Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhớ hương vị quê nhà

Thực khách có thể tìm thấy những món ăn đậm chất Hội An trong các nhà hàng của người gốc Quảng Nam, chứ món ăn đó không thể có được hương vị quyến rũ của quê nhà một cách trọn vẹn.

"Hội An trăm vật trăm ngon

Từ từ cái miệng để chồng con được nhờ".

Câu ca dao không biết tự bao giờ đã lưu truyền trong dân gian để nhắc nhở phụ nữ các vùng ven phố Hội đi chợ bớt ăn quà vặt, nhưng qua đó cho biết ở Hội An món gì cũng ngon, cũng làm thiên hạ phải móc tiền túi ra để ăn vì thèm và nhớ.

Những món ăn vốn gắn liền với cư dân Hội An từ bao đời nay như cao lầu, cơm gà, mì gánh, bánh xèo, ram cuốn, tam hữu... luôn là nỗi nhớ của không chỉ người dân Hội An xa quê mà cả của nhiều khách phương xa.

Bạn tôi, sau một lần về Hội An cách đây hơn 10 năm, vẫn mong trở lại Hội An lần nữa không phải để thong dong dạo bước trên những con phố nhỏ êm đềm, mà chỉ để ăn một tô cao lầu đậm đà vị thịt xíu trộn lẫn với sợi mì dai trong hương rau Trà Quế thơm nồng.

Người Quảng Nam đi làm ăn xa đã mở nhiều nhà hàng, quán ăn với thực đơn chủ yếu là các món ăn gợi nhớ hương vị quê nhà. Thực khách có thể tìm thấy những món ăn đậm chất Hội An trong tất cả nhà hàng của người gốc Quảng Nam, song ăn chỉ để thỏa cơn thèm, cho lòng bớt trống trải khi nhớ về ngôi nhà cũ rêu phong trong con phố hẹp, nhớ ánh trăng mơn man dịu dàng trên sóng nước Thu Bồn... chứ món ăn đó không thể có được hương vị quyến rũ của quê nhà một cách trọn vẹn.

Sach An de nho anh 1

Món tam hữu ở làng rau Trà Quế. Nguồn: baoquangnam.

Vậy điều gì khiến cho tô cao lầu, cái bánh xèo, cuộn tam hữu, chiếc ram cuốn ở Hội An trở nên hấp dẫn hơn các nơi khác? Điều này chỉ người Hội An gốc mới lý giải được. Đó chính là hương vị của rau sống Trà Quế.

Ngày xưa làng còn có tên là Nhự Quế (nghĩa là rau thơm). Các loại rau húng lủi, rau răm, quế trắng, hành lá... trồng ở đất làng Trà Quế cho một vị thơm nồng nàn riêng biệt. Cũng giống rau đó nhưng trồng trên đất khác lại không có mùi thơm như vậy.

Một vị cao niên ở làng Trà Quế kể rằng con sông Đế Võng xanh ngắt bao quanh làng mỗi năm cung ứng cho dân làng hàng tấn rong đuôi chồn để bón cho đất.

Chính nguồn phân bón hữu cơ này đã tạo cho rau sống Trà Quế một hương vị đặc thù làm dậy mùi các món cao lầu, bánh xèo, ram cuốn, mì quảng..., để thực khách phải hít hà một cách khoái khẩu trước khi thưởng thức các món ăn dân dã của phố Hoài.

Ở làng Trà Quế còn một món ăn mà bất cứ lễ tiệc nào cũng có. Và nó hiện hữu trong mâm lễ cúng tổ tiên như nhắc nhở hậu thế phải nhớ về gốc gác của gia đình, gốc gác của cư dân làng rau. Đó là món tam hữu.

Tam hữu là món ăn đơn giản với ba nguyên liệu chính gồm một lát thịt heo ba chỉ, một con tôm luộc và cọng rau húng lủi xanh um được cột bằng cọng hành trụng.

Dùng tay hoặc lấy đũa gắp món tam hữu chấm vào chén nước mắm chua ngọt đỏ màu ớt giã, chưa kịp đưa vào miệng đã thấy nước bọt ứa ra đầu lưỡi, mũi liên tục hít hà mùi thơm của tôm ngọt, thịt béo và rau thơm quyện vào nhau.

Nguyên liệu làm nên các món ăn ở Hội An đơn giản và thanh khiết như chính tâm tính của người dân nơi đây. Phù sa từ đầu nguồn hai con sông Thu Bồn và Vu Gia như tụ hết về cuối nguồn và làm con cá, con tôm ở cuối sông Hoài đậm đà hơn, mỡ màng hơn. Rau thơm trồng trên đất làng.

Heo nuôi bằng rau lang, cám gạo nên thịt săn chắc và ngọt. Hạt gạo quê chắt chiu từ một nắng hai sương đã làm nên những sợi mì, lá bánh, chén cơm kết tinh cái ngon từ đất và bàn tay cần mẫn của người dân quê. Cái ngon chắt lọc ấy đã làm nên nỗi nhớ.

Và tôi gọi đó là nỗi nhớ Hội An.

Kim Em / NXB Trẻ

SÁCH HAY