Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 với khoản lợi nhuận trước thuế tăng 63%, đạt kỷ lục trong lịch sử kinh doanh của ngân hàng này.
Cụ thể, năm 2018 Agribank đạt tổng thu nhập hoạt động lên tới 53.142 tỷ, tăng 25% so với năm trước đó. Đây cũng là con số tổng thu nhập lớn nhất trong hệ thống ngân hàng năm 2018 vừa qua, bỏ xa ngân hàng xếp thứ 2 là BIDV với 44.483 tỷ đồng và Vietcombank với 39.278 tỷ.
Sau khi trừ đi chi phí, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh mà Agribank ghi nhận trong năm vừa qua đạt 29.063 tỷ đồng, tăng 26%. Đây cũng là mức cao nhất trong hệ thống các ngân hàng thương mại.
Tín dụng có nhiều đóng góp
Đóng góp lớn vào tổng thu nhập khổng lồ này chính là mảng tín dụng.
Agribank là ngân hàng có thị phần cho vay lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Ảnh: Agribank. |
Ngoài nguồn thu từ tín dụng, khoản thu nhập lớn thứ 2 mang về hơn 8.000 tỷ cho Agribank là hoạt động khác. Trong đó, hầu hết số này là tiền lãi thu được từ các khoản nợ gốc đã xử lý và một phần tiền lãi từ các khoản nợ đã xử lý rủi ro trước đó.
Ngoài ra, hoạt động dịch vụ năm vừa qua cũng mang về cho Agribank tới 3.763 tỷ đồng lãi thuần, tăng 23%. Và mảng ngoại hối đem về cho ngân hàng 704 tỷ, tăng 32%.
Chính những khoản doanh thu này là nguyên nhân trực tiếp giúp kết quả kinh doanh của Agribank tăng trưởng rất mạnh trong năm vừa qua. Thậm chí, nếu không phải trích lập rủi ro với khối nợ xấu quá lớn, khó cái tên nào trong giới ngân hàng có thể vượt qua Agribank về kết quả lợi nhuận.
Vẫn còn hàng chục nghìn tỷ nợ xấu cần xử lý
Tính đến cuối năm 2018, tổng nợ xấu nội bảng ngân hàng đã giảm 10% nhưng Agribank vẫn còn tới 16.083 tỷ nợ xấu, tương đương 1,6% tổng dư nợ cho vay. Điều này khiến ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tới 21.718 tỷ (tăng 16%), khiến lợi nhuận trước thuế chỉ còn đạt 7.345 tỷ đồng.
Việc trích lập dự phòng lớn hơn nhiều số nợ xấu nội bảng thực tế phần nào cho thấy năng lực tài chính của nhà băng này đã được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, đại diện ngân hàng cũng từng cho biết việc gia tăng trích lập dự phòng nằm trong lộ trình xử lý những vấn đề liên quan đến rủi ro tín dụng, và chuẩn bị cho quá trình cổ phần hóa.
Được biết, trong số 21.718 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro này, Agribank dành tới 9.679 tỷ đồng là trích lập dự phòng trái phiếu tại VAMC, còn lại 12.039 tỷ đồng là trích lập dự phòng cho vay khách hàng nội tại.
Bên cạnh đó, số dư trái phiếu VAMC đến cuối năm 2018 của Agribank cũng chỉ còn 7.750 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 81% từ mức 40.983 tỷ đồng trước đó. Trong số này, ngân hàng cũng đã trích lập dự phòng 5.394 tỷ đồng.
Riêng hoạt động mua lại và xử lý rủi ro tín dụng năm vừa qua ngân hàng đã xử lý được hơn 26.068 tỷ đồng tại VAMC.
Tính đến cuối năm 2018, Agribank có tổng tài sản đạt 1,28 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 14,3%.
Đây cũng là ngân hàng có thị phần cho vay lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Với đặc thù là ngân hàng cung cấp vốn chính ở khu vực nông thôn, tín dụng trong mảng nông, lâm, ngư nghiệp của Agribank hiện vào khoảng 284.000 tỷ, chiếm 28% tổng dư nợ.
Lượng tiền gửi của người dân tại ngân hàng này đến cuối năm 2018 cũng lên tới 1,1 triệu tỷ đồng, thuộc nhóm lớn nhất hệ thống ngân hàng hiện nay.