Lạm phát đang ở mức rất thấp. Bảy tháng đầu năm nay chỉ số CPI chỉ tăng 0,68% so với cuối năm ngoái. Và khi số liệu trên được Tổng cục Thống kê công bố, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có dấu hiệu giảm từ từ và nhẹ.
Trao đổi với TBKTSG, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết cơ quan này đang chủ động kéo lãi suất trên thị trường về một mức hợp lý hơn nữa để ủng hộ Bộ Tài chính phát hành trái phiếu chính phủ cũng như tín phiếu kho bạc. Động thái của NHNN không khó hiểu: thanh khoản các ngân hàng đang tốt và nếu lãi suất giảm trong ngắn hạn, họ sẽ mua trái phiếu chính phủ để tận dụng sự dư thừa tạm thời của nguồn vốn.
Ông Bình cũng khẳng định mục tiêu của NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn, nhưng sẽ không ép lãi suất huy động xuống một mức sâu hơn. Nếu lãi suất huy động của các ngân hàng giảm, có thể NHNN sẽ can thiệp thông qua thị trường liên ngân hàng để đẩy lãi suất lên nhằm tạo một mặt bằng lãi suất ổn định. “NHNN hiện đủ sức và đủ lực để làm điều đó. Chỉ cần nâng lãi suất các loại giấy tờ có giá do NHNN phát hành, thí dụ tín phiếu ngân hàng, thì các tổ chức tín dụng sẽ tự điều chỉnh ngay lãi suất tiền đồng mà họ giao dịch trên thị trường liên ngân hàng”.
Vì sao nhà điều hành thị trường tiền tệ không để lãi suất huy động giảm sâu trong khi công khai ý định giảm thêm lãi suất cho vay dù biết rằng điều đó đang và sẽ gây sức ép lên các tổ chức tín dụng? Vì sự phục hồi của nền kinh tế mới chỉ bắt đầu và còn yếu. Lãi suất cho vay cao sẽ không thể nào hỗ trợ doanh nghiệp. Không những thế, lãi suất đầu ra phải ổn định ở mức thấp trong một thời gian dài. Tuy nhiên, để lãi suất huy động thấp sẽ ảnh hưởng đến sự dịch chuyển của dòng tiền nhàn rỗi sang các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ, tức tác động đến tỷ giá.
Mục tiêu của NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn, nhưng sẽ không ép lãi suất huy động xuống một mức sâu hơn. |
Lần đầu tiên kể từ cuối năm ngoái, Thống đốc lên tiếng về dự trữ ngoại hối quốc gia. Ông cho biết đến cuối tháng 7/2015 dự trữ ngoại hối đã hơn 37 tỷ đôla Mỹ. “37 tỷ đôla Mỹ là ngoại tệ, là tiền tươi thóc thật, bấm nút là ta có ngay từng đó ngoại tệ. Còn nếu tính thêm vàng và những thứ được coi là ngoại tệ khác như tiền gửi của kho bạc, tiền gửi của các tổ chức tín dụng ở NHNN (không phải bằng tiền đồng), thì tổng cộng hiện có 40 tỷ đôla Mỹ”, ông nói. Ông thêm: “NHNN bây giờ hoàn toàn chủ động trong kiểm soát thị trường vàng. Lượng vàng dự trữ của Việt Nam còn thấp so với các nước, nhưng là mức cao nhất từ trước đến nay. Hiện chúng ta có 10 tấn vàng dự trữ”.
Hiện tại quy mô giao dịch của thị trường vàng đã thu hẹp đáng kể với khối lượng khoảng 5.000 lượng SJC/ngày, trị giá 165 tỷ đồng (tương đương 7,55 triệu đôla Mỹ/ngày). Với lượng vàng dự trữ đang có trong tay ước khoảng 350 triệu đôla Mỹ quy đổi, cơ quan quản lý hoàn toàn có khả năng can thiệp vào thị trường vàng nếu cần.
Lượng dự trữ ngoại hối đã tăng so với mức đỉnh được công bố năm ngoái là 36 tỷ đôla Mỹ. Mức tăng, theo đánh giá của ông Bình, chưa thật cao so với mong đợi của NHNN, nhưng NHNN vẫn đang mua được ngoại tệ trong bối cảnh nhập siêu đã gần cán mốc 4 tỷ đôla Mỹ tính đến giữa tháng 7 vừa qua theo thông báo của Tổng cục Hải quan. NHNN cũng kỳ vọng nếu giá vàng trong nước giảm về ngang giá quốc tế và người dân bán vàng, thì cơ quan này sẽ tính đến phương án mua vàng trong nước, xuất khẩu và gia tăng nguồn cung cho quỹ dự trữ ngoại hối.
Trả lời câu hỏi của TBKTSG liệu NHNN có quyết tâm giữ cam kết không điều chỉnh tỷ giá quá 2% trong năm nay sau khi dư địa điều chỉnh đã không còn, người đứng đầu cơ quan điều hành chính sách tiền tệ nhấn mạnh mục tiêu vẫn là 2% và có khả năng đạt được mục tiêu đó. “Một số ý kiến cho rằng nếu cố giữ điều chỉnh tỷ giá ở mức 2% năm nay, thì năm sau khả năng điều chỉnh tỷ giá sẽ cao hơn, giống như chiếc lò xo bị nén lâu ngày sẽ bật mạnh. Chúng tôi không nghĩ như vậy. Chúng tôi nhìn lộ trình cho tỷ giá trong thời gian dài và theo dõi sát những chuyển động trên thị trường tài chính quốc tế cũng như trong nước” - ông nói - “Quan trọng hơn, chúng tôi không sử dụng các công cụ như lãi suất tiền đồng, cân bằng cung tiền, tỷ giá riêng rẽ, mà kết hợp chúng ở mọi thời điểm”.
Những ngày gần đây thị trường vàng khá yên ắng, giá mua bán vàng SJC niêm yết của các ngân hàng vẫn quanh 33 triệu đồng/lượng trong khi giá quốc tế dao động quanh 29 triệu đồng/lượng (dưới 1.100 đôla Mỹ/ounce). Mức chênh lệch tới 4 triệu đồng/lượng có thể kích thích vàng nhập lậu. Tỷ giá thị trường tự do hiện đang cao hơn giá đôla Mỹ niêm yết của ngân hàng, mua vào khoảng 21.910 đồng/đôla Mỹ và bán ra 21.930 đồng/đôla Mỹ.