Anh Nguyễn Văn Nghĩa, chủ trại gà Đông Hòa (Dĩ An, Bình Dương) nói, trang trại anh vừa nuôi gà đẻ trứng vừa nuôi gà thịt.
“Quả thật, các loại phí, lệ phí mà mỗi con gà, quả trứng phải chịu nhiều đến mức tôi không nhớ hết nổi. Tôi chỉ nhớ là từ lúc con gà mới nở có một ngày tuổi đã phải chịu phí kiểm dịch 100 đồng/con rồi”, anh Nghĩa ngao ngán.
Hoa mắt với các loại phí
Anh Nghĩa chỉ ra, gà con mới nở một ngày tuổi xuất về trại nuôi đã tốn nhiều khoản chi: Phí kiểm dịch gà con khi mới nở 100 đồng/con; phí cấp giấy kiểm dịch khi xuất gà con ra khỏi trại ra ngoài tỉnh 40.000 đồng/tờ, nội tỉnh 5.000 đồng/tờ. Giấy tiêu độc sát trùng cho xe vận chuyển gà con ngoài tỉnh 75.000 đồng/tờ, nội tỉnh 45.000 đồng/tờ.
Phí kiểm dịch trên từng quả trứng với gà khoảng 5 đồng/trứng. “Một con gà giống lông trắng một ngày tuổi, trang trại mua về nuôi, sau khi cộng các loại phí lên tới 11.000-12.000 đồng. Nếu với giá gà bán tại trang trại hiện nay 47.000-48.000 đồng/kg thì các loại phí, lệ phí tính sơ sơ cũng đã chiếm 20% giá thành sản xuất. Lúc giá gà xuống thấp, có lúc chỉ 27.000-30.000 đồng/kg thì vẫn phải đóng phí. Khi đó các trang trại chỉ có lỗ”, anh Nghĩa bức xúc.
Đại diện một doanh nghiệp chăn nuôi và chế biến thực phẩm lớn ở TP HCM cho hay, hiện tại phí, lệ phí kiểm dịch trên gia cầm còn khá nhiều, đôi lúc trùng lắp làm tăng chi phí sản xuất và lưu thông. Chẳng hạn như đối với con gà từ lúc nuôi đến lúc xuất thịt, giết mổ phải chịu khoảng 14 loại phí, lệ phí.
Nhiều bộ, ngành cùng quản một quả trứng nhưng lại thiếu sự thống nhất khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. |
Riêng việc đem gà thịt vào cơ sở giết mổ phải chịu tới tám khoản chi gồm: Kiểm tra lâm sàng gà thịt nhập vào 100 đồng/con; phí tiêu độc sát trùng 45.000 đồng/xe; phí kiểm soát giết mổ 200 đồng/con; giấy chứng nhận kiểm dịch xuất gà nội tỉnh 5.000 đồng/điểm giao hàng, ngoài tỉnh là 30.000 đồng. Rồi phí tiêu độc sát trùng xe lạnh chở thịt gà 45.000 đồng/xe… Đến dây niêm phong xe cũng chịu phí 1.500 đồng/dây.
Chưa hết, trong quá trình chăn nuôi, cơ sở phải định kỳ 3-6 tháng lấy mẫu nước, phân để kiểm tra và kiểm tra kháng thể một số bệnh cũng phải đóng phí…
Phí chồng phí
“Cùng một sản phẩm làm ra nhưng Vissan có thể phải đóng từ hai đến nhiều lần phí nếu phải vận chuyển bảo quản nhiều lần ở nhiều kho khác nhau dẫn đến việc phí chồng phí”, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết.
Cụ thể, sản phẩm được sản xuất ở Công ty Vissan, song được vận chuyển đến một kho bảo quản khác ngoài công ty thuộc địa bàn TP HCM. Lần vận chuyển đầu từ Vissan đến kho khác tính một lần phí kiểm dịch, lần vận chuyển thứ hai về Vissan để sản xuất chế biến hoặc phân phối đến các điểm bán thêm một lần phí nữa.
