Phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội sáng 22/5 nóng lên với rất nhiều ý kiến liên quan việc tăng giá điện khiến người dân bức xúc thời gian qua.
Đa số ý kiến đều cho rằng việc tăng giá điện vừa qua “chưa hợp lòng dân”, và báo cáo của Chính phủ về những lý do của cơ sở tăng giá điện không thuyết phục được dư luận.
Chủ tịch EVN: Bắt buộc tăng giá điện để bù chi phí
Tại tổ Hà Nội, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành, tranh thủ giải trình thêm với các đại biểu. Ông cho biết trong báo cáo Chính phủ cũng đã nêu rất rõ, giá điện tăng do tăng chi phí của các yếu tố đầu vào, như giá than tăng.
Theo ông Thành, 20.000 tỷ đồng tăng thêm do chi phí đầu vào tăng thì bắt buộc phải điều chỉnh giá điện để bù đắp. “Toàn bộ điều chỉnh giá điện lên 8,36% chỉ đủ bù đắp cho 20.000 tỷ đồng chi phí thiếu hụt”, ông Thành nói.
Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành. Ảnh: Ngọc Thắng. |
Ông Thành cho hay hiện EVN có nhiệm vụ mua điện, sản xuất, truyền tải và phân phối điện cho người tiêu dùng. Và tỷ lệ mua điện của EVN hiện nay là 77%, còn sản xuất, phân phối, truyền tải chiếm trong giá thành chiếm chỉ có 23%.
Việc mua điện tăng lên, chi phí tăng lên thì bắt buộc phải điều chỉnh để bù đắp lại các chi phí. Từ đó EVN mới có tiền mua than, mua dầu, mua điện để cung cấp cho dân và doanh nghiệp.
Người dân nói tăng giá ảnh hưởng thu nhập, cuộc sống nhưng quan trọng nhất là lòng tin và sự minh bạch trong điều hành giá cả.
ĐB Nguyễn Hữu Cầu
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá điện cũng đã được Thủ tướng nêu trong các báo cáo và đã được tính toán từ năm 2018, trước khi tăng giá điện, Bộ Công Thương cũng đã họp và báo cáo đầy đủ.
Từ đó, ông Thành khẳng định việc công khai minh bạch việc tăng giá điện đã được Chính phủ, Bộ Công Thương thực hiện theo quy định.
Về ý kiến thắc mắc tại sao EVN lại điều chỉnh giá điện vào mùa nắng nóng, ông Thành cho biết tỷ lệ điều chỉnh giá điện vào tháng 3 cao nhất trong các lần điều chỉnh giá điện. Cụ thể, từ năm 2017 đến nay có 11 lần điều chỉnh giá điện, trong đó có 4 lần điều chỉnh vào tháng 3 và 3 lần điều chỉnh vào tháng 12.
Vì thế, Chủ tịch EVN khẳng định việc điều chỉnh giá điện vừa rồi cũng không phải tiền lệ mà đúng theo quy định. Nguyên nhân tiền điện tăng là do nắng nóng đột biến.
Ông Thành cũng cho biết chỉ có 11 trường hợp phản ánh trên các phương tiện báo chí, 8 trường hợp phản ánh trên mạng xã hội về giá điện nhưng đều đã được EVN giải thích và đồng tình cách giải thích ấy. “Như vậy, lượng phản ánh không phải là số lớn trong khi EVN có 27 triệu khách hàng sử dụng điện”, ông Thành nói.
Ngay sau đó, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai tranh luận với Chủ tịch EVN: “Anh Thành nói có 11 trường hợp kiến nghị về giá điện, nhưng trong báo cáo của Chính phủ nêu rõ có 14.541 kiến nghị của khách hàng, trong đó có 20% trong số đó thắc mắc về chỉ số công tơ điện, và hóa đơn tiền điện”.
Bà Mai cũng không đồng tình với nguyên nhân cho rằng do thời tiết nắng nóng nên sản lượng điện tiêu thụ tăng.
Các lý do ông Thành đưa ra, bà Mai cho rằng đều chưa thuyết phục, vì theo bà “có nắng nóng cũng không đến mức hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi”.
Dù Chủ tịch EVN sau đó giải thích, bà Mai cho biết sẽ tiếp tục chất vấn việc này trên hội trường Quốc hội, bởi đây là vấn đề dư luận rất quan tâm.
Quan trọng nhất là lòng tin, sự minh bạch
Ở tổ Nghệ An, nữ đại biểu Lê Thu Hà - Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại cho biết qua tham khảo ý kiến của nhiều nhà kinh tế thì thực tế giá điện không phải tăng 8,36% như công bố.
Dù Bộ Công Thương có báo cáo, theo bà Hà, giải trình này chưa đáp ứng yêu cầu của cử tri.
Ví dụ, Bộ Công Thương lý giải tính luỹ tiến 6 bậc căn cứ tham khảo của một số quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, nhưng theo bà Hà, ở các nước này họ có nhiều chính sách đi kèm.
Còn chúng ta “copy” bậc thang nhưng chính sách đi kèm cho người dân lại chưa thể hiện được.
ĐB Lê Thu Hà - Ủy viên UB Đối ngoại của Quốc hội
Như ở Mỹ có nhiều cơ quan cung cấp điện và cạnh tranh. Bên cạnh đó, những hộ thu nhập thấp được giảm giá đáng kể để không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người dân.
Tương tự, ở Hàn Quốc, Chính phủ còn giảm giá điện để giúp các hộ dân vượt qua thời điểm nắng nóng, bởi họ coi đó là thiên tai và cuộc sống người dân cần được bảo đảm. Nước này cũng giảm giá cho hộ thu nhập thấp, cho cơ sở phúc lợi, gia đình có con nhỏ...
Còn chúng ta “copy” bậc thang nhưng chính sách đi kèm cho người dân lại chưa thể hiện được.
Đại biểu Lê Thu Hà - Ủy viên thường trực Ủy ban đối ngoại. Ảnh: Hoài Vũ. |
Bà Hà đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán cách tính toán đầu vào giá điện cũng như kinh doanh điện.
Đây cũng là ý kiến được đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nêu trong phần thảo luận. Ông cho rằng kiểm toán nên vào cuộc cho cử tri yên tâm.
“Người dân nói tăng giá ảnh hưởng thu nhập, cuộc sống nhưng quan trọng nhất là lòng tin và sự minh bạch trong điều hành giá cả. Nếu đã kiểm toán và trả lời rõ thì dù tăng hay giảm, người dân cũng thấy minh bạch", ông Cầu nói.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước tới đây kiểm toán lại toàn bộ báo cáo tài chính EVN và điều hành giá điện năm 2019 với tinh thần rất cầu thị.
"Chỗ nào sai thì sửa, xin lỗi, còn cái nào đúng thì ghi nhận. Kết quả sau đó sẽ công khai cho Quốc hội, người dân biết", ông Huệ nói.