Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhóm nhà khoa học từng trầy trật tìm nguồn tài trợ phát triển vaccine

Tôi đã dành nhiều thời gian để đảm bảo nguồn tài chính. Lúc đó, tiền là mối bận tâm chính, vì nó rất có thể là lý do khiến chúng tôi thất bại trong bào chế vaccine.

Ngày 13/1 đến 21/4/2021.

Số ca bệnh được xác nhận: 60-2,57 triệu.

Số ca tử vong được xác nhận: 1-183.458.

“Tiền đến từ đâu?”, Cath hỏi. Đã một vài ngày căng thẳng trôi qua và đây là một câu hỏi hợp lý. Thời điểm này, không hề có tiền.

“Chúng ta là những người có thể làm được điều này”, tôi nói. “Dù sao thì chúng ta cũng vẫn phải làm việc đó và tìm cách xoay sở tiền sau”.

Đó là vào đầu tháng ba. Từ tháng một đến tháng tư, chúng tôi và thế giới đã hiểu được sự nghiêm trọng của những gì đang xảy ra, cuộc sống đã thay đổi theo những cách mà trước đây chưa bao giờ tưởng tượng nổi. […]

Vào tháng một, Tess và tôi chỉ quan tâm việc có thể bào chế một loại vaccine chống lại một mầm bệnh hoàn toàn nhanh đến mức nào - đồng thời cũng hiểu rằng nó có thể không hơn gì một bài rèn luyện trí óc. Đến giữa tháng tư, cả thế giới đều muốn biết điều đó.

Tôi đã dành rất nhiều thời gian trong những tuần mỗi lúc càng kỳ lạ ấy để cố gắng đảm bảo nguồn tài chính mà chúng tôi cần. Thời điểm này, tiền là mối bận tâm chính của tôi, vì nó rất có thể sẽ trở thành lý do khiến chúng tôi thất bại trong việc bào chế vaccine.

Rất may, điều tồi tệ nhất của vụ đầu tư rất căng thẳng này đã kết thúc vào cuối tháng tư: Đến thời điểm đó, chúng tôi đã có hơn 22 triệu bảng Anh kinh phí cam kết và một đối tác thương mại. Nhưng trong những tháng đầu tiên đó, tôi không thể nghĩ đến những điều khác, cả ngày lẫn đêm.

Chúng tôi không thể chờ đợi kinh phí nghiên cứu được cấp - điều mà bạn sẽ hiểu từ những chương trước rằng quá trình này có thể chậm chạp và không chắc chắn đến mức nào. Vì vậy, chúng tôi quyết định rằng vẫn phải tiếp tục, tiêu số tiền mà chúng tôi chưa có, và có thể không bao giờ có. Và chúng tôi xin lỗi chứ không xin phép.

Tôi đã không ngủ được mấy trong suốt thời gian đó và phải cân bằng giữa nhiều công việc. Phần lớn ký ức về giai đoạn này khá mờ nhạt. Nhưng tôi nhớ rằng vào thứ bảy, ngày 8/2, khi bắt đầu viết đơn gửi cơ quan chính phủ về Nghiên cứu và Đổi mới của Vương quốc Anh (UKRI) xin khoản kinh phí chỉ hơn 2 triệu bảng Anh để tài trợ cho việc sản xuất vaccine cho các thử nghiệm lâm sàng đầu tiên, tôi thực sự đã “nhiễm xạ”.

Ý tôi không phải là đang “bốc cháy” hay “đang ở tình trạng tốt nhất”. Tôi thực sự bị nhiễm xạ. Tôi phải trải qua một quy trình chẩn đoán trong đó yêu cầu nuốt một viên axit mật được đánh dấu phóng xạ. […]

Tai tro nghien cuu anh 1

TS Catherine Green và GS Sarah Gilbert. Ảnh: Lewis Khan.

Thực ra, gây quỹ là công việc chính của tôi trong nhiều năm. Khi mọi người nghĩ về các nhà khoa học, tôi nghĩ họ tưởng tượng chúng tôi đang cúi xuống những thiết bị phức tạp trong phòng thí nghiệm, hoặc chăm chú nhìn vào một ống nghiệm. Tôi từng như vậy, và vẫn thường ước là mọi chuyện sẽ vẫn như vậy.

Tôi đã tận hưởng nhiều chiến thắng nhỏ mỗi tuần trong phòng thí nghiệm - tạo ra một hình ảnh hoàn hảo về DNA mà tôi vừa tạo và cắt ra, hoặc ghi nhận các con số xuất hiện chính xác như tôi mong đợi khi chuẩn độ virus.

