăng và thu đầu nguồn, cũng như tập trung quản lý, kiểm tra đối tượng có nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, giải pháp căn cơ nhất cho việc cán bộ thuế “ăn vặt” vẫn là yếu tố con người. Tức là phải có cơ chế giám sát hiệu quả, đồng thời quan tâm hơn đến công tác giáo dục, đào tạo nghiệp vụ, đảm bảo chế độ chính sách về lương, thu nhập cho cán bộ thuế, để họ không muốn, không dám và không thể “ăn”, chung chia tiền thuế. Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách để tiến tới điều đó.

0% chấp nhận lót tay

Khi được hỏi liệu hộ kinh doanh có chấp nhận đề nghị chi một khoản tiền lót tay, do cán bộ thuế đưa ra để hai bên cùng có lợi, 50% hộ cho biết, họ sẽ chấp nhận lời đề nghị đó nếu số tiền mà cán bộ thuế đề nghị tương đối hợp lý đối với họ.

Trong số 50% hộ còn lại có phản hồi từ chối lời đề nghị, có ¼ số hộ không chấp nhận, vì không muốn vi phạm pháp luật; ½ số hộ đưa ra các lý do khác, như khoản thuế phải nộp của họ quá ít, hoặc họ không tin tưởng cán bộ thuế và sợ phiền hà; 26,29% số hộ còn lại không đưa ra lý do.

Ngoại trừ 26,29% số hộ không đưa ra ý kiến, đa số các hộ đều nhận thức được rằng, việc các hộ kinh doanh và cán bộ thuế câu kết với nhau để hai bên cùng có lợi về mặt tài chính là một thực tế phổ biến. Cụ thể, 63% số hộ tin rằng, điều này luôn diễn ra, 10% cho rằng,việc này “thường” hoặc “thỉnh thoảng” diễn ra. Không ai tin rằng hiếm hoặc không diễn ra thực tế này.

(Trích báo cáo nghiên cứu “Nguy cơ tham nhũng trong khu vực hộ kinh doanh tại VN”)

 

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20150620/nhuc-nhoi-chuyen-an-chia-tien-thue/764061.html

Theo Lê Thanh-Cấm Văn Kình/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm