Thu thập thông tin về hoạt động quân sự, các chương trình nghiên cứu vũ khí của đối phương là một trong những ưu tiên hàng đầu của tình báo các nước. Trong những năm Chiến tranh Lạnh, do tính chất phức tạp của cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Liên Xô, hoạt động tình báo và phản gián giữa hai bên diễn ra vô cùng phức tạp và khốc liệt.
Liên Xô và Mỹ đều tung hàng loạt điệp viên xâm nhập vào mạng lưới quân sự, các tổ chức chính phủ để thu thập thông tin. Trong đó, Liên Xô đã tổ chức nhiều nhóm điệp viên hoạt động rất tinh vi.
Ngoài các điệp viên hoạt động dưới vỏ bọc ở cơ quan ngoại giao, còn gọi là điệp viên chính thức, Liên Xô rất thành công trong việc xây dựng các điệp viên mang quốc tịch nước sở tại, hay điệp viên không chính thức nên rất khó phát hiện.
Nổi bật trong đó là nhóm điệp viên Portland hoạt động tại Anh từ những năm 1950 cho đến khi bị lộ vào năm 1961. Portland là nhóm điệp viên không chính thức nổi tiếng nhất Chiến tranh Lạnh, việc phát hiện ra nhóm này cho thấy quy mô và tính chất phức tạp trong hoạt động tình báo của Liên Xô.
Bí mật bên trong hiệu sách
Theo Politico, Portland có 5 thành viên gồm, Harry Houghton, Ethel Gee, Gordon Lonsdale và cặp vợ chồng Morris Cohen và Lona Cohen (hai người này hoạt động dưới tên giả là Peter Kroger và Helen Kroger).
Harry Houghton, sinh ra ở Lincoln, Anh. Ông từng là thành viên của Hải quân Hoàng gia Anh trong Thế chiến II. Sau chiến tranh, ông gia nhập lực lượng dân sự và đi cùng các nhân viên hải quân của Đại sứ quán Anh ở Warsaw, Ba Lan. Trong quá trình công tác ở Ba Lan, Houghton đã được các điệp viên Liên Xô chiêu mộ.
Cặp tình nhân Houghton và Gee trong một lần chụp chung hiếm hoi với chiếc ôtô của họ. Ảnh: Archant. |
Năm 1952, Houghton được bổ nhiệm làm việc tại Cơ sở thực nghiệm vũ khí dưới nước của Hải quân Hoàng gia Anh ở thành phố Portland (tên gọi Nhóm Portland xuất phát từ đây). Tại đây, Houghton đã móc nối với Gee, sau này là người tình của ông ta. Gee là nhân viên khai thuế và xử lý các tài liệu mà Houghton không được phép tiếp cận.
Trong nhóm Portland, Houghton và Gee là hai người cung cấp thông tin chính về các vũ khí và chiến lược tác chiến chống ngầm của Hải quân Hoàng gia Anh. Cặp tình nhân Houghton và Gee thường xuyên đến London để gặp Gordon Lonsdale (tên thật là Konon Molody), điệp viên của Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô (KGB).
Lonsdale là chỉ huy của Portland hoạt động dưới vỏ bọc là doanh nhân người Canada. Ông ta thường bí mật gặp các điệp viên KGB thông qua các chuyến công du nước ngoài để tìm đối tác làm ăn. Cặp vợ chồng Kroger sở hữu một hiệu sách cổ ở số 45 đường Cranley Drive, Ruislip ở Middlesex. Lonsdale thường xuyên đến đây để đọc và trao đổi sách nhưng thực chất là để giao các tài liệu mật cho vợ chồng Kroger.
Nhóm Portland được vận hành như sau, Houghton và Gee thu thập các tài liệu kỹ thuật, hình ảnh về các vũ khí của Anh và chuyển cho Lonsdale. Ông này lại chuyển cho cặp vợ chồng Kroger thông qua hình thức trao đổi sách.
Cặp vợ chồng Kroger mã hóa các tài liệu và giấu chúng bên trong các cuốn sách để chuyển về Moscow. Ngoài ra, cặp vợ chồng Kroger còn chịu trách nhiệm liên lạc vô tuyến với các chỉ huy KGB ở Moscow.
