Trước khi nhà lãnh đạo 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia họp trực tiếp tại Tokyo ngày 24/5, vấn đề Đài Loan đã "dậy sóng" sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 23/5 tuyên bố sẵn sàng dùng vũ lực để bảo vệ hòn đảo.
Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo “Không một ai nên đánh giá thấp quyết tâm kiên định, ý chí sắt đá và năng lực mạnh mẽ của nhân dân Trung Hoa trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”.
Dù Nhà Trắng khẳng định tuyên bố của ông Biden không phản ánh sự thay đổi trong chính sách của Mỹ với hòn đảo, vấn đề Đài Loan nhiều khả năng trở thành chủ đề chính được thảo luận trong hội nghị lãnh đạo 4 nước Bộ Tứ ngày 24/5.
Ngoài ra, an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chiến sự tại Ukraine, chương trình vũ khí của Triều Tiên và hành động của Trung Quốc tại khu vực sẽ được thảo luận sâu tại cuộc họp, theo CNN.
Cuộc họp này cũng sẽ kết thúc chuyến công du đầu tiên của ông Biden tại châu Á trong nhiệm kỳ tổng thống.
Bộ Tứ được thành lập khi nào?
Nhóm Bộ Tứ hiện tại được thành lập năm 2007 và tổ chức cuộc họp đầu tiên vào tháng 5 cùng năm.
Vài tháng sau cuộc họp đầu tiên, trong bài phát biểu, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Abe Shinzo đã đưa ra tầm nhìn về một “châu Á rộng lớn hơn”. Ông đề cập đến mạng lưới trải dài toàn bộ Thái Bình Dương, kết hợp với Mỹ và Australia.
Các quốc gia chia sẻ “những giá trị cơ bản” như tự do và dân chủ, cùng những lợi ích chiến lược, ông nói.
Từ trái sang, Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại hội nghị các nước Bộ Tứ ở Tokyo ngày 24/5. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, sáng kiến này đã tan rã vào năm 2008 khi Australia rút khỏi nhóm để theo đuổi quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Được tái khởi động vào năm 2017, Bộ Tứ ngày càng chủ động và có nhiều cuộc đối thoại cấp cao. Lãnh đạo các nước đã họp trực tuyến vào tháng 3/2021, trước khi lần đầu gặp trực tiếp vào tháng 11 cùng năm.
Một quan chức cấp cao Mỹ nhấn mạnh Bộ Tứ là “cuộc họp không chính thức”, song gọi đây là “một hình thức quan trọng”, nói thêm “chúng tôi đang tăng cường phối hợp hàng ngày”.
Bộ Tứ hoạt động ra sao?
Dù cơ chế này đôi khi bị gọi là “NATO của châu Á”, Bộ Tứ không phải liên minh quân sự chính thức, mà là diễn đàn đối thoại chiến lược, trao đổi thông tin và diễn tập quân sự.
Bộ Tứ không có những hiệp định quân sự giống NATO, chẳng hạn điều luật phòng vệ tập thể - khi tấn công một nước đồng nghĩa với việc tấn công toàn bộ thành viên.
Nhóm này cũng không tập trung vào một lĩnh vực cố định như quân sự và an ninh kiểu NATO. "Do đó, nó có thể dễ thay đổi và phản ứng với đa dạng lĩnh vực như vaccine hay kinh tế”, Cleo Paskal, thành viên cấp cao về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Quỹ Bảo vệ các nền dân chủ, cho biết. Các thành viên Bộ Tứ từng hợp tác chống Covid-19 và thiên tai, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Tuy vậy, an ninh và mục tiêu của một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” mới là mối quan tâm chính, với việc 4 nước thường xuyên nhấn mạnh các mối đe dọa từ khủng bố, thông tin sai lệch và tranh chấp lãnh thổ.
Hợp tác quân sự cũng tăng lên những năm gần đây, với việc Australia tham gia cuộc tập trận Malabar với 3 nước còn lại, đánh dấu lần đầu tiên cả 4 thành viên Bộ Tứ cùng tập trận kể từ năm 2007.
Bên trong phòng họp của lãnh đạo cùng quan chức 4 nước Bộ Tứ ngày 24/5. Ảnh: Reuters. |
Đối trọng của Trung Quốc
Bộ Tứ được coi là đối trọng với một Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực, và cả 4 nước đều có những vấn đề với Bắc Kinh trong những năm qua.
Quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc xấu đi kể từ tháng 5/2020 khi quân đội hai nước đụng độ nhau ở biên giới chung trên dãy Himalaya.
Australia và Trung Quốc vướng vào nhiều tranh chấp và căng thẳng thương mại khi Canberra yêu cầu điều tra về nguồn gốc Covid-19. Với Nhật Bản, nước này vốn tranh chấp với Trung Quốc về các hòn đảo ở biển Hoa Đông trong nhiều năm.
Quan hệ Mỹ - Trung đã xấu đi kể từ khi thương chiến nổ ra năm 2018, sau đó là những cáo buộc qua lại về đại dịch Covid-19 và hoạt động của quân đội ở những vùng biển Thái Bình Dương.
Vị trí chiến lược của mỗi nước Bộ Tứ đã khiến Bắc Kinh lo ngại nguy cơ bị “bao vây”, khi 4 nước bao phủ một vùng rộng lớn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trung Quốc nhiều lần lên án nhóm này là “bè phái” chống Trung Quốc, và mang tâm lý Chiến tranh Lạnh.
“Sự trỗi dậy của Trung Quốc là hiện tượng toàn cầu không chỉ liên quan đến các nước láng giềng, mà còn là an ninh hàng hải trên Biển Đông, eo biển Malacca và Ấn Độ Dương”, Ken Jimbo, giáo sư khoa quản lý chính sách tại Đại học Keio (Nhật Bản), cho biết.
Hồi tháng 4, Trung Quốc công bố hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon khiến Mỹ, Australia và New Zealand phản đối kịch liệt. Những nước này lo ngại Trung Quốc sẽ xây dựng căn cứ quân sự trên quốc đảo này, dù nhà lãnh đạo Solomon khẳng định sẽ không để điều đó xảy ra.
Dù vậy, giới quan sát nhận định hiệp ước an ninh sẽ khiến Quần đảo Solomon thêm bất ổn, khi nhiều cuộc biểu tình ở nước này đã nổ ra phản đối chính phủ thân thiết với Bắc Kinh.