AFP dẫn lời nhà báo Mahbouba Saraj phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, trụ sở tại Geneva, hôm 12/9 rằng cô “phát ốm và mệt mỏi” khi liên tục cảnh báo về việc quyền của phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt ở Afghanistan, bị xói mòn nhưng lại không chứng kiến hành động mạnh mẽ nào.
“Phụ nữ Afghanistan giờ đây phụ thuộc vào lòng thương xót, rơi vào tay một nhóm chống phụ nữ và không công nhận phụ nữ là con người”, Razia Sayad - luật sư và là cựu ủy viên tại Ủy ban Nhân quyền Độc lập Afghanistan - nói với hội đồng.
Cô Saraj đồng tình với ý kiến này. “Phụ nữ tại Afghanistan chúng tôi không tồn tại. Chúng tôi bị xóa sổ”, cô nói.
Cuộc sống phụ nữ Afghanistan đảo lộn hoàn toàn kể từ khi Taliban lên nắm quyền. Ảnh: Wall Street Journal. |
Nhà hoạt động kêu gọi cơ quan nhân quyền hàng đầu Liên Hợp Quốc thực hiện mọi hành động có thể để cải thiện tình hình. “Tôi khẩn nài mọi người. Nếu hội đồng này có thể làm gì đó, hãy thực hiện nó”, cô Saraj nói.
Ngoài ra, cô và nhiều người khác đề nghị hội đồng thành lập nhóm chuyên gia độc lập để giám sát tất cả vụ lạm dụng nhằm tìm ra thủ phạm.
Richard Bennett - báo cáo viên đặc biệt về tình hình nhân quyền ở Afghanistan - cũng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết trong tăng cường trách nhiệm giải trình, cho rằng tình hình ở nước này có thể mô tả tương tự “phân biệt giới tính có hệ thống”.
Trước đó, ông Bennett cũng trình bày báo cáo đầu tiên về tình hình nhân quyền tổng thể tại đây, cảnh báo "người Afghanistan đang bị mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng mà cả thế giới dường như bất lực trong việc giải quyết".
Ngoài "sự thụt lùi đáng kinh ngạc" về quyền phụ nữ và trẻ em gái, ông còn liệt kê hàng loạt các vi phạm khác, bao gồm cả đàn áp Hazara và các nhóm người Shiite khác.
Hơn một năm kể từ khi Taliban lên nắm quyền, cuộc sống của phụ nữ Afghanistan hoàn toàn thay đổi. Quyền lợi và sự tự do của họ bị bóp nghẹt khi lực lượng này từ chối cho nữ giới đi học, cấm phụ nữ đi làm và buộc họ phải trùm khăn che mặt.