"Mẹ, thơm một cái" là tên tựa đề cuốn sách của nhà văn Cửu Bả Đao viết về đề tài gia đình, về người mẹ. Đọc tác phẩm, chắc ai cũng thấy được sự đồng cảm, thấm thía và đầy tính nhân văn. Còn tôi thấy được một người mẹ lấy niềm vui của chồng con là hạnh phúc của mình.
Lời tựa đầy yêu thương được in sau cuốn sách đã giúp tôi đi qua những ghi chép tản mạn về quá trình tác giả cùng mẹ chống lại bệnh tật và những ký ức của những đứa con về mẹ, về gia đình.
"Anh nằm dư một tuần trong bụng mẹ, bởi không chịu rời khỏi mẹ.
Tôi nằm thiếu một tuần trong bụng mẹ, bởi muốn sớm nhìn thấy mẹ.
Thằng út nằm trong bụng mẹ không thiếu ngày nào bèn nhảy ra, bởi đã hẹn với mẹ.
Ba anh em, từ trong bụng mẹ, đã yêu thương mẹ theo cách của riêng mình”.
Lời văn giản dị, chân thành, “Mẹ, thơm một cái” như nốt lặng về tình mẫu tử thiêng liêng, về những tần tảo của người mẹ mải lo cho gia đình. Và đến khi có cơ hội được nghỉ ngơi thì đó lại là bệnh viện, bởi bà mắc bệnh máu trắng.
“Vài tiếng đồng hồ trước, thằng út nói một câu rất láo: “Mẹ à cả đời mẹ chưa bao giờ được ngủ một giấc ngon, nhân cơ hội này nghỉ ngơi đi mẹ”. Chẳng hiểu sao nữa, lúc đó rất muốn bảo nó câm miệng, tuy rằng đó là sự thật”.
Phải, nếu có con bạn sẽ thấm thía hơn những lo toan, vất vả mà mẹ đã trải qua. Đó là những đêm dài thức lo trọn giấc ngủ cho con. Là những hối hả với công việc nhưng vẫn lo đủ bữa cơm đủ đầy cho gia đình. Hay kể cả những nhẫn nhịn với họ hàng để con được sống trong tình yêu thương gia đình…
Khi thấu cảm được những vất vả mà mẹ đối mặt thì:
“Làm một người mẹ tốt đã rất khó khăn, muốn kiêm cả một vợ tốt và con dâu tốt lại càng khó. Vậy thì đừng có khó khăn thế nữa. Nếu thời gian có quay ngược lại, tôi thà mong mẹ gây gổ với sự thiếu quan tâm của ba nhiều hơn,..”.
Đọc đến đây tôi chợt nghĩ tới mẹ - người chịu nhiều thiệt thòi, lùi lại trước những ngang trái để giành lại sự bình yên cho gia đình, cho những đứa con tham lam. Nghĩ tới mình khi gặp những biến cố nhưng vẫn ngẩng cao đầu, giấu đi sự yếu mềm để tìm lấy sự bình thường cho những đứa trẻ. Đôi lúc tôi muốn hét lên: “Nếu chỉ có một mình tôi thôi, tôi đã chối bỏ mọi mối quan hệ mà mình không muốn”.
Người mẹ trong ghi chép của Cửu Bả Đao cũng hiện thân là người một lòng vì con cái, vì chồng, vì giữ cho gia đình ấm êm hòa thuận.
Bà đã may mắn hơn nhiều người phụ nữ khác, khi những nỗ lực được ghi nhận: Được mẹ chồng tin tưởng, coi trọng; được chồng yêu thương hết mực; ba người con trai phương trưởng, thành đạt và yêu kính bà.
Đọc đến đoạn cuối, tôi thấy vui cho gia đình họ vì cuối cùng sóng gió cũng đã qua, một ngày mai tươi sáng hơn đang chờ họ ở phía trước. Giọng văn của Cửu Bả Đao rất chân thành và giản dị, qua đó cũng đã thể hiện được tình yêu mà anh và gia đình dành cho mẹ.
Nhờ "Mẹ thơm một cái", người đọc sẽ cảm nhận được một thế giới ấm áp tình yêu thương cũng như cảm nhận được những va vấp trong cuộc sống mà ai cũng phải đối mặt một lần trong cuộc đời.
Những tâm sự của người con trai với mẹ hay kỷ niệm dạo đi dạo lại mang đầy màu sắc của tình yêu thương và mùi thương nhớ của năm tháng… khiến hình ảnh của mẹ mình trở về. Có ai nói với tôi rằng, nếu cảm thấy sống lỗi, hãy tìm về với gia đình, với mẹ. Chỉ cần nhớ lại những năm tháng đó bạn đã trải qua những gì, được mẹ chăm sóc thế nào, tâm lý phần nào được chữa lành.
Cửu Bả Đao đã đan xen những câu chuyện rất đời và nhân văn để khắc hoạ hình ảnh người mẹ của những đứa con trai khá hóm hỉnh mà tình cảm. Vì thế,“Mẹ, thơm một cái” như một lời nhắn của tác giả đến những đứa con rằng hãy chăm sóc mẹ, đến bên mẹ nhiều hơn, biết trân trọng tình mẫu tử thiêng liêng - vốn là thứ dường như đang bị che lấp bởi những áp lực mưu sinh, sự sôi động của chốn thị thành đang phát triển.