Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết trong quá trình thực hiện chủ trương về tài cơ cấu nền kinh tế trong đó có cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), cơ quan này đã trình Thủ tướng phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 (Đề án 254) và Đề án Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD, Đề án Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (Đề án 843).
Bên cạnh những kết quả đã đạt được của hoạt động ngân hàng trong thời gian qua, NHNN cũng cho biết hoạt động thanh tra, giám sát ngành đã bộc lộ một số hạn chế.
Cụ thể, khuôn khổ pháp lý về thanh tra, giám sát, an toàn hoạt động ngân hàng chưa đầy đủ và đồng bộ. Việc phát hiện và cảnh báo sớm, phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro, đội ngũ thực hiện hoạt động còn tồn tại một số hạn chế, chưa theo kịp tốc độ phát triển của hệ thống tài chính ngân hàng.
Những tồn tại, khuyết điểm mà Thanh tra Chính phủ chỉ ra trong quá trình thực hiện thanh tra đã được NHNN nhận diện và rút ra bài học trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD.
Những khuyết điểm mà Thanh tra Chính phủ chỉ ra trong quá trình thực hiện thanh tra tại NHNN, đã được cơ quan này nhận diện . Ảnh minh họa: Quang Thắng. |
Theo đó, NHNN đã báo cáo, tham mưu Thủ tướng trình Bộ Chính trị Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Ngày 19/7, Đề án (Đề án 1058) đã được Thủ tướng phê duyệt. Hiện nay, NHNN đã, đang và sẽ triển khai các giải pháp và lộ trình theo đề án chủ động.
Đồng thời, NHNN đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thanh tra, giám sát, an toàn hoạt động ngân hàng để đảm bảo thực hiện đầy đủ và đồng bộ.
NHNN đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, tham mưu Chính phủ ban hành Chỉ thị triển khai nghị quyết này. NHNN cũng ban hành chỉ thị về việc thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 1058; Thông tư quy định về trình tự, thủ tục thanh tra chuyên ngành Ngân hàng...
Đặc biệt trong thời gian tới, NHNN cho hay sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD để hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm ngăn ngừa sở hữu chéo, lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của TCTD.
NHNN cũng cho biết sẽ tăng cường công tác giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hoạt động của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để phát hiện và xử lý kịp thời những sai phạm và rủi ro.
Giám sát chặt chẽ việc thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD và đề xuất các giải pháp xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình cơ cấu lại các TCTD.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ có thông báo kết luận thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong công tác thanh tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng tại NHNN.
Theo kết luận, công tác giám sát của NHNN chưa tổng hợp, phân tích sâu sắc các báo cáo của tổ chức tín dụng về một số nội dung: diễn biến cơ cấu tài sản nợ, có, chất lượng tài sản có, vốn tự có, tình hình thu nhập, chi phí, kết quả kinh doanh, thực hiện các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động...
Việc thanh tra của NHNN cũng được kết luận chưa đồng bộ, kịp thời dù hệ thống tín dụng tiềm ẩn rủi ro. NHNN cũng không rà soát, phối hợp với kết quả giám sát từ xa để xây dựng kế hoạch nên luôn phải điều chỉnh kế hoạch một cách bị động. Chất lượng giám sát từ xa đối với việc phát hiện các tiềm ẩn rủi ro chưa cao.
Từ ngày 1/10/2010 đến 30/6/2015, cơ quan thanh tra giám sát của NHNN, NHNN chi nhánh Hà Nội, TP.HCM có nhiều khuyết điểm, vi phạm.
Một số cuộc thanh tra vượt quyết định, kiến nghị xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa kịp thời có biện pháp xử lý kịp thời ngân hàng có nguy cơ mất khả năng chi trả. Có tổ chức tín dụng có nhiều vi phạm nhưng trong công tác thanh, kiểm tra, giám sát chưa kịp thời phát hiện để xử lý, ngăn chặn.