Báo cáo Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội mới đây đã chỉ ra nhiều hạn chế, vi phạm trong hoạt động kinh doanh, nghiệp vụ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Agribank .
5/6 công ty con của Agribank lỗ đậm
Kiểm toán Nhà nước cho biết Agribank là một trong những đơn vị kinh doanh có lãi và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu hơn 7%. Tuy nhiên, nhà băng này vẫn tồn tại nhiều hạn chế trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017.
Hoạt động kinh doanh và nghiệp vụ của Agribank bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều sai sót. Ảnh: Agribank. |
Hoạt động đầu tư tài chính của Agribank được xem là không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp dù chi tới hàng nghìn tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2017, nhà băng này đã chi tới 2.391 tỷ đồng để đầu tư vào 6 công ty con trong các mảng cho thuê tài chính, xử lý nợ, xử lý tài sản... Tuy nhiên, cổ tức/lợi nhuận Agribank được chia cho năm này chỉ là 12 tỷ đồng.
Như vậy, hiệu suất hiệu quả đầu tư của số tiền 2.391 tỷ đồng nhà băng này đã chi ra trong năm 2017 chỉ đạt vỏn vẹn 0,5%.
Đáng chú ý, 5/6 công ty con mà Agribank rót tiền đầu tư đang lỗ lũy kế, khiến ngân hàng phải trích lập dự phòng gần 30,4% giá trị khoản đầu tư ban đầu, tương đương hơn 726 tỷ đồng.
Trong đó, Công ty cho thuê Tài chính ALC II lỗ lũy kế đến cùng kỳ tới 12.464 tỷ đồng. Hiện tại công ty này đã hoàn tất thủ tục phá sản và Ngân hàng Nhà nước cũng đã thu hồi giấy phép thành lập, hoạt động cho thuê tài chính của ALC II.
Ngoài ra, Công ty ALC I, cùng hoạt động trong lĩnh vực cho thuê tài chính của Agribank cũng đang lỗ lũy kế 713 tỷ; Công ty CP Chứng khoán Agribank lỗ 469 tỷ; Công ty TNHH MTV Dịch vụ Agribank Việt Nam lỗ 113 tỷ; và Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản cũng lỗ lũy kế 6,3 tỷ đồng.
Khoản đầu tư khác trị giá 47 tỷ đồng vào Ngân hàng Xây dựng Việt Nam của Agribank cũng không hiệu quả khi ngân hàng này đã được NHNN mua lại với giá 0 đồng vào tháng 2/2015.
Điều chỉnh tăng thêm 596 tỷ đồng nợ xấu nhóm 5
Ngoài việc kém hiệu quả trong hoạt động đầu tư tài chính, Kiểm toán Nhà nước còn cho biết Agribank đã hạch toán doanh thu, thu nhập, chi phí chưa phù hợp, chính xác.
Theo đó, nhà băng này đã hạch toán thừa lãi dự thu 136 tỷ đồng trong năm 2017. Cùng với đó là việc chưa sử dụng hiệu quả 9 lô đất với tổng diện tích gần 17.000 m2.
Hoạt động phân loại nợ của Agribank cũng chưa phù hợp và cần phải điều chỉnh.
Kiểm toán điều chỉnh giảm dư nợ nhóm 1 của ngân hàng này đi 1.254,5 tỷ đồng, tăng dư nợ nhóm 2 là 703,6 tỷ đồng, tăng dư nợ nhóm 3 là 55,4 tỷ đồng, giảm dư nợ nhóm 4 là 100,4 tỷ đồng, và tăng dư nợ nhóm 5 thêm 595,9 tỷ đồng.
Cùng với việc điều chỉnh cơ cấu dư nợ cho vay, Kiểm toán Nhà nước cũng điều chỉnh tăng chi phí dự phòng cụ thể của Agribank thêm 341,5 tỷ đồng và giảm chi phí dự phòng rủi ro chung gần 5 tỷ trong năm 2017.
Hoạt động nghiệp vụ tại Agribank cũng bị Kiểm toán Nhà nước bêu tên khi ngân hàng này còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay.
Cụ thể, Agribank đã thẩm định thiếu chặt chẽ, chứng từ giải ngân không đầy đủ, chưa giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay, định kỳ chưa đánh giá lại tài sản đảm bảo... và hỗ trợ lãi suất sai quy định hơn 3 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra một số sai sót trong hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Theo đó, NHCSXH đã xóa nợ hơn 95 tỷ đồng cho gần 9.187 khách hàng được coi là mất tích theo xác nhận của UBND và công an xã/phường. Tuy nhiên, điều này không phù hợp với quy định của Luật Dân sự.
Theo quy định tại Điều 7 Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng quy định về Hồ sơ pháp lý để xử lý nợ bị rủi ro “... phải có giấy chứng tử hoặc văn bản công bố chết, mất tích của cơ quan có thẩm quyền hoặc xác nhận của chính quyền cấp xã”, hoặc phải có yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án mới có thể tuyên bố người đó mất tích.
Tuy nhiên, một số khách hàng trong nhóm trên vẫn có thẻ bảo hiểm y tế, đóng bảo hiểm xã hội hoặc về thăm người thân tập trung chủ yếu tại các tỉnh Bạc Liêu, Tây Ninh, Cà Mau, TP.HCM.
Ngoài ra, NHCSXH đã không đàm phán mức phí huy động vốn với các TCTD khác, mà thanh toán bằng mức tối đa theo quy định của NHNN là 1,35%. Điều này đã ảnh hưởng đến cấp bù chênh lệch lãi suất từ Ngân sách Nhà nước.