Khoa học ghi nhận người chết hồi sinh là hiện tượng có thật. |
Chết đi sống lại được khoa học xác nhận là hiện tượng có thật 100% và xảy ra với xác suất 1/100.000 người. Hiện tượng này đến nay vẫn là một trong những bí ấn của khoa học và đang được nghiên cứu lâu dài.
Các nhà khoa học cho rằng, một trong những nguyên nhân là do việc chẩn đoán sai của bác sĩ. Theo quan điểm này, một số bác sĩ đã quá cẩu thả trong việc khám nghiệm và vội vàng kết luận nạn nhân đã chết. Điều này dẫn đến việc người nhà đưa “người chết giả” về nhà và mai táng, nạn nhân sau đó bất ngờ tỉnh lại trong đám tang.
Điển hình cho giả thuyết này là cái chết của bà Fagilyu Mukhametzyano ở Nga. Năm 2011, bà Mukhametzyano bị một cơn đau tim và được các bác sĩ khẳng định đã qua đời. Tuy nhiên, bà sau đó bỗng dưng bật dậy từ trong quan tài ngay giữa đám tang của mình. Vừa mừng vừa lo, người thân đưa Mukhametzyano trở lại bệnh viện cấp cứu nhưng tại đây, bà chính thức qua đời. Cho rằng bác sĩ đã chẩn đoán sai cái chết ban đầu, gia đình nạn nhân quyết định đâm đơn kiện các bác sĩ.
Bà Mukhametzyano (trái), người sống lại trong quan tài và sau đó tử vong trong bệnh viện. |
Theo tiến sĩ Daniel Sokol, một luật sư và nhà đạo đức học ở Cao đẳng Imperial London, việc chẩn đoán sai cái chết của người bệnh là rất hiếm, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra. Ông Sokol cho hay, các yếu tố như thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm, ít thời gian, sự mệt mỏi, áp lực công việc và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến việc chẩn đoán người chết của một bác sĩ.
Một dạng chết giả thường khiến các bác sĩ phạm sai lầm khi chẩn đoán là “chết băng” (Frozen death). Những bệnh nhân kiểu này thường có nhiệt đột cơ thể thấp, do dùng các loại thuốc như an thần hay giãn cơ, hoặc với những người bị rối loạn y tế làm thay đổi hóa chất trong máu.
Điển hình của “chết băng” là việc vận động viên trượt tuyết Anna Bagenholm ở Na Uy bất ngờ hồi sinh sau khi được sưởi ấm để cơ thể trở về nhiệt độ bình thường. Trong chuyến trượt tuyết năm 1999, cô bị ngã xuống một sông băng và mắc kẹt dưới băng trong 80 phút, đồng thời khiến tim cô ngừng đập.
Nước lạnh khiến nhiệt độ cơ thể cô hạ thấp 20 độ so với nhiệt độ bình thường. Khi cô được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện, các bác sĩ làm việc suốt 9 tiếng để cứu sống cô. Họ phải dùng máy làm ấm và nhờ đó, nhiệt độ cơ thể trở về bình thường và tim đập trở lại.
Một giả thuyết khác về hiện tượng người chết sống lại là do nạn nhân chỉ mới “chết lâm sàng”, một trạng thái tồn tại giữa sự sống và cái chết. Đó là hiện tượng tim bệnh nhân đã ngừng đập, não không có tín hiệu hoạt động, song không có nghĩa là người đó đã chết, mà đó chính là một trạng thái thứ 3 của con người ngoài trạng thái sống và chết. Ở trạng thái chết lâm sàng này, các tế bào trong cơ thể con người vẫn còn sống.
Theo các nhà khoa học, việc đưa người chết lâm sàng “sống lại” bằng kích thích rung tim và sưởi ấm cơ thể được xem là cách tốt nhất. Song trong không ít trường hợp, những người sống sót được sau khi tim ngừng đập đã mắc phải một số chấn thương não bộ. Tất nhiên là những ca chấn thương não bộ nghiêm trọng hầu như không thể sống sót lâu.