Đó là một trong số những câu chuyện có thật về hậu quả của tư tưởng trọng nam, quyết sinh được con trai của các gia đình Việt được chia sẻ trong cuốn “Chuyện của đàn ông về con trai” do Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) vừa công bố.
Mất chồng vì thuê osin sinh con trai
Vợ chồng chị H. kết hôn đã 15 năm, có với nhau 2 cô con gái. Anh hiện đang là lãnh đạo của một công ty lớn, có thu nhập tốt ở Hà Nội. Căn nhà anh chị luôn tràn ngập tiếng cười vì các con ngoan ngoãn, khỏe mạnh và học giỏi. Thế nhưng mẹ anh lại không hài lòng vì chưa có cháu đích tôn. Bà thường xuyên yêu cầu con dâu phải đẻ thêm cậu con trai thì mới không cảm thấy có lỗi với ông bà tổ tiên bên nội đồng thời được tự hào với bà con ở quê.
Dù không còn trẻ để dễ dàng sinh nở, nhưng để chiều lòng mẹ chồng, chị H. vẫn tìm đến bác sĩ quen nhờ tư vấn để có con trai. Ai ngờ chị bị tắc cả hai bên ống dẫn trứng, tuổi lại tương đối cao nên khó có con lần nữa. Chị buồn lắm, nhưng vẫn tìm mọi cách để vừa lòng mẹ. Thế là chị quyết định tìm một người phụ nữ đẻ hộ.
Thấy người giúp việc mới đến có gương mặt ưa nhìn, đã có một con trai nhưng chồng mất vì tai nạn giao thông, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị đề nghị cô giúp đỡ, hứa nếu cô sinh được con trai cho chị thì chị sẽ trả cho cô một khoản tiền lớn và cho cô một sổ tiết kiệm để nuôi con ăn học đến năm 18 tuổi.
Cô giúp việc nhận lời, chị thu xếp để cô giúp việc làm thụ tinh nhân tạo. Đến lần thứ ba thì cô mang bầu. Vợ chồng chị mua cho cô một căn hộ nhỏ để tránh dự dị nghị của hàng xóm.
Ảnh minh họa. |
Ngày cô sinh con trai, chị H. dự định trả tiền cho cô như thỏa thuận và đón con về. Nhưng chị không hề biết, chồng mình đã nảy sinh tình cảm với cô giúp việc. Anh âm thầm tìm mua một căn hộ rộng hơn ở khu khác cho hai mẹ con. Trong khi chị H. đi rút tiền ngân hàng thì chồng chị đến bệnh viện đón hai mẹ con về căn hộ.
Bây giờ, cứ thứ bảy, chủ nhật là chồng chị lại lái xe đến với cô giúp việc thăm con. Chị H. gầy rộc vì đau khổ nhưng không đủ can đảm để làm ầm lên nên đành ngậm đắng nuốt cay chịu đựng.
Bắt con gái lấy chồng Tây để lấy tiền nuôi con trai
Đã có hai đứa con xinh xắn, một trai một gái nhưng thấy nhiều nhà có một đứa con trai lại vướng vào ma túy, lô đề, anh H. (năm nay 40 tuổi) ép vợ sinh thêm đứa con trai nữa để cho “chắc ăn”.
Nghe người ta mách là ăn mặn thì dễ đẻ con trai nên hai vợ chồng ngày nào cũng ăn cá khô rim nước mắm. Hằng tháng vợ anh còn đi đến bác sĩ tư vấn. Cuối cùng chị cũng mang thai và đẻ sinh đôi hai cậu con trai.
Anh H. làm công nhân khuân vác hàng thuê, vợ cũng không có việc làm ổn định. Nhà nghèo phải nuôi 6 miệng ăn nên anh phải lao động cực nhọc gấp đôi, gấp ba. Đứa con gái lớn của anh dù học giỏi nhưng không có đủ tiền đóng học nên anh cho nghỉ giữa chừng, đi làm thêm để phụ giúp gia đình.
Nghe người ta nói gả con gái lấy chồng nước ngoài thì sẽ gửi được nhiều tiền về, anh ép cô con gái độc nhất phải khai tăng tuổi để lấy chồng năm cô bé vừa tròn 18 tuổi. Nhưng trớ trêu thay, chưa hưởng tuần trăng mật ở Việt Nam xong, ông chồng nước ngoài của cô bé một đi không trở lại. Con gái anh trở thành chủ đề đàm tiếu của hàng xóm. Chán đời anh tìm đến rượu để giải sầu và ngày ngày chìm đắm trong men say và hành hạ vợ con.
Những hệ lụy khó lường
Không chỉ về mặt hôn nhân gia đình, tư tưởng “chỉ thích sinh con trai”, thiếu hụt nữ giới cũng khiến xã hội đối mặt với nhiều vấn đề. Như lời Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: “Mất cân bằng giới tính khi sinh như một cái vòng luẩn quẩn. Thanh niên không lấy được vợ. Các hậu quả về lâu dài rất nghiêm trọng: việc thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm hơn và có thể bỏ học để lập gia đình. Mất cân bằng giới tính sẽ gia tăng về nhu cầu mại dâm, buôn bán phụ nữ”.
Ngoài ra, việc tìm mọi cách để sinh con trai còn ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, tình trạng cặp bồ, ngoại tình để “gửi” đứa con trai diễn ra nhiều hơn. Không ít người đàn ông vì lời khích bác của người xung quanh mà dẫn đến cay cú, ăn thua, rượu chè rồi hành xử thô bạo với vợ con.
Qua những câu chuyện có thật kể trên, chúng tôi hi vọng tất cả người dân Việt Nam cùng tham gia vào nỗ lực chung chấm dứt phân biệt đối xử và bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái bằng cách gióp phần đưa tỉ số giới tính khi sinh của Việt Nam trở lại mức cân bằng.