Trong năm 2020, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai quy hoạch sử dụng đất cho 88 dự án hạ tầng với tổng diện tích hơn 1.300 ha. Các dự án hạ tầng kỹ thuật gồm đường giao thông, hệ thống thoát nước, trường học, cơ sở y tế, chợ, thủy lợi...
Trong đó, đất dành để làm các công trình giao thông lớn nhất với 35 dự án có diện tích gần 1.100 ha, tiếp đến là đất dành để xây dựng trường học, cơ sở giáo dục đào tạo với 140 ha của 20 dự án.
Bên cạnh đó, huyện Nhơn Trạch dự tính thu hồi hơn 1.100 ha đất để triển khai 73 công trình hạ tầng kỹ thuật trên các lĩnh vực. Các dự án còn lại đang trong quá trình hoàn tất thủ tục, hồ sơ để thu hồi đất và xây dựng. Đây là địa phương đứng thứ hai của tỉnh về việc có nhiều dự án giao thông quan trọng cần diện tích lớn để thực hiện.
Nhiều dự án khu đô thị tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai bị bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh: Lê Quân. |
Tại huyện Nhơn Trạch, một số dự án bất động sản lớn đang xây dựng hạ tầng, nhà ở gồm: dự án Hoa Sen Đại Phước ở xã Đại Phước, đơn vị đầu tư là Tập đoàn Nam Long; dự án Khu đô thị Đông Sài Gòn do Công ty CP Đầu tư Nhơn Trạch triển khai; dự án Khu dân cư Đại Phước ở thị trấn Hiệp Phước đang hoàn thiện nhà và bàn giao cho khách hàng; dự án Khu đô thị mới Nhơn Trạch chủ đầu tư là Tổng công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng - DIC; dự án Thăng Long Home ở thị trấn Hiệp Phước của Công ty CP Tập đoàn đầu tư Thăng Long...
Tính đến cuối năm 2019, Nhơn Trạch có gần 220 dự án thuộc các lĩnh vực khu dân cư, bến bãi, cầu cảng, dịch vụ du lịch, giáo dục… được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, việc triển khai nhiều dự án còn chậm so với tiến độ, nhiều dự án dân cư chậm triển khai, xin gia hạn nhiều lần.
Thời gian gần đây, Nhơn Trạch lại nổi lên với công trình giao thông cầu Cát Lái thay phà, nối Nhơn Trạch với quận 2, TP HCM, dự kiến khởi công trong năm nay. Tổng mức đầu tư dự án hơn 7.200 tỷ đồng, được kỳ vọng tháo gỡ điểm nghẽn về trung tâm đô thị "ma" đã tồn tại gần 20 năm.
Theo quy hoạch, đến năm 2025, huyện Nhơn Trạch sẽ có 33 bến cảng bao gồm cảng biển và cảng cạn. Trong đó, quy mô lớn nhất là khu bến cảng Phước An (trên sông Thị Vải), bến cảng Phú Hữu (sông Đồng Nai và sông Lòng Tàu - Nhà Bè), khu bến cảng Ông Kèo (sông Lòng Tàu và sông Đồng Tranh), cảng cạn Tân Cảng, Song Thương...