Nhóm tự xưng là "Myanmar Hackers" đã xâm nhập và gây rối loạn một số trang mạng chính phủ của nước này vào ngày 18/2.
Trong các trang mạng bị tấn công có cổng thông tin của Ngân hàng Trung ương Myanmar, trang tuyên truyền thân quân đội True New Information Team và trang thông tin của đài truyền hình thân quân đội MRTV.
"Chúng tôi đấu tranh vì công lý tại Myanmar", nhóm tuyên bố trên tài khoản mạng xã hội. "Đây là một cách biểu tình quy mô lớn của nhân dân phản đối các trang mạng chính phủ".
Nhóm này còn công bố những đường dẫn để người dùng mạng tham gia tấn công làm quá tải các trang thông tin chính phủ.
Theo chuyên gia an ninh mạnh Matt Warren, Đại học RMIT của Australia, người biểu tình tấn công các trang mạng chính phủ chủ yếu nhằm gây tiếng vang. Đây là mô hình "hoạt động xã hội tin tặc" (hacktivism).
"Tác động sẽ rất hạn chế nhưng chủ yếu họ muốn được mọi người biết đến", ông bình luận.
Người dân Myanmar chặn đường trong một cuộc biểu tình ngày 15/2 ở Myanmar. Ảnh: Getty. |
Người dân Myanmar đã bước qua tuần thứ 3 biểu tình phản đối chính phủ do quân đội lãnh đạo, kể từ sau cuộc chính biến ngày 1/2. Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng nhiều nhân vật trong đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) bị quân đội bắt giữ.
Tại một số thành phố lớn, người dân đậu xe ôtô chặn giao thông để biểu tình. Đã có hàng trăm nghìn người tham gia những cuộc tuần hành với quy mô từ lớn đến nhỏ những tuần qua, bao gồm nhân viên ngân hàng, kỹ sư, sinh viên và nông dân.
Tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai Myanmar, công nhân đường sắt còn đình công, chặn tàu để phản đối tình trạng khẩn cấp toàn quốc. Lực lượng an ninh đã nổ súng để giải tán người biểu tình, khiến ít nhất 1 người bị thương. Chính phủ quân đội cũng ban bố lệnh cấm tụ tập đông người và bắt giữ gần 500 trường hợp.
Theo Guardian, chính phủ quân đội đang soạn thảo một đạo luật hình sự hóa nhiều hoạt động biểu tình trên mạng. Nhà chức trách Myanmar dự kiến siết chặt giám sát hoạt động trên mạng của người dân trong thời gian tới.
Quân đội tiếp tục cắt mạng trên diện rộng vào khoảng 1h ngày 18/2, theo tổ chức NetBlocks. Các trang mạng xã hội như Facebook và Twitter cũng bị chặn tại Myanmar, ngăn cản người biểu tình tổ chức tụ tập.