Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nho Lào muối ớt có chất độc hại

Kết quả xét nghiệm 5 mẫu nho Lào muối ớt cho thấy, tất cả đều chứa phẩm màu Tartrazine độc hại và có hàm lượng Natri benzoat gấp 2 lần mức cho phép.

Dù mới xuất hiện khoảng một tháng, nhưng nho Lào muối ớt được các khách hàng, đặc biệt là dân công sở, đón nhận nhiệt tình. Nho được đóng trong hộp nhựa. Mỗi hộp khoảng 0,5kg được rao bán với giá từ 75.000 đến 85.000 đồng. Không chỉ được đóng hộp một cách thủ công, nho Lào ngâm còn được bán kèm cùng với những hộp muối ớt có màu đỏ. Tất cả đều đều trống thông tin về sản phẩm. Món quà vặt này dù mới xuất hiện nhưng thu hút được khá nhiều chị em mua dùng.  

Trước thông tin nho Lào muối ớt có chứa chất gây độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng, ngày 9/5/2014, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM đã tiến hành lấy 5 mẫu nho Lào muối ớt trên địa bàn thành phố để kiểm tra. Các chỉ tiêu được kiểm tra gồm có Natri benzoat, hàn the, phẩm màu đối với nho Lào và Rhodamine B trong muối ớt bán kèm để ăn với nho.

Theo kết quả xét nghiệm của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, sản phẩm này dễ gây nhiễm độc. 5/5 mẫu nho Lào muối ớt có hàm lượng Natri benzoat gấp 2 lần mức cho phép. Tất cả 5 mẫu có chứa phẩm màu Tartrazine - phẩm màu chỉ được phép sử dụng cho nhóm sản phẩm quả đóng hộp, đóng chai đã qua thanh trùng.

Kết quả 5 mẫu nho lào muối ớt được phát hiện chất bảo quản vượt ngưỡng có khả năng gây độc hại cho người dùng.
Kết quả kiểm tra 5 mẫu nho Lào muối ớt được phát hiện chất bảo quản vượt ngưỡng có khả năng gây độc hại cho người dùng.

Nho Lào muối ớt mập mờ nguồn gốc bán tràn lan ở Việt Nam

Có giá 75.000-85.000 đồng/hũ nặng 0,6kg, nho trộn muối ớt được quảng cáo là nho Lào đang được bán tràn lan. Tuy nhiên, nguồn gốc của loại quả này vẫn đang là ẩn số.

Có khả năng tiêu diệt nấm mốc và vi khuẩn, Natri benzoat thường được dùng làm chất bảo quản trong các loại bánh kẹo, mứt, nước hoa quả, nước ngọt có gas, các loại nước xốt, ngũ cốc, sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, nước chấm, sữa lên men, cà phê… Ngoài ra, Natri benzoat còn được dùng trong kem đánh răng, hóa mỹ phẩm, dược phẩm.

Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ thực phẩm ( Đại học Bách khoa Hà Nội), chất Natri benzoat được phát hiện có trong nho Lào là chất được phép dùng để bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên chất này gây độc hại cho người sử dụng nếu hàm lượng vượt mức cho phép. Ông Thịnh cho rằng, nếu sử dụng chất Natri benzoat nhiều sẽ ảnh hưởng đến thần kinh, trẻ em rất dễ bị ngộ độc. Sử dụng lâu dài những loại thực phẩm hàm lượng Natri benzoat vượt mức cho phép, cơ thể sẽ bị rối loạn tổng hợp protein…

“Dù là nho Lào, Trung Quốc hay nho Việt Nam muốn để được lâu và giữ được độ giòn, người chế biến sẽ phải sử dụng chất bảo quản, thậm chí cả những thành phần khác để sản phẩm tươi lâu cũng không tốt cho sức khỏe. Chưa kể, để những quả nho không bị sâu  người ta cũng có thể dùng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu không đúng quy cách thì việc còn tồn dư chất hóa học trong nho vẫn còn. Nếu ăn phải những sản phẩm này rất dễ bị ngộ độc”, Bác sĩ Đào Ngọc Lan - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cảnh báo.

http://vietq.vn/nho-lao-muoi-ot-co-chat-doc-hai-d35313.html

Theo Uyên Nhi/ Chất lượng Việt Nam

Bạn có thể quan tâm