Tăng trưởng nhu cầu dầu được dự báo giảm từ 2,4 triệu thùng/ngày trong năm nay xuống 400.000 thùng/ngày vào năm 2028. Ảnh: Bloomberg. |
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu gần như sẽ ngừng lại trong những năm tới và đạt đỉnh ngay ở thập kỷ này.
"Việc chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch đang tăng tốc. Nhu cầu dầu toàn cầu có thể đạt đỉnh trong thập kỷ này nhờ xe điện, sử dụng nhiên liệu hiệu quả và các công nghệ phát triển khác", CNBC dẫn lời ông Fatih Birol - Giám đốc điều hành IEA.
Trong báo cáo mới nhất, IEA dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 6% so với năm 2022 lên 105,7 triệu thùng/ngày vào năm 2028 nhờ sự phục hồi của ngành hàng không và lĩnh vực hóa dầu.
Đạt đỉnh ngay trong thập kỷ này
Nhưng tăng trưởng nhu cầu dầu dự kiến giảm từ 2,4 triệu thùng/ngày trong năm nay xuống 400.000 thùng/ngày vào năm 2028. "Sự suy yếu của các nền kinh tế lớn khiến triển vọng toàn cầu phụ thuộc nhiều hơn vào đà phục hồi của Trung Quốc sau đại dịch, vốn sẽ thúc đẩy thương mại và sản xuất toàn cầu", báo cáo nhận định.
Nhu cầu của Trung Quốc được dự báo đạt đỉnh vào giữa năm nay với mức tăng 1,5 triệu thùng/ngày, nhưng tốc độ tăng trưởng dự kiến giảm về 290.000 thùng/ngày từ năm 2024 đến năm 2028.
"Sự thay đổi chưa từng thấy đối với dòng chảy thương mại toàn cầu, việc giải phóng kho dự trữ xăng dầu chiến lược của các thành viên IEA vào năm ngoái đã làm đầy kho dự trữ của ngành, giải tỏa căng thẳng trên thị trường trong bối cảnh nhu cầu tăng cao", IEA bình luận.
Sự thay đổi chưa từng thấy đối với dòng chảy thương mại toàn cầu, việc giải phóng kho dự trữ xăng dầu chiến lược của các thành viên IEA vào năm ngoái đã làm đầy kho dự trữ của ngành, giải tỏa căng thẳng trên thị trường trong bối cảnh nhu cầu tăng cao
IEA
Theo ước tính của IEA, năng lực cung ứng toàn cầu sẽ tăng 5,9 triệu thùng/ngày lên 111 triệu thùng/ngày vào năm 2028. Nhưng tốc độ tăng trưởng dự kiến chậm lại trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ suy thoái.
Như vậy, công suất dự phòng sẽ là 4,1 triệu thùng/ngày, chủ yếu ở Saudi Arabia và UAE. Nhưng các nước thành viên OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) có thể muốn giữ giá dầu ở mức cao thông qua cắt giảm sản lượng.
IEA tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về hoạt động đầu tư dầu khí. Hoạt động này có thể đạt 528 tỷ USD trong năm nay, đánh dấu mức cao nhất kể từ năm 2015. Con số này đủ để đáp ứng nhu cầu và thậm chí còn vượt qua "mức cần thiết trong một thế giới đang hướng tới phát thải ròng bằng 0".
"Các doanh nghiệp sản xuất dầu cần chú ý đến sự thay đổi ngày càng nhanh, và hiệu chỉnh quyết định đầu tư của mình nhằm đảm bảo quá trình chuyển đổi có trật tự", ông Birol nhấn mạnh.
Tăng tốc thay thế nhiên liệu hóa thạch
Nói với CNBC, bà Toril Bosoni - Trưởng bộ phận thị trường và ngành dầu mỏ tại IEA - cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu sau dịch Covid-19 và xung đột ở Ukraine đã đẩy nhanh quá trình thay thế nhiên liệu hóa thạch.
"Chúng ta đang chứng kiến đà tăng trưởng và nhu cầu mạnh mẽ đối với dầu mỏ trong năm nay, bởi đây là giai đoạn cuối cùng của quá trình phục hồi hậu đại dịch", bà nhận định.
"Nhưng trong trung hạn, chúng ta sẽ bắt đầu nhận thấy những thay đổi về giá cả do chính sách của các chính phủ trên toàn cầu, hành vi tiêu dùng thay đổi và những lý do khác", bà nói thêm.
Trong một báo cáo mang tính bước ngoặt năm 2021, IEA đã kêu gọi dừng đầu tư mới vào phát triển dầu, khí đốt và than nếu muốn thế giới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Nhưng động thái này đã bị các nước thành viên OPEC+ chỉ trích. Thay vào đó, những quốc gia này ủng hộ đầu tư kép vào hydrocacbon và năng lượng tái tạo, cho đến khi năng lượng xanh có thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu tiêu dùng toàn cầu.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.