Bị đồng đội phản bội
Hoạt động của nhóm Portland diễn ra suôn sẻ trong nhiều năm mà không để lộ bất kỳ sơ hở nào. Tuy nhiên, năm 1959, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nhận được thông tin mật từ một điệp viên hai mang có bí danh “Sniper” Michael Goleniewski, Phó trưởng phòng Phản gián quân đội Ba Lan, điệp viên cho chính phủ Liên Xô. Sniper tiết lộ cho CIA rằng Liên Xô đã cài điệp viên vào Cơ sở thực nghiệm vũ khí dưới nước của Hải quân Hoàng gia Anh.
Thông tin mà Sniper cung cấp được CIA chuyển cho Cơ quan An ninh Vương quốc Anh (MI5). Sau quá trình sàng lọc, MI5 liệt kê Harry Houghton vào diện tình nghi. Houghton đã mua chiếc ôtô thứ 4, tậu một ngôi nhà mới, trong khi bản thân Houghton được biết đến là một người nghiện rượu và những thứ ông ta mua được vượt quá thu nhập hàng tháng.
Hiệu sách cổ ở số 45 Cranley Drive, nơi Nhóm Portland chuyển thông tin thu được về Moscow. Ảnh: Wikipedia. |
MI5 đặt Houghton dưới sự giám sát, họ cũng theo dõi người tình của ông ta là Gee. Qua quá trình theo dõi, MI5 phát hiện cặp tình nhân thường xuyên đến London để gặp Gordon Lonsdale, nơi họ chuyển cho ông ta tài liệu mật về hệ thống vũ khí của Anh.
Lonsdale lại thường xuyên đến căn nhà số 45 đường Cranley Drive, Ruislip ở Middlesex để thăm hiệu sách của vợ chồng Kroger. Quá trình liên lạc và trao đổi thông tin của nhóm diễn ra rất hoàn hảo. Nếu chính điệp viên Liên Xô không tiết lộ, MI5 có thể còn mất nhiều thời gian mới phát hiện ra nhóm điệp viên này.
Tháng 7/1961, Houghton, Gee và Lonsdale đang gặp nhau ở London để chuyển giao các tài liệu mật thì các nhân viên đặc nhiệm của Cảnh sát Anh do George Gordon Smith chỉ huy bất ngờ ập vào. Túi xách của Gee chứa một số đoạn phim, hình ảnh và một số tài liệu chi tiết về HMS Dreadnought (S101), tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Anh.
Sau đó, Smith cùng 2 sĩ quan khác đến căn nhà 45 đường Cranley Drive. Họ nói với Krogers rằng đang điều tra một vụ trộm ở địa phương. Krogers sớm nhận ra điều chẳng lành và định tìm cách phá hủy các “microdots”, thiết bị lưu trữ dữ liệu siêu nhỏ thường dùng trong các hoạt động tình báo nhưng đã bị Smith phát hiện và ngăn chặn.
Krogers giấu các microdots trong những cuốn sách và chuyển chúng về Moscow thông qua hình thức mua bán sách. MI5 sau đó tìm thấy nhiều thiết bị phục vụ cho hoạt động gián điệp, bao gồm cả máy thu phát sóng vô tuyến tầm xa để liên lạc với Moscow.
Houghton và Gee bị kết án 15 năm và được trả tự do vào năm 1970 và kết hôn một năm sau đó. Peter Kroger bị kết án 20 năm tù giam. Năm 1969, ông được trao đổi với điệp viên Anh Gerald Brooke bị Liên Xô bắt giữ. Qua sự kiện này, Moscow đã chính thức công khai thừa nhận họ hoạt động gián điệp cho Liên Xô.
Lonsdale, chỉ huy nhóm Portland bị kết án 25 năm tù giam. Năm 1964, ông được trao đổi với điệp viên Anh Greville Wynne bị Liên Xô bắt giữ. MI5 tin rằng nhóm Portland có hơn 5 thành viên, trong đó có một số nhân viên thuộc Đại sứ quán Liên Xô và Ba Lan, những người được miễn truy tố theo Công ước Vienna về miễn trừ ngoại giao.