Giải mã việc người chết sống lại
Thế giới ghi nhận nhiều trường hợp người chết bỗng dưng sống lại. Nguyên nhân một phần là do sự chẩn đoán sai của bác sĩ, nhưng không ít trường hợp là do các yếu tố khó giải thích khác.
Báo chí Anh gần đây đưa tin câu chuyện về một người phụ nữ trở về từ cõi chết. Đó là trường hợp bà Tasleem Rafiq bị ngã ở nhà và được người thân đưa đi cấp cứu. Sau khi cố gắng cứu bà trong khoảng 45 phút nhưng bất thành, các bác sĩ đành thông báo cho gia đình là Rafiq đã chết. Tuy nhiên, 11 tiếng sau đó, bà Rafiq bất ngờ tỉnh dậy trước sự ngỡ ngàng của mọi người.
Trường hợp người chết sống lại không phải là hiếm thời gian gần đây. Hồi tháng 4, một phụ nữ Trung Quốc bước ra khỏi quan tài sau 6 ngày được tuyên bố tử vong do bị ngã. Trước nữa vào năm 1996, Daphne Banks, vợ của một nông dân ở Cambridgeshire được bác sĩ tuyên bố chết tại nhà sau khi tự tử đêm giao thừa. Tuy nhiên, người phụ nữ này sau đó được phát hiện còn sống tại nhà xác bệnh viện khi có người nhận thấy cô vẫn thở.
Bệnh viện Hoàng gia Berkshire ở Reading, nơi bà Rafiq điều trị, nói rằng các bác sĩ lâm sàng không phát hiện dấu hiệu sự sống mặc dù bà còn thở. Bác sĩ David Mossop, người đảm nhiệm khoa cấp cứu, cho biết biện pháp hồi sức được thực hiện chính xác. Sau 45 phút kiểm tra máu cho thấy tình trạng thiếu oxy, ông Mossop cho rằng bà bị tổn thương não nghiêm trọng. “Điều đó thật bất thường”, Mossop nói và cho biết thêm rằng mới nhìn thấy một trường hợp tương tự trước đây.
Điều này đặt ra câu hỏi việc chẩn đoán người chết khó khăn như thế nào, trong khi các chuyên gia y tế tự tin cho rằng, việc chẩn đoán sai là rất hiếm.
Tiến sĩ Kevin Fong, một chuyên gia gây mê chuyên nghiên cứu việc cứu bệnh nhân từ cõi chết nói: “Những trường hợp sống lại do chẩn đoán sai là vô cùng hiếm. Cái chết là một quá trình chứ không phải là một thời điểm. Đó là một quá trình chuyển đổi khi sự sống tắt dần. Xác định chính xác thời điểm đó diễn ra là điều hết sức khó khăn, đặc biệt trong tình hình nước sôi lửa bỏng. Tuy nhiên, việc chẩn đoán vẫn phải dựa trên các tiêu chí nghiêm ngặt và cần được tôn trọng”.
Một số trường hợp người chết sống lại là do các bác sĩ chẩn đoán sai. |
Ở Anh, không có định nghĩa pháp lý về cái chết, nhưng có các hướng dẫn cho việc chẩn đoán và xác nhận người chết khi sự việc không rõ ràng.
Ngài Peter Simpson, chủ tịch điều hành tại Học viện Cao đẳng Y tế Hoàng gia, cho hay: “Nếu làm theo các hướng dẫn, họ sẽ không thể chẩn đoán sai cái chết. Tôi từng nghe thấy nhiều trường hợp người chết sống lại ở nước ngoài, nơi có tiêu chí xác định người chết thiếu chặt chẽ”.
Theo Simpson, quy trình chẩn đoán người chết gồm 3 phần: đó là tìm hiểu nguyên nhân gây tử vong, chẩn đoán cái chết và cuối cùng là đợi 5 phút trước khi xác nhận người nào đó qua đời. Trong đó, công việc cụ thể cần làm là kiểm tra nhịp tim, hơi thở và mắt để xem đồng tử có lớn và phản ứng hay không.