Chưa hết, Thông tư 04/2012 của Bộ Tài chính quy định sản phẩm động vật pha lóc, đóng gói lại, sơ, chế biến tính phí kiểm dịch 135 đồng/kg; đồ hộp các loại 135 đồng/kg; phí trứng giống, trứng đã ấp (trứng lộn) 5,5 đồng/quả; trứng thương phẩm 4,5 đồng/quả; trứng cút 1 đồng/quả. Sản phẩm động vật đông lạnh vận chuyển bằng xe 12-24 tấn có phí 630.000 đồng/xe, vận chuyển xe dưới 12 tấn phí 90.000 đồng/xe.
Trước nhiều khoản phí bất hợp lý này, không chỉ riêng Vissan bức xúc mà các doanh nghiệp chế biến thực phẩm khác cũng bất bình. Do vậy cần xem xét bỏ các phí trùng lắp như bỏ chi phí kiểm dịch cá thể mà đưa vào trong phí cấp giấy kiểm dịch. Đối với các đơn vị sản xuất theo chuỗi khép kín (từ gà con nuôi thịt, giết mổ, chế biến) thì chỉ nên tính phí kiểm dịch đầu vào (gà con) và đầu ra cuối cùng (chế biến), bỏ các công đoạn trung gian.
Nên đóng phí một lần
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, cho hay, Hội Lương thực - Thực phẩm TP HCM đã có văn bản đề nghị Chi cục Thuế TP HCM và Chi cục Thú y TP HCM xem xét giúp cho các doanh nghiệp được đóng phí kiểm dịch sản phẩm có nguồn gốc động vật một lần từ khi được sản xuất ra tại nhà máy. Qua đó, góp phần tiết giảm phí trong sản xuất nhằm tạo ra được sản phẩm có giá thành hợp lý và cạnh tranh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết, vấn đề phí, lệ phí đã được nói nhiều năm nay. Các trang trại, doanh nghiệp cũng đã có ý kiến với Cục Chăn nuôi. Mới đây, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo Cục Thú y nhanh chóng tháo gỡ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Chiều 15/6, một lãnh đạo Cục Thú y cho hay, từ đầu năm đến nay, cục đã chỉnh sửa Thông tư 04/2012 và trình Bộ Tài chính nhiều lần nhưng vẫn chưa nhận được sự đồng ý vì Thông tư 04 liên quan đến nhiều loại phí đối với nhiều mặt hàng chứ không chỉ mỗi quả trứng và con gà. Hiện cục đang phải rà soát lại tất cả loại phí kiểm dịch. Hướng điều chỉnh là quy về một cơ quan thu các loại phí và chỉ thu phí một lần cho tất cả công đoạn.
Chủ tịch Quốc hội ‘‘lệnh” bỏ phí bất hợp lý
Ngày 8/1/2015, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát giao Vụ Tài chính chủ trì phối hợp với Cục Thú y và cơ quan liên quan của Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi các thông tư liên quan quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y, hoàn thành dự thảo trước 15/2/2015.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Tôi yêu cầu trong tháng này phải thay đổi, chấm dứt việc phi lý như vậy”. Trước đó, phản ánh với Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, doanh nghiệp cho hay con gà từ lúc nuôi đến lúc xuất thịt phải chịu đến 14 loại phí.
Thế nhưng tại phiên chất vấn Quốc hội mới đây, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) đặt câu hỏi về việc một con gà phải chịu tới 14 loại phí và đề nghị bộ trưởng trả lời.
Đáp lại, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: “Thu phí theo quả trứng, tôi không đồng ý. Tôi đã yêu cầu các đồng chí là kiểm dịch thú y chỉ thu tại nơi xuất phát một lần và chấm hết. Thứ hai, thu phải hợp đạo lý, người ta chở trứng đi mà mình chỉ đến nhìn xong đếm theo quả để thu là không được”.
Sau khi nghe trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu phải hủy ngay quy định trên.
Nhiều bộ quản một quả trứng
Tại phiên chất vấn Quốc hội mới đây, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đề nghị dừng ngay việc thi hành quy định bất hợp lý tại Thông tư 04/2012. Tuy nhiên, thông tư này lại do Bộ Tài chính ban hành nên Bộ NN&PTNT không có thẩm quyền.
Điều này cho thấy một thực trạng một quả trứng nhiều bộ quản, các bộ lại không có sự kết nối dẫn đến phí chồng phí làm khổ doanh nghiệp, người chăn nuôi. Đáng lẽ các bộ nên ngồi lại với nhau làm rõ vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp để từ đó tìm ra giải pháp chung và hợp lý nhất.
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan