Ông Thử trầm ngâm, năm 1969, đoàn thực tập sinh gồm 10 người của Bộ Kiến trúc, trong đó có ông được sang Cuba nghiên cứu về thiết kế cảnh quan trong 3 năm.
Ông nhớ mãi kỷ niệm vào khoảng tháng 10 - 11/1970, khi đoàn cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba cùng các sinh viên Việt Nam đi chặt mía nhân dịp Cuba phấn đấu 10 triệu tấn đường. Đây là một trong những mô hình phát triển kinh tế lớn của Cuba thời đó và được Việt Nam ủng hộ.
Ông Nguyễn Xuân Thử. |
Khu vực chặt mía của đoàn ông và ĐSQ lại cùng khu vực với Bộ Chính trị của Cuba. Và thật tình cờ, vị lãnh tụ Cuba Fidel Castro cũng có mặt.
"Ông Fidel mặc quân phục đi chặt mía. Tính mỗi người dân Cuba, người lao động bình thường chặt bao nhiêu thì Fidel chặt lượng cân hơn rất nhiều so với họ", ông Thử nhớ lại.
Theo ông Thử, việc được chặt mía cùng khu vực thể hiện tình cảm của Cuba với những người Việt Nam, đó là sự trân trọng, tin tưởng và thân tình.
Chặt mía đến khoảng 11h trưa, trong thời gian tạm nghỉ, ông Fidel đã mời tất cả cán bộ ĐSQ và các chuyên gia Việt Nam ở lại nói chuyện.
Lãnh tụ Fidel Castro trong một buổi chặt mía năm 1969.
Ảnh: SPUTNIK / Alamy Stock Photo. |
"Tất cả quây xung quanh nghe Fidel nói chuyện. Lúc này, tôi cảm nhận được từ 1 vị lãnh tụ rất gần gũi và thân tình không chỉ với người dân Cuba mà cả với Việt Nam", ông Thử xúc động nói và chia sẻ đến giờ vẫn tiếc vì không có bức ảnh chụp khi đó cùng vị lãnh tụ.
Cuộc nói chuyện trong 6 giờ
Một câu chuyện khác cũng được ông Thử nhớ mãi, đó là khi cùng hàng nghìn người đứng tại Quảng trường Cách mạng nghe ông Fidel nói chuyện về cách mạng Cuba - cách mạng thế giới và cả Việt Nam.
"Ông ấy nói chuyện 6 giờ liền mà không cần văn bản nào. Lúc đầu ông nói còn chậm rãi, sau càng nói thì càng khí thế. Dường như tất cả những ý tưởng, những gì muốn nói với nhân dân cứ tụ lại và thành cao trào trong phần nói chuyện của ông. Đó là một con người đặc biệt", ông Thử kể.
Ông Nguyễn Xuân Thử (thứ 2 từ trái sang, hàng ngồi) cùng các bạn Cuba.
|
Nhắc lại câu nói của vị lãnh tụ Fidel rằng "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình", ông Thử chia sẻ, người Cuba rất hiểu về đất nước và con người Việt Nam, họ hâm mộ Việt Nam. Chính vì vậy, ai đã từng đến Cuba những năm đó đều được hưởng những ưu ái đặc biệt.
Ông Thử cho biết, tin ông Fidel qua đời ông không được biết sớm vì gia đình có công chuyện.
"Đến hôm sau khi mở mạng tôi mới biết ông Fidel mất. Xem ảnh người dân Cuba khóc, tôi lại nhớ những ngày dân mình khóc khi Bác Hồ mất", ông Thử xúc động.