Tuần trước, bà Donata Zanotti, một nhiếp ảnh gia kiêm giáo viên yoga 46 tuổi, đã làm một việc mà bà chưa từng làm trong suốt 20 năm kể từ khi chuyển đến ngôi nhà mà mình đang sống.
Lần đầu tiên bà nói xin chào với hàng xóm của mình.
Một người đàn ông chơi đàn và hát bên ngoài ban công ở Milan hôm 15/3. Ảnh: Reuters. |
Hiểu hơn về hàng xóm
Milan, trung tâm kinh tế và tài chính của vùng Lombardy, vốn nổi tiếng vì văn hóa lạnh lùng và thờ ơ của những người dân nơi đây, ít nhất là theo tiêu chuẩn Italy. Nhưng trong những ngày này, mọi thứ đã thay đổi. Khi vùng Lombardy chật vật giữa lệnh phong tỏa nghiêm ngặt vì sự bùng phát của dịch Covid-19, những người dân Milan đã trở nên thân thiện và quan tâm đến nhau hơn, mặc dù vẫn phải đứng cách xa nhau.
Hầu hết người dân thành phố đang sống theo kiểu bị quản thúc tại gia. Họ không được ra ngoài, không được gặp bạn bè, trừ khi để mua thuốc men hoặc nhu yếu phẩm. Trường học đã đóng cửa từ ba tuần trước, và các quán bar, cà phê hay nhà hát hoặc phòng gym đều đóng cửa từ cuối tháng hai.
Toàn bộ Lombardy được coi là "vùng đỏ" vào ngày 8/3, và mọi người bên trong không được phép ra ngoài mà không có giấy phép. Tuy nhiên, không giống như Vũ Hán, lệnh phong tỏa Lombardy không hoàn toàn nghiêm khắc, và người dân có thể lên mạng để tải giấy phép này về. Theo đúng như tinh thần Italy - vừa quan liêu vừa dị ứng với việc phải xin phép - người dân Lombardy có thể tự cấp giấy phép cho chính họ.
Những ai có thể làm việc tại nhà thì được yêu cầu làm việc tại nhà. Các cửa hàng đều đóng cửa, ngoại trừ siêu thị, tiệm tạp hóa, hiệu thuốc và đặc biệt là cửa hàng thuốc lá. Người dân được phép tới những cửa hàng này, và cũng có thể ra đường đi bộ "để có hoạt động thể chất ngoài trời", theo trang web của chính phủ.
"Hoạt động ngoài trời được cho phép trên giấy tờ, nhưng đi đâu bây giờ chứ", anh Andrea Paracchino, một nhân viên đồ họa chia sẻ, nói thêm rằng mình và bạn cùng phòng đã không ra khỏi nhà trong 4 ngày qua.
"Nhưng ít nhất là chúng tôi hợp nhau. Tôi không thể tưởng tượng nổi phải trải qua việc này với một người bạn cùng phòng tồi", người đàn ông 32 tuổi nói thêm.
Cha mẹ anh sống ở vùng Piedmont bên cạnh, nhưng Paracchino quyết định sẽ không đến đó vào lúc này.
"Như thế sẽ là vô trách nhiệm. Nhỡ tôi có bệnh mà không có triệu chứng gì thì sao. Tôi không lo về bản thân mình, tôi lo cho người khác", anh nói.
Mặc dù lệnh phong tỏa được áp dụng trên quy mô cả nước, nó được thực hiện chặt chẽ hơn ở vùng Lombardy do nơi đây là tâm dịch - đóng góp phần lớn số ca nhiễm và số trường hợp tử vong.
Nhiếp ảnh gia Zanotti thức dậy vào mỗi 6 giờ sáng, khi thành phố còn đang ngủ, để hạn chế gặp người khác. "Tôi cần khí trời nếu không thì tôi sẽ phát điên", bà chia sẻ.
Đường phố Milan trở nên vắng vẻ, mặc dù người dân vẫn được phép ra đường để mua nhu yếu phẩm, thuốc men và thuốc lá. Ảnh: Reuters. |
Bà cũng hình thành thói quen ra ban công và trò chuyện với những người hàng xóm, vẽ những bức chân dung của họ rồi đăng lên Instagram, và tham dự các khóa thiền trực tuyến để bình tĩnh hơn.
"Trong thời điểm của sự tổn thương tập thể này, người ta cần phải thưởng thức những khoảnh khắc nhỏ nhất của cái đẹp", bà Zanotti nói. Các khu dân cư của Milan, vốn được quy hoạch xung quanh một khoảng không gian chung, cũng giúp cho người dân cảm thấy thuộc về một cộng đồng hơn.
Sẽ như thế này được bao lâu?
Việc ra ban công và cùng hát lên những bài hát truyền thống không chỉ được thực hiện bởi người dân Milan, mà còn diễn ra ở khắp nơi trên đất nước Italy.
Dù mọi người cảm thấy hưng phấn nhất định với sự thân thiết mới mẻ này, có một sự thật là cuộc sống hàng ngày đang trở nên khó khăn hơn.
Các đơn mua hàng trực tuyến đã làm quá tải các cửa hàng bán thực phẩm. Bà Anna Zafesova, 50 tuổi, đã tránh ra ngoài trong cả tuần vừa qua để đảm bảo người chồng 66 tuổi của mình không bị lây nhiễm, cho biết bà phải dành một giờ đồng hồ mỗi ngày để đặt hàng thức ăn.
Khi yêu cầu đặt hàng được xác nhận, bà nhận được thông báo rằng thực phẩm sẽ được chuyển tới nhà mình trong ít nhất là 17 ngày nữa.
"Không phải là chúng tôi sẽ chết đói, nhưng việc có được đồ ăn tươi ngon để khiến mình vui hơn đã trở thành một thách thức thực sự", bà Zafesova chia sẻ.
Lệnh phong tỏa đặc biệt ảnh hưởng đến những người có con nhỏ, vì họ vừa phải làm việc tại nhà vừa trông con.
"Tôi bị kiệt sức", cô Serena Cima, một nhà sinh vật học có con 15 tháng tuổi, chia sẻ. Cô đã làm việc tại nhà trong nhiều tuần qua.
"Mọi người nói rằng việc bị cách ly là cơ hội để dành thời gian cho bản thân, nhưng tôi đã có một lịch trình không ngừng nghỉ trong nhiều tuần", cô cho biết.
Nhiều gia đình không muốn thuê người trông trẻ vì muốn hạn chế tiếp xúc với người ngoài, nhưng Cima đã tìm thấy một người giữ trẻ gần đó, người có thể giúp cô trông con vài tiếng mỗi ngày, và quan trọng nhất là người này có thể đến làm việc mà không phải sử dụng phương tiện công cộng.
Nhà thờ San Simpliciano ở Milan vắng vẻ trong ngày chủ nhật. Ảnh: AP. |
"Tôi may mắn, nhưng điều này lại gây căng thẳng về mặt kinh tế", cô Cima chia sẻ.
Chính phủ đã hoãn thu học phí của hệ thống trường công, nhưng vì con trai của Cima theo học trường tư nên học phí vẫn phải trả.
Nhiều người khác tự hỏi liệu thành phố sẽ chịu đựng được lệnh phong tỏa này trong bao lâu.
"Bây giờ thì chúng tôi đang đoàn kết và hát quốc ca từ cửa sổ nhà mình. Nhưng cuối cùng thì mọi người sẽ bắt đầu thấy lo lắng", bà Zafesova nói.