Ông Peter giải thích: “Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào trong 5 phút chờ đợi, những việc kiểm tra đó cần phải thực hiện lại. Có nhiều trường hợp tim nạn nhân ngừng và hoạt động trở lại. Hiện tượng đó được gọi là “tự động hồi sức” và theo hiểu biết của tôi, giai đoạn này kéo dài lâu nhất trong khoảng 90 giây”.
Theo các nhà khoa học, tự động hồi sức còn được gọi là Lazarus Syndrome, là hiện tượng rất hiếm. Năm 2001, một bài báo trên tạp chí Y tế Cấp cứu xác nhận có hơn 25 trường hợp này trong tài liệu khoa học.
Hiện tượng trên được xem là nguyên nhân tại sao nhịp tim của Michael Wilkinson, một thợ xây ở Preston, sống lại sau 30 phút chết lâm sàng năm 2009. Anh ta được chuyển vào phòng chăm sóc đặc biệt ở Bệnh viện Hoàng gia Preston và sống sót 2 ngày trước khi được tuyên bố qua đời thực sự sau đó.
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp người chết sống lại chưa có lời giải đáp. Ông Peter nói: “Chúng ta sẽ không thể chẩn đoán được cái chết trong những trường hợp kiểu như vậy. Khi đặt câu hỏi tại sao họ chết, chúng ta cần phải xem xét nhiều yếu tố”.
Một dạng chết giả thường khiến các bác sĩ phạm sai lầm khi chẩn đoán là “chết băng” (Frozen death). Những bệnh nhân kiểu này thường có nhiệt đột cơ thể thấp, do dùng các loại thuốc như an thần hay giãn cơ, hoặc với những người bị rối loạn y tế làm thay đổi hóa chất trong máu.
Ông Peter nói: “Khi cái chết bị chẩn đoán nhầm, thì thường là do các yếu tố quyết định bị bỏ qua. Trong các trường hợp như vậy, bạn phải chờ cho đến khi các tác dụng phụ của thuốc thay đổi hoặc cơ thể trở về trạng thái bình thường trước khi chẩn đoán cái chết”.
Hiện tượng này từng được nhắc đến trong tài liệu của tiến sĩ Fong. Theo đó, vận động viên trượt tuyết Anna Bagenholm ở Na Uy bất ngờ hồi sinh sau khi được sưởi ấm để cơ thể trở về nhiệt độ bình thường.
Trong chuyến trượt tuyết năm 1999, cô bị ngã xuống một sông băng và mắc kẹt dưới băng trong 80 phút, đồng thời khiến tim cô ngừng đập. Nước lạnh khiến nhiệt độ cơ thể cô hạ thấp 20 độ so với nhiệt độ bình thường. Khi cô được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện, các bác sĩ làm việc suốt 9 tiếng để cứu sống cô. Họ phải dùng máy để làm ấm và nhờ đó, nhiệt độ cơ thể trở về bình thường và tim đập trở lại.
Việc chẩn đoán người chết cũng đi kèm với khía cạnh đạo đức. Các hướng dẫn chỉ dẫn rằng, việc xác nhận người chết cần được thực hiện một cách nhanh nhất và tỉnh táo. Theo tiến sĩ Daniel Sokol, một luật sư và nhà đạo đức học ở Cao đẳng Imperial London, những tác động của việc xác nhận người chết là rất lớn, vì vậy các bác sĩ có nghĩa vụ đảm bảo việc chẩn đoán được thực hiện cẩn trọng và đúng quy trình.
“Các yếu tố như thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm, ít thời gian, sự mệt mỏi, áp lực công việc và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến đánh giá lâm sàng của một bác sĩ. Trong những trường hợp khó khăn như vậy, nên để một bác sĩ có kinh nghiệm xác nhận người chết và cần tham khảo ý kiến thứ 2 để làm giảm nguy cơ rủi ro”, Tiến sĩ Daniel Sokol cho hay.
Bình An
Theo Infonet