Trước khi virus corona xuất hiện, người Vũ Hán đã quen thuộc với hình ảnh đám đông nhộn nhịp xúm quanh quầy bánh chiên của dì Hùng tại góc đường Thẩm Dương.
Ảnh minh hoạ. |
Món bánh mặn thơm ngon này là một trong những đặc sản của Vũ Hán cũng như tỉnh Hồ Bắc, có hình tròn như tổ yến, thường được dùng như món ăn nhẹ cùng rượu gạo kiểu Vũ Hán hoặc ăn kèm mì trộn nóng.
“Đấy là bánh chiên ngon nhất tôi từng ăn”
Dì Hùng, hơn 50 tuổi, đã bán bánh chiên ở đó hơn một thập kỷ. Quầy hàng đã giúp gia đình bà, ban đầu chỉ từ một vùng ngoại ô phía Bắc Vũ Hán, nuôi ba đứa con sống giữa trung tâm thành phố. Bao năm qua, bà đã có một số lượng lớn khách hàng trung thành chỉ ưa thích món bánh chiên của mình mỗi sáng.
“Đấy là bánh chiên ngon nhất tôi từng ăn”, ông Trịnh, một người dân Vũ Hán 50 tuổi, cho biết. Cả nhà ông đều yêu thích món bánh của dì Hùng.
“Tỷ lệ bột gạo và đậu nành rất vừa phải. Vòng ngoài thì mềm xốp còn phía trong thì mỏng và giòn tan”.
Món bánh mặn thơm ngon này có hình tròn như tổ yến, thường được dùng như món ăn nhẹ cùng rượu gạo kiểu Vũ Hán hoặc ăn kèm mì trộn nóng. Ảnh: Weibo. |
Nhưng người dân Vũ Hán sẽ không bao giờ được ăn lại những chiếc bánh chiên đó nữa. Dì Hùng đã qua đời trong trận dịch vừa rồi.
“Tôi đã rất buồn khi nghe tin (bà ấy qua đời),” ông Trịnh nói. Ông đã từng nói chuyện với dì Hùng trong suốt thời gian đợi bánh lên tới 40 phút.
“Sau hai tháng, chúng tôi trở lại, vẫn đường phố đó, các tòa nhà đó, cây cối đó, nhưng một số người đã ra đi vĩnh viễn”.
Cái chết của dì Hùng đã tạo ra một làn sóng hoài niệm và đau buồn trong lòng người dân Vũ Hán.
Sự biến mất của các nhà hàng và những gương mặt quen thuộc là một lời nhắc nhở nghiêm khắc về những tổn thương, mất mát mà dịch bệnh đã để lại cho thành phố 11 triệu người, và sẽ còn nhiều nơi khác trên toàn thế giới.
Khi thành phố mở cửa trở lại vào ngày 8/4 sau hơn 10 tuần phong toả bắt đầu từ 23/1, người dân vui mừng chia sẻ hình ảnh về bữa ăn đầu tiên của họ sau khi hết phong toả trên mạng xã hội.
Nhiều người háo hức được quay trở lại với những món ăn đường phố. Nhưng quầy bánh của dì Hùng, vốn đã được giới thiệu trong các sách du lịch và chương trình ẩm thực Vũ Hán, đã không còn nữa.
Món bánh chiên này là đặc sản Vũ Hán nói riêng và tỉnh Hồ Bắc nói chung. Ảnh: Weibo. |
Trong một cuộc phỏng vấn với Ergeng Video vào tháng 1/2018, dì Hùng cho biết mình bắt đầu bán bánh chiên hơn 10 năm trước để kiếm tiền nuôi ba đứa con.
Mỗi buổi sáng, dì thức dậy lúc 3 - 4h sáng để chuẩn bị nguyên liệu gồm bột gạo và bột đậu nành, rồi bắt đầu chiên bột vào lúc 5h.
“Đôi khi, tôi cảm thấy mình làm không phải chỉ vì gia đình mà còn vì những người hàng xóm đã yêu thích bánh của tôi trong hơn một thập kỷ qua,” dì Hùng nói.
“Một số người đã chuyển đi nhưng vẫn đi nửa vòng thành phố để mua bánh của tôi. Tôi rất vui khi nghĩ về điều đó”.
"Đột nhiên, những người mà chúng ta biết đều biến mất"
Dì Hùng thuộc nhóm người không xác định đã chết trước khi được xét nghiệm virus, có thể là do thiếu kit xét nghiệm trong thời điểm đỉnh dịch ở Vũ Hán.
Con gái dì nói với Pear Video rằng mẹ cô có tiền sử bệnh tiểu đường và huyết áp cao. Các bác sĩ nghi ngờ bà đã nhiễm virus corona khi bà có triệu chứng sốt và khó thở. Bà được đưa vào bệnh viện và qua đời vài ngày sau đó.
Dì Hùng chiên bánh. Ảnh: Weibo. |
Đối với những khách hàng của dì Hùng, sự ra đi của người đầu bếp họ yêu thích là một sự tiếc nuối.
“Trời ơi, tôi lớn lên với món bánh chiên này,” tài khoản Zhangzhou18 đã bình luận trong một bài viết về cái chết của dì Hùng trên Weibo, một mạng xã hội giống như Twitter của Trung Quốc. “Tôi đã khóc”.
“Cứ như là Thanos vừa búng tay vậy”, một tài khoản khác, Chichaniangzi, đã viết, đề cập đến nhân vật phản diện nổi tiếng của Marvel đã quét sạch sinh mạng của một nửa dân số thế giới chỉ bằng một cái búng tay. “Đột nhiên, những người mà chúng ta biết đều biến mất”.
Những câu chuyện như dì Hùng hiện diễn ra khắp nơi trên thế giới khi virus đang lan rộng toàn cầu.
Ở Vũ Hán, mặc dù hầu hết mọi người đã sống sót qua đỉnh dịch, quá trình chữa lành dài hơi của họ mới chỉ bắt đầu.
“Chúng tôi vẫn còn chút chán nản”, nhiếp ảnh gia Zhao Yingcong ở Vũ Hán nói. Người đàn ông 33 tuổi này là khách quen của dì Hùng.
“Dỡ bỏ phong toả không phải là một chiến thắng”, ông Zhao nói. “Các trung tâm thương mại đã đóng cửa. Nhiều doanh nghiệp đã phá sản. Mọi người sẽ phải làm việc chăm chỉ hơn để kiếm lại thu nhập đã mất. Nhiều vấn đề còn chưa được giải quyết”.
Ông trịnh cho biết bà Hùng đã nói đùa khoảng một năm trước rằng bà chỉ có thể ngừng làm việc chăm chỉ sau khi qua đời.
“Tôi đã nói ‘Bà không được chết", ông Trịnh kể lại, “’Bà mất thì chúng tôi không có bánh chiên để ăn”.
Đối với ông Trịnh, và nhiều người khác như ông, mỗi buổi sáng giờ đây là một lời nhắc nhở rằng chính họ đang sống trong thực tế đó.