Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới tham gia cuộc hội đàm chung với các thành viên trong nhóm "Bộ tứ". “Bộ tứ” là nhóm không chính thức gồm các nước Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia.
Đại diện từ 4 nước dân chủ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã thảo luận về “nhu cầu cấp bách cần khôi phục chính phủ dân cử tại Myanmar và ưu tiên thúc đẩy dân chủ trên diện rộng”, Channel NewsAsia dẫn thông báo từ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi hôm 18/2 cũng cho biết ông nhất trí với quan điểm của nhóm “Bộ tứ”. Ông Motegi cho rằng chính quyền dân chủ cần nhanh chóng được khôi phục tại Myanmar.
Trong một diễn biến khác, trước đó vài giờ, Bộ Ngoại giao Anh và Canada lần lượt tuyên bố áp lệnh cấm vận đối với nhiều tướng lĩnh, quan chức quân đội Myanmar liên quan đến cuộc chính biến.
Hàng loạt cuộc biểu tình đang diễn ra nhằm phản đối quân đội cầm quyền. Ảnh: AP. |
“Chúng tôi, cùng các đồng minh quốc tế, sẽ yêu cầu quân đội Myanmar phải chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm nhân quyền, đồng thời thực thi công lý dành cho người dân Myanmar”, Ngoại trưởng Anh Dominic Rabb tuyên bố.
Tuần trước, Washington cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với quân đội Myanmar. Nước này còn kêu gọi các thành viên khác trong Liên Hợp Quốc đưa ra động thái tương tự.
Ngân hàng Thế giới hôm 18/2 cho biết họ đang có “lập trường thận trọng hơn” đối với các cam kết cùng Myanmar. Chủ tịch David Malpass nói Ngân hàng Thế giới hiện không thực hiện dự án nào tại Myanmar.
Quân đội Myanmar lên cầm quyền từ ngày 1/2 sau khi bắt giữ nhiều nhà lãnh đạo dân cử, bao gồm Cố vấn Quốc gia Aung San Suu Kyi.
Quân đội còn ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm, cáo buộc cuộc bầu cử hồi tháng 11/2020 là gian lận. Uỷ ban Bầu cử Myanmar đã bác bỏ cáo buộc này. Hàng loạt cuộc biểu tình đang diễn ra nhằm phản đối quân đội cầm quyền.