Tôi đã được đào tạo trong nhiều năm để trở nên thực sự giỏi trong việc “làm khoa học”, và tôi cũng giỏi đào tạo để người khác cũng giỏi việc đó. Nhưng đến đầu năm 2020, tôi đã không làm việc trong phòng thí nghiệm được hơn 10 năm.

Những gì tôi thực sự dành thời gian của mình để làm những ngày này chủ yếu là mang tiền về. Tôi được Đại học Oxford tuyển dụng để tiến hành nghiên cứu chứ không phải giảng dạy cho cử nhân.

Điều này có nghĩa là tôi phải đảm bảo số tiền để tài trợ cho nghiên cứu đó. Tôi phải tìm cách trang trải chi phí cho trang thiết bị và vật liệu chúng tôi sử dụng trong phòng thí nghiệm, như bình nuôi cấy mô hoặc môi trường sinh trưởng để nuôi cấy tế bào. Tôi phải trả một khoản phí trần để vận hành các tòa nhà mà chúng tôi làm việc tại đó, và các khoản tương tự…

Tôi cũng phải trang trải tiền lương của chính mình và lương của những người làm việc trong nhóm: Chủ yếu là bác sĩ lâm sàng và nghiên cứu viên trong phòng thí nghiệm, nhưng cũng có ba người quản lý dự án toàn thời gian và có một chuyên viên về hợp đồng, để giúp đảm bảo nguồn tài chính, theo dõi và báo cáo cho các nhà tài trợ chúng tôi.

Về cơ bản, mỗi nhóm nghiên cứu giống như một doanh nghiệp nhỏ hoặc một tổ chức từ thiện. Nó bao gồm một nhóm người làm việc với một tập hợp các dự án, người đứng đầu nhóm nghiên cứu (còn được gọi là nghiên cứu viên chính) phải tìm ra kinh phí để duy trì công việc cho mọi người trong nhóm. Điều này gây ra căng thẳng và thất vọng lớn cho các nghiên cứu viên, và có thể phản tác dụng đối với chính sự nghiệp nghiên cứu khoa học. […]

Kiếm được nguồn kinh phí trong lúc bình thường cũng đã là một công việc tiêu tốn thời gian và không hề đơn giản. Soạn thảo các hồ sơ xin tài trợ rất phức tạp, quá trình này thường mất một năm để hoàn thành và cơ hội thành công luôn chưa đến một phần ba.

Các hội đồng nghiên cứu và những nhà tài trợ khác - trong lĩnh vực của tôi, về cơ bản có nghĩa là CEPI, Wellcome Trust, URKI và cho đến gần đây là EU - sẽ đưa ra “lời kêu gọi nộp đơn xin tài trợ”, mời các hồ sơ về một lĩnh vực cụ thể trong một khoảng thời hạn định trước. […]

Mọi người có thể nghĩ rằng sự nghiệp khoa học là rất ổn định. Nhưng thực tế, làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu học thuật có thể cực kỳ bấp bênh. Một khoản tài trợ có thể trang trải cho một dự án kéo dài từ 1 đến 5 năm. Nhưng trường đại học chỉ cho phép chúng tôi tuyển các vị trí cho dự án đã có tiền. […]

Với lượng thời gian phải dành để tìm kiếm kinh phí viết bài và tham dự các cuộc họp trên khắp thế giới để nghe những phát triển mới nhất (để nâng cao năng lực bản thân), rất hiếm khi một nghiên cứu viên chính như tôi có thể tiếp tục với bất kỳ công việc nào trong phòng thí nghiệm.

Tại nhiều thời điểm khác nhau trong thập niên trước đại dịch, tôi đã rất hối tiếc về điều này. Nhưng đến đầu năm 2020, tôi không còn nghĩ vậy. Thay vào đó, tôi xem khoảng thời gian vật lộn với sự phức tạp và thất vọng của những năm tháng xin tài trợ như một khóa đào tạo quan trọng.

Nếu không có kinh nghiệm đó, tôi sẽ không bao giờ có thể vượt qua mê cung tài trợ quái ác xuất hiện đầu năm 2020 và thực hiện dự án vaccine của chúng tôi cho đến nay nhanh đến vậy.

Sarah Gilbert và Catherine Green / NXB Thế giới và Medinsights

SÁCH HAY