Các tình nguyện viên của Lực lượng Phòng thủ Dân sự Syria làm việc tại một khu vực bị thiệt hại do động đất. Ảnh: Reuters. |
Ngày 12/2, một phát ngôn viên Liên Hợp Quốc cho biết viện trợ động đất của chính phủ Syria cho lãnh thổ do lực lượng đối lập kiểm soát đã bị trì hoãn. Điều này xảy ra do vấp phải sự ngăn cản của nhóm khủng bố Hayat Tahrir al-Sham (HTS), theo Reuters.
Văn phòng viện trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc nói với Reuters rằng “có vấn đề với sự chấp thuận” của HTS, nhưng không cung cấp thêm thông tin.
Phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc tại Damascus từ chối bình luận, chỉ chia sẻ rằng sẽ “tiếp tục làm việc với các bên liên quan để có quyền tiếp cận vào khu vực này”.
Văn phòng truyền thông của HTS chưa phản hồi yêu cầu bình luận.
Một nguồn tin của HTS tại Idlib cho biết HTS sẽ không cho phép bất kỳ chuyến hàng nào đến từ khu vực do chính phủ Syria kiểm soát. Nhóm chỉ chấp nhận viện trợ đến từ Thổ Nhĩ Kỳ về phía Bắc.
“Thổ Nhĩ Kỳ đã mở tất cả con đường. Chúng tôi sẽ không cho phép họ (chính phủ Syria) lợi dụng tình hình để cho thấy họ đang giúp đỡ”, nguồn tin tiết lộ với Reuters.
Tình trạng đối đầu tại Syria là một thách thức đối với các nhân viên cứu trợ.
Một đoàn xe của người Kurd ở Đông Bắc Syria chở nhiên liệu và viện trợ đã buộc phải quay đầu khi tới khu vực Tây Bắc. Đây là lãnh thổ nằm dưới sự quản lý của các phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, theo Reuters.
Đặc phái viên của Liên minh châu Âu tại Syria Dan Stoenescu hôm 12/2 đã kêu gọi các nhà chức trách ở Damascus “tham gia một cách thiện chí” với các nhân viên cứu trợ để giúp đỡ những người gặp khó khăn.
“Điều quan trọng là cho phép tiếp cận không bị cản trở, để viện trợ đến tất cả khu vực cần thiết”, ông Stoenescu nói